Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Năm (7/9) cho biết, hơn 90 nước đã xác nhận cử đại diện tham dự “Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba”, sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào tháng 10. Năm 2023 cũng đánh dấu tròn 10 năm triển khai Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.

vành đai con đường
Các quốc gia và khu vực mà “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc (Ảnh: Shutterstock)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm thứ Năm (7/8): “Sáng kiến ​​‘Vành đai kinh tế Con đường Tơ lụa’ năm nay vừa đúng 10 năm. Tại Bắc Kinh vào tháng 10 này Trung Quốc sẽ tổ chức ‘Diễn đàn Cấp cao Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ ba’. Đây là sự kiện long trọng nhất để kỷ niệm 10 năm sáng kiến ​​‘Vành đai và Con đường’, cũng là nền tảng quan trọng để các bên thảo luận về việc xây dựng chung chất lượng cao trong hợp tác Vành đai và Con đường.”

“Tính đến nay, đại diện của hơn 90 nước đã xác nhận tham dự. Trong số đó có đại diện chính thức như lãnh đạo và bộ trưởng của các nước đối tác ‘Vành đai và Con đường’; cũng có đại diện trong các lĩnh vực như giới doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu và xã hội dân sự tích cực hỗ trợ và tham gia hợp tác ‘Vành đai và Con đường’,” bà Mao Ninh nói, “Nhiều người đứng đầu và đại diện các tổ chức quốc tế cũng đã xác nhận tham gia, tin rằng tiếp theo sẽ có thêm nhiều đối tác xác nhận tham gia”.

Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, một số quan chức nước ngoài sẽ tới thăm Bắc Kinh, trong đó có Tổng thống Aleksandar Vucic của Serbia và Tổng thống Alberto Fernandez của Argentina.

Cố vấn chính sách đối ngoại của ông Tổng thống Nga là ông Yury Ushakov gần đây cho biết ông Putin sẽ thăm Bắc Kinh trong Diễn đàn Cấp cao Vành đai và Con đường vào tháng 10.

“Chúng tôi đã nhận được lời mời và có kế hoạch đến thăm Trung Quốc”, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Global Times) của nhà nước Trung Quốc dẫn lời ông Ushakov cho biết.

Ban đầu Trung Quốc đưa ra Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường với mục tiêu giải quyết vấn đề dư thừa trong sản suất ở Trung Quốc bằng cách cung cấp xây dựng cơ sở hạ tầng cho các nước đang phát triển. Nhưng khi sự cạnh tranh toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, chính quyền Trung Quốc đã dần sử dụng chương trình này để mở rộng vòng kết nối bạn bè của họ nhằm thoát khỏi sự cô lập quốc tế mà họ đối mặt.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Trung Quốc đã ký các văn kiện hợp tác Vành đai và Con đường với hơn 150 quốc gia và hơn 30 tổ chức quốc tế.

Gần đây, phát ngôn viên Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tiết lộ trong một cuộc họp báo thường kỳ khác rằng trong 10 năm qua, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường đã thiết lập hơn 3000 dự án hợp tác và tổng vốn đầu tư đã lên tới 1000 tỷ USD.

“Trong 10 năm qua, hợp tác Vành đai và Con đường đã đạt được kết quả tốt đẹp”, ông Uông Văn Bân cho hay.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời giới phê bình cho rằng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường tuyên bố sẽ hồi sinh ‘Con đường Tơ lụa’ cổ xưa và thúc đẩy cơ sở hạ tầng thương mại toàn cầu, nhưng thực tế đã được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng như công cụ để mở rộng ảnh hưởng địa chính trị và kinh tế ra nước ngoài.

Theo AP đưa tin hôm 18/5, hiện có hơn chục quốc gia nghèo đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn kinh tế, thậm chí sụp đổ. Họ khó có thể trả được khoản nợ nước ngoài lên đến hàng trăm trăm tỷ USD, trong số các khoản nợ đó, phần lớn là khoản vay từ Trung Quốc.

Sri Lanka, được ĐCSTQ hậu thuẫn, đã vỡ nợ do nợ nước ngoài phình to. Tuy nhiên, khi các chủ nợ của Sri Lanka gặp nhau gần đây để thảo luận về việc tái cơ cấu nợ, Trung Quốc đã tham dự với tư cách quan sát viên.

Các chuyên gia dự đoán rằng trừ khi ĐCSTQ chấp nhận tổn thất từ các khoản cho vay lớn, nếu không thì một làn sóng vỡ nợ và bất ổn chính trị có thể xảy ra.

Đối với nhiều quốc gia mắc nợ cao, tương lai có thể giống như Sri Lanka. Năm ngoái, người dân bạo loạn tràn ngập đường phố ở thủ đô Sri Lanka, xông vào dinh tổng thống và buộc các nhà lãnh đạo từng đạt được thỏa thuận nặng nề với Trung Quốc phải rời khỏi đất nước. Nửa triệu việc làm trong ngành công nghiệp đã biến mất, lạm phát đang ở mức 50%, hơn một nửa dân số ở nhiều vùng của quốc gia này trở nên nghèo khó.

Reuters chỉ ra, tranh luận ở phương Tây về việc không quá phụ thuộc vào Trung Quốc về mặt kinh tế đã phủ bóng đen lên mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư lâu dài giữa phương Tây và Trung Quốc. Nước G7 duy nhất đã ký bản ghi nhớ hợp tác với Trung Quốc về Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường là Ý đã không hài lòng khi tham gia dự án do Trung Quốc dẫn đầu. Bộ trưởng Quốc phòng Ý, ông Guido Crosetto, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào ngày 30/7 rằng tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường 4 năm trước là quyết định “bốc đồng và cực kỳ tồi tệ” của Ý.

Nikkei Asia lưu ý trong một bài báo đăng hôm thứ Năm rằng suy thoái kinh tế của Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến các dự án Vành đai và Con đường. Các vụ vỡ nợ trong nước của Trung Quốc lần lượt xuất hiện, buộc nhà chức trách phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận đầu tư ra nước ngoài. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhiều lần đề cập rằng các dự án trong khuôn khổ Vành đai và Con đường phải tính đến yếu tố lợi nhuận.

Nikkei Asia dẫn lời chuyên gia Junya Sano tại Viện Nhật Bản ở Singapore chỉ ra, việc tăng cường quan hệ kinh tế với các nền kinh tế mới nổi có thể mang lại cho Trung Quốc nhiều đòn bẩy hơn trên trường quốc tế và cũng có thể giúp họ hạn chế bị cô lập trong Liên Hiệp Quốc.

Mộc Vệ (t/h)