Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 24/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 450.000 ca mắc COVID-19 mới và 7.268 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 192.675.833 ca, trong đó có khoảng 4.114.520 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh: Par Adirach Toumlamoon/Shutterstock)

Trong 24 giờ qua, Indonesia đã vượt qua các điểm nóng khác như Ấn Độ, Brazil, Nga trở thành quốc gia có số ca nhiễm mới và tử vong mới cao nhất thế giới. Cụ thể, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus corona nhiều nhất thế giới gồm: Indonesia (45.416 ca), Ấn Độ (40.284 ca) và Brazil (38.091 ca); Indonesia cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (1.415 ca), tiếp theo là Brazil (1.028 ca) và Nga (799 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 35.311.651 người, trong đó có 626.692 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 31.371.486  ca nhiễm, bao gồm 420.585 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 19.670,.534 ca bệnh và 549.448 ca tử vong.

Tại Indonesia, đảo Bali đã rơi vào tình trạng cạn kiệt khí ôxy cho bệnh nhân COVID-19 do số ca nhiễm tăng mạnh. Người đứng đầu cơ quan y tế Bali, ông Ketut Suarjaya cho biết: “Chúng tôi đã hết khí ôxy từ ngày 14/7 và tình hình đang ngày càng tồi tệ hơn vì số ca nhiễm mới tăng cao. Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng khí ôxy tại Bali”. Ông cho biết Bali cần 113.3 tấn ôxy trong khi các bệnh viện chỉ có 40,5 tấn.

Bali, điểm du lịch nổi tiếng với những bãi biển và đền đài, cùng với đảo lớn chính Java và 15 khu vực khác đang áp dụng các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, dự kiến sẽ hết hiệu lực ngày 25/7. Chính phủ Indonesia đang thảo luận khả năng gia hạn các biện pháp này.

Tình trạng thiếu khí ôxy cũng đang xảy ra tại Java. Chính phủ Indonesia đã bắt đầu nhập khẩu ôxy từ các nước như Mỹ và Trung Quốc.

Indonesia, nước đông dân thứ 4 thế giới, đã ghi nhận hơn 3 triệu ca nhiễm và 80.598 ca tử vong. Sự lây lan của dịch, do biến thể Delta, không có dấu hiệu thuyên giảm. Theo tổ chức nghiên cứu Our World in Data, Indonesia có tỷ lệ tử vong cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Cơ quan khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 23/7 công bố thông tin cho biết biến thể Delta của virus corona hiện lây lan tới phần lớn các quốc gia châu Âu.

Dựa trên dữ liệu thu thập từ ngày 28/6 – 11/7, hai cơ quan trên cho biết biến thể Delta hiện đã có mặt ở 19/28 nước châu Âu với tỷ lệ 68,3% trong các mẫu dương tính. Trong khi đó, biến thể Alpha chỉ chiếm 22,3% các xét nghiệm dương tính.

Trước tình hình này, WHO châu Âu và ECDC cùng kêu gọi các quốc gia trong khu vực “tăng cường nỗ lực” để ngăn chặn sự lây lan của các biến thể COVID-19. WHO khuyến nghị các chính phủ cần tăng cường khả năng tiếp cận xét nghiệm miễn phí, đẩy nhanh truy vết để phá vỡ các chuỗi lây nhiễm, đảm bảo tiêm phòng cho những người có nguy cơ cao nhất và khuyến khích cách ly với các trường hợp tiếp xúc hoặc đã được xác nhận dương tính với COVID-19.

Tại Campuchia, chính quyền thủ đô Phnom Penh đã quyết định kéo dài lệnh tạm dừng hoạt động thêm 14 ngày đối với các hoạt động có rủi ro lây nhiễm dịch COVID-19 ở mức cao.

Chính quyền Phnom Penh cho biết vì yêu cầu khẩn cấp phòng chống dịch COVID-19 lây lan nên từ 0h ngày 24/7 đến ngày 6/8, các trường học tiếp tục đóng cửa; quán karaoke, massage, sàn nhảy, vườn bia, sòng bạc, khu nghỉ dưỡng, bảo tàng, công viên giải trí, rạp chiếu phim, nhà hát, phòng gym và trung tâm thể thao vẫn phải tạm ngừng hoạt động.

Bên cạnh các loại hình kinh doanh trên, chính quyền có thể sẽ quyết định tạm ngừng một số hoạt động khác tùy theo diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn và phù hợp với yêu cầu phòng chống dịch.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc mới tại Campuchia vẫn tăng mỗi ngày hơn 800 ca trong vài tuần trở lại đây và thủ đô Phnom Penh liên tục cảnh báo dịch tại nhiều ngôi chùa và các cơ sở dịch vụ, nhà hàng cho dù đa số người dân ở đây đã tiêm phòng COVID-19.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: