Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland nói với CNN rằng nước Nga của ông Putin “không phải là nước Nga mà chúng ta mong muốn”. Bà Nuland giải thích rằng Washington muốn có một nhà lãnh đạo tuân thủ ở Điện Kremlin, người sẽ “Tây hóa” đất nước.

“Thành thật mà nói, đó không phải là nước Nga mà chúng tôi muốn,” bà Nuland nói với người dẫn chương trình Christiane Amanpour của CNN hôm thứ Năm (22/2). “Chúng tôi muốn một đối tác Tây hóa, giống như châu Âu. Nhưng đó không phải là điều ông Putin đã làm”.

Người tiền nhiệm của ông Putin, ông Boris Yeltsin, nhận được sự ủng hộ của Washington khi ông giám sát quá trình tư nhân hóa vội vã nền kinh tế Nga vào những năm 1990. Những cải cách của ông Yeltsin chứng kiến sự trỗi dậy của những tên ‘đầu sỏ’, những người tích lũy khối tài sản khổng lồ bằng cách bán tài nguyên thiên nhiên của Nga cho phương Tây, trong khi phần lớn dân chúng phải đối mặt với tình trạng tuổi thọ giảm sút, tỷ lệ tội phạm và giết người tăng cao cũng như sự suy sụp của đồng rúp.

Ông Putin nhậm chức lần đầu tiên vào năm 2000, được nhiều người tín nhiệm vì đã chế ngự được những kẻ đầu sỏ và thiết lập trật tự công cộng và đảo ngược sự suy thoái kinh tế – xã hội trong những năm 1990. 

Ông Putin có cuộc trò chuyện với nhà báo Mỹ Tucker Carlson hồi đầu tháng này, ông kể rằng ông đã hỏi Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Bill Clinton liệu một ngày nào đó Nga có thể gia nhập NATO hay không nhưng đã bị từ chối.

Tuy nhiên, ông Putin đã tìm đến người kế nhiệm của ông Clinton, George W. Bush, với đề xuất rằng Mỹ, Nga và châu Âu cùng nhau tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa. Nhóm của ông Bush ban đầu bày tỏ sự quan tâm, ông Putin nói “cuối cùng họ bảo chúng tôi biến đi.”

Tổng thống Putin nói với ông Carlson rằng sự kết hợp giữa việc mở rộng NATO, sự hỗ trợ của Mỹ cho các nhóm thánh chiến ở Caucuses (Kavkaz) và việc bà Nuland dàn dựng cuộc đảo chính ở Ukraine năm 2014 đã cho thấy rằng Mỹ và các đồng minh không quan tâm đến hợp tác.

Bà Nuland nói với bà Amanpour rằng ông Putin đã “hủy hoại đất nước của mình” bằng cách can thiệp vào Ukraine, và Mỹ sẽ “tiếp tục thắt chặt thòng lọng đối với ông ta”, có lẽ bằng cách cung cấp vũ khí cho Kiev và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung đối với Moscow.

Tuy nhiên, các đợt trừng phạt liên tiếp đã không thể “hủy hoại” nền kinh tế Nga như Tổng thống Mỹ Joe Biden dự đoán vào năm 2022. Thay vào đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 2,6% vào năm 2024, trong khi Mỹ sẽ đạt 2,1%.

Tương tự như vậy, cuộc phản công mùa hè của Ukraine đã thất bại. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Kiev mất khoảng 160.000 quân và không chiếm lại được bất kỳ lãnh thổ nào đã mất.

Các quan chức Nga nhiều lần nói rằng họ sẵn sàng đàm phán để chấm dứt xung đột, nhưng Ukraine phải chấp nhận mất các vùng lãnh thổ cũ và cam kết trung lập.

Anh Nguyễn, theo RT