Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 26/7, thế giới ghi nhận thêm khoảng 405.511 ca mắc COVID-19 mới và 6.732 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 193.491.344 ca, trong đó có khoảng 4.127.602 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par cktravels.com/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 26/7, thế giới có 115 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 90 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong do đại dịch. Số ca mắc mới tại Anh, Indonesia và Brazil vẫn cao một cách báo động.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, tới nay đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều quốc gia lớn.

Tại Hàn Quốc, hiện biến thể Delta có khả năng lây lan nhanh cũng đang chiếm đa số trong các ca bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc, khiến các cơ quan y tế nước này gặp nhiều khó khăn hơn trong triển khai các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh.

Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), biến thể Delta là nguyên nhân khiến số ca COVID-19 tăng đột biến gần đây ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận, đồng thời đang có dấu hiệu lây lan nhanh hơn tại những vùng tại bên ngoài khu vực này. Cụ thể KDCA cho biết trong tuần thứ 3 của tháng 7, có tới 48% số bệnh nhân COVID-19 được xác nhận nhiễm biến thể Delta, tăng nhanh so với mức 3,3% trong tuần thứ 4 của tháng 6.

Các quan chức KDCA cho rằng biến thể này sẽ sớm là nguyên nhân gây ra hơn 50% số ca nhiễm mới. Tuy nhiên, trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, liên tục ghi nhận số ca COVID-19 cao kỷ lục mỗi ngày, chính quyền các địa phương phải căng mình phòng dịch thì một số lượng lớn người dân nước này vẫn tiếp tục đổ về các bãi biển tránh nóng trong hai ngày cuối tuần vừa qua.

Tại châu Âu, với tỷ lệ tiêm vắc-xin COVID-19 cao, nhiều nước đã nới lỏng các biện pháp phòng dịch. Mới đây nhất, Ireland đã cho phép các nhà hàng được phép mở cửa phục vụ khách trong phòng kín với điều kiện khách hàng phải có “hộ chiếu vắc-xin”.

Theo quy định mới, các nhà hàng trên cả nước sẽ được mở cửa đón những người đã tiêm phòng đầy đủ, đã khỏi bệnh trong 6 tháng và trẻ em đi cùng. Tuy nhiên, số người được ngồi cùng bàn tối đa là 6 người và nhà hàng phải đóng cửa trước 23h30.

Tại Pháp, số người được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin COVID-19 đã vượt 40 triệu người, đồng nghĩa với việc khoảng 60% dân số nước này đã được tiêm đầy đủ hoặc 1 liều vắc-xin phòng bệnh.

Ở nước láng giềng với Pháp, các nhà khoa học cảnh báo Vương quốc Anh có nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới làm suy yếu hiệu quả của vắc-xin trong bối cảnh nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch có thể khiến số ca mắc COVID-19 mới tăng tới 100.000 ca/ngày vào mùa Hè này.

Tại Ý, ngày 26/7, quan chức phụ trách chiến dịch phòng chống COVID-19 của Ý, ông Francesco Paolo Figliuolo cho biết Rome đặt mục tiêu 80% dân số được tiêm vắc-xin phòng COVID-19 vào cuối tháng 9, tỷ lệ đủ khả năng tạo miễn dịch cộng đồng.

Phát biểu với báo giới khi đến thăm một trung tâm tiêm chủng ở Turin, ông Figliuolo nói: “Đến cuối tháng 7, chúng tôi sẽ bảo đảm 60% dân số được tiêm chủng. Mục tiêu của chúng tôi là tăng lên 80% vào cuối tháng 9. Hiện nay, 56% dân số Ý đã được tiêm vắc-xin và tôi coi đó là một kết quả tốt. Bây giờ chúng ta phải tiếp tục tiến lên, không bỏ cuộc”.

Tại Indonesia, ngày 26/7, các cửa hàng nhỏ, nhà hàng ven đường và một số trung tâm mua sắm đã mở cửa trở lại sau khi Chính phủ Indonesia quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế giữa lúc lo ngại gia tăng về nguy cơ điều này có thể làm bùng phát thêm đợt dịch mới COVID-19.

Theo đó, các biện pháp hạn chế đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, trong đó có các khu chợ truyền thống và các hàng quán ngoài trời, cũng được nới lỏng ngay cả ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Trung tâm mua sắm và đền thờ ở những vùng ít bị ảnh hưởng cũng được “bật đèn xanh” để mở cửa trở lại, nhưng giới hạn giờ hoạt động và lượng người ra vào. Tuy nhiên, các văn phòng vẫn tiếp tục đóng cửa.

Trước đó một ngày, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố lệnh phong tỏa một phần, được áp dụng vào đầu tháng này, sẽ kéo dài đến ngày 2/8 nhưng một số biện pháp sẽ được nới lỏng. Theo đó, các đơn vị kinh doanh như chợ truyền thống, cửa hàng sửa xe và nhà hàng sẽ được phép mở cửa trở lại với một số điều kiện nhất định. Trong khi đó, các trung tâm thương mại được tạo điều kiện hoạt động với 25% công suất ở khu vực không thuộc “vùng đỏ” – vùng có nguy cơ dịch bệnh cao.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tới nay, Indonesia đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca mắc COVID-19 và 83.000 ca tử vong. Trong khi đó, tốc độ tiêm chủng của nước này vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu tiêm 1 triệu liều vắc-xin/ngày trong tháng 7 do chính phủ đề ra.

Hiện mới chỉ có khoảng 6% dân số Indonesia đã được tiêm đủ liều vắc-xin. Ngày 26/7, Bộ trưởng Y tế nước này, ông Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này dự kiến sẽ tiếp nhận 45 triệu liều vắc-xin trong tháng 8 tới, bao gồm vắc-xin của các hãng Sinovac, Moderna và Pfizer/BioNTech.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: