Tất cả các đại sứ quán Hoa Kỳ ở nước ngoài sẽ được yêu cầu chỉ định ít nhất một nhân viên để theo dõi các hoạt động liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) – một âm mưu cho vay cắt cổ của Trung Quốc Cộng sản tại các quốc gia lân cận, có trị giá 1,2 nghìn tỷ USD.

Yêu cầu trên được chỉ định theo dự luật của Thượng nghị sĩ James Lankford (Đảng Cộng hòa, Oklahoma) đưa ra tại Quốc hội. 

“Trung Quốc Cộng sản đang sử dụng chính sách ngoại giao bẫy nợ để làm xói mòn chủ quyền của các quốc gia mắc nợ và thách thức sự lãnh đạo của Hoa Kỳ tại các khu vực quan trọng trên thế giới. Hoa Kỳ không thể làm ngơ cách Trung Quốc gây bất ổn cho các nước đang phát triển để thúc đẩy tham vọng quân sự và kế hoạch thâm hiểm của ĐCSTQ. Hoa Kỳ nên chống lại việc cho vay nặng lãi của Trung Quốc và thúc đẩy tự do cho những người sống dưới sự bóc lột của Trung Quốc”, ông Lankford nói với The Epoch Times.

Một tờ thông tin mô tả đạo luật của ông Lankford và được văn phòng của ông cung cấp cho các nhà báo cho biết dự luật “sẽ tăng cường năng lực của Hoa Kỳ trong việc theo dõi, chống lại và cạnh tranh với các chiến thuật kinh tế mang tính cướp bóc của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) trong bối cảnh ngoại giao đã được địa phương hóa. …  Hoa Kỳ phải đi đầu trong việc chống lại các hành vi hung hăng của Trung Quốc và đảm bảo các nhà ngoại giao của chúng ta được trang bị để giải quyết vấn đề này tại tất cả các cơ quan ngoại giao của chúng ta trong bối cảnh từng quốc gia cụ thể”. 

Theo dự luật của ông Lankford, quan chức phụ trách đại sứ quán sẽ “chuẩn bị một báo cáo xác định và đánh giá tất cả các dự án liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) trong bối cảnh quốc gia tương ứng, cùng một báo cáo toàn diện từ Bộ Ngoại giao với tất cả thông tin liên quan được tổng hợp”.

Ngoài ra, quan chức phụ trách của đại sứ quán Hoa Kỳ sẽ được giao nhiệm vụ phát triển “chiến lược chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia tương ứng của họ và chỉ đạo tất cả các Trưởng phái đoàn thực hiện và đào tạo tất cả nhân viên trong nước sở tại theo các nguyên lý then chốt của chiến lược địa phương”. 

Dự luật còn yêu cầu “đánh giá các dự án đã khiến quốc gia phải gánh khoản nợ đáng kể, có khả năng gây tổn hại đến sự thịnh vượng kinh tế và chủ quyền quốc gia” “danh sách các tài sản thế chấp đã biết hoặc được dự đoán, được liệt kê bởi quốc gia tương ứng cho các khoản nợ phát sinh từ các dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường”

Một phần khác trong bản mô tả công việc, yêu cầu quan chức Đại sứ quán đó “khuyến khích ‘Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ’ ưu tiên các cơ hội tài chính thay thế cho các quốc gia là mục tiêu của Sáng kiến Vành đai và Con đường”, từ đó tạo ra một kịch bản cho vay cạnh tranh.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã được tham vấn ý kiến khi ông Lankford soạn thảo dự luật đề xuất. Đề xuất này yêu cầu một nhân viên hiện tại được chỉ định để giám sát BRI thay vì tạo ra một vị trí mới cho mục đích đó trong Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Sáng kiến Vành đai và Con đường

‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ được nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình công bố vào năm 2013. Ông Tập mô tả sáng kiến này là “Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa”  mới, gợi nhớ đến “Con đường tơ lụa” huyền thoại nối Trung Quốc với Trung Á và một phần Trung Đông từ thế kỷ thứ hai sau Công nguyên qua thời Trung cổ.

Nhưng trong khi Con đường Tơ lụa cũ đại diện cho một tuyến đường thương mại nơi hàng hóa và ý tưởng được trao đổi qua lại, thì ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’ của ông Tập là một công cụ của ĐCSTQ nhằm mở rộng ảnh hưởng và quyền kiểm soát về kinh tế, quân sự và chính trị của Trung Quốc vượt xa biên giới đất nước và cạnh tranh với Hoa Kỳ.

Giới chức Trung Quốc cung cấp các khoản vay đáng kể, thường dành cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tốn kém ở các quốc gia kém thịnh vượng ở Trung Á, Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, một khi BRI được thiết lập ở quốc gia tiếp nhận, các khoản vay sẽ trở thành đòn bẩy cho việc mở rộng ảnh hưởng của ĐCSTQ sau đó.

Nhưng chương trình BRI đã đang không phải là không có vấn đề cho Bắc Kinh, như The Epoch Times đã đưa tin đầu năm nay. Khoảng 78,5 tỷ USD các khoản vay từ các tổ chức Trung Quốc cho các dự án đường bộ, đường sắt, bến cảng, sân bay và các cơ sở hạ tầng khác trên khắp thế giới đã phải tái thương lượng hoặc xóa nợ từ năm 2020 đến cuối tháng Ba năm nay, theo số liệu được tổng hợp bởi Rhodium Group, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại New York. 

Gần đây hơn, Ý, quốc gia châu Âu duy nhất tham gia thỏa thuận BRI, đã tuyên bố rằng họ đang xem xét chấm dứt mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong chương trình này. 

Vào ngày 2 tháng 9, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani cho biết: “Thông điệp của Ý rất rõ ràng: Chúng tôi muốn hợp tác với Trung Quốc, chúng tôi muốn có mặt tại thị trường Trung Quốc, chúng tôi sẵn sàng đón nhận đầu tư của Trung Quốc, nhưng như tôi đã nói, điều quan trọng là phải có một sân chơi bình đẳng. Chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng chúng tôi cũng phải phân tích [cán cân] xuất khẩu [Ý-Trung]: BRI đã không mang lại kết quả như chúng tôi mong đợi”.