Ngày 29 và 30/6, Tòa án Tối cao Mỹ đã liên tiếp đưa ra các phán quyết mang tính lịch sử về hai vụ án liên quan đến tôn giáo.

unnamed
Tối cao Pháp viện Mỹ.(Ảnh: Steven Frame/ Shutterstock)

Quyền của doanh nghiệp trong từ chối phục vụ người đồng tính

Tòa án Tối cao Mỹ vào thứ Sáu (30/6) đã ra phán quyết với tỷ lệ 6:3, theo đó những nhà thiết kế đồ họa ở Colorado tạo trang web đám cưới có quyền từ chối khách hàng là người đồng tính (LGBTQ). Đây được xem là phán quyết mang tính lịch sử thu hút sự chú ý của cả nước Mỹ, do phán quyết này cho rằng vấn đề quy định không được kỳ thị người đồng tính luyến ái là trái với quyền tự do trong Tu chính án 1.

Trong vụ 303 Creative LLC v. Elenis, tòa án tối cao đã ra phán quyết ủng hộ nghệ sĩ Lorie Smith, cô đã kiện Đạo luật chống phân biệt đối xử Colorado (CADA), luật này cấm các doanh nghiệp từ chối cung cấp dịch vụ cho khách hàng dựa trên xu hướng tính dục.

Thẩm phán Gorsuch của Tòa án Tối cao đã viết ý kiến ​​đa số, “Trong trường hợp này, bang Colorado buộc mọi người phải làm theo cách phù hợp với quan điểm của họ, nhưng vấn đề quan trọng là [người làm vậy] trái với lương tâm [của người đó]”. Ông viết, “Tuy nhiên, như Tòa án này từ lâu đã cho rằng cơ hội để [mọi người] suy nghĩ độc lập và tự do bày tỏ quan điểm là một trong những quyền tự do được trân trọng nhất của chúng ta, đó là một phần giúp nền cộng hòa của chúng ta vững mạnh”.

“Nhưng câu trả lời của nước Mỹ là khoan dung mà không cưỡng ép. Tu chính án 1 cho rằng nước Mỹ là nơi giàu có và phức tạp, nơi tất cả mọi người được tự do suy nghĩ và nói theo ý mình muốn chứ không phải theo mệnh lệnh của chính phủ. Vì bang Colorado đã cố gắng phủ nhận cam kết đó nên bản án cần lật lại”, ông kết luận.

Nghệ sĩ Lorie Smith cho biết, Đạo luật chống phân biệt đối xử của Colorado đã vi phạm Tu chính án 1 khi buộc cô phải truyền bá thông tin trái ngược với niềm tin của cô.

CADA cấm các doanh nghiệp từ chối phục vụ ai đó dựa trên thân phận [giới tính] của họ, những người ủng hộ CADA cho rằng luật này là cần thiết để ngăn chặn việc doanh nghiệp phân biệt đối xử trong phục vụ khách hàng.

Trong suốt vụ án, cô Smith đã luôn khẳng định rằng cô không gặp vấn đề gì khi làm việc với cộng đồng LGBTQ. “Tôi nghĩ thật quan trọng để mọi người hiểu tôi yêu thích và hoan nghênh cơ hội làm việc với mọi người. Lập trường của tôi chưa bao giờ là chọn khách hàng mà là chọn thông điệp mà tôi được yêu cầu quảng bá”, cô nói với Fox Digital News.

Smith cho biết vào tháng 12 rằng cô đã phải đối mặt với những lời đe dọa:   “Địa chỉ nhà của tôi bị đăng trên mạng xã hội, tôi cũng nhận được rất nhiều lời đe dọa như dọa giết, đe dọa xâm hại thân thể. Hệ thống an ninh ở nhà tôi, ở trường học của các con tôi luôn trong tình trạng phải đề phòng. Tôi đã bị mất mối kinh doanh, khách hàng của tôi bị quấy rối, trang web của tôi… bị tấn công gần như mỗi giờ”.

Nhưng cô cho biết cô không hối hận khi ra tòa: “Quyền tự do ngôn luận nên được đảm bảo cho tất cả mọi người, nhưng đôi khi điều đó thật khó khăn. Mặc dù phải trả giá, nhưng đó là một quyền đáng được bảo vệ”.

Đây không phải là lần đầu tiên Luật chống phân biệt đối xử của Colorado trở thành tâm điểm của một vụ kiện tại Tòa án Tối cao. Năm 2018, ông chủ Jack Phillips của tiệm bánh Masterpiece Cakeshop cũng đã thắng kiện trong vụ việc ông từ chối thiết kế và làm bánh cho đám cưới của người đồng tính. Trong vụ án này, Tòa án tối cao Mỹ cho rằng Ủy ban Dân quyền Colorado có thiên kiến đối với tôn giáo trong việc thi hành luật chống lại ông Phillips.

Thúc đẩy doanh nghiệp tạo thuận lợi cho người lao động sinh hoạt tôn giáo

Trước đó vào ngày 29/6, trong vụ Groff kiện DeJoy (Groff là nhân viên bưu điện ở vùng nông thôn phía đông nam Pennsylvania, anh theo đạo Cơ đốc), Tòa án Tối cao Mỹ đã quyết định về trường hợp doanh nghiệp tạo điều kiện cho nhân viên trong hoạt động tôn giáo, quyết định đã nâng cao ràng buộc đối với chủ sử dụng lao động trong vấn đề từ chối các yêu cầu liên quan đến người lao động về vấn đề này.

Trong nhiều năm, Grove đã là người vận chuyển bưu kiện ở các vùng nông thôn, nhưng vì Amazon có hợp đồng với Bưu điện Mỹ để chuyển hàng vào Chủ nhật, điều đó khiến Grove không thể đến nhà thờ vào Chủ nhật. Năm 2019 Grove buộc phải nghỉ việc, vì thế anh đã kiện bưu điện vì đã không tạo điều kiện cho anh tham gia hoạt động tôn giáo và xử phạt anh.

Một tòa án cấp dưới đã ra phán quyết chống lại anh, cuối cùng vụ kiện đã đến Tòa án Tối cao. Giới chuyên gia pháp lý có chỉ ra phán quyết đó của Tòa án Tối cao Mỹ đã gửi một thông điệp tới các tòa án cấp dưới rằng họ không nên chỉ cố chấp vào tiêu chuẩn chi phí “dù không đáng kể” của doanh nghiệp.

Theo bản ý kiến, Thẩm phán Alito đã viết: “Một loạt nhiều tổ chức tôn giáo khác nhau đã cho tòa án biết rằng những bài kiểm tra tinh vi trong nhiều trường hợp  cho thấy vấn đề từ chối các hỗ trợ thậm chí rất nhỏ, khiến các thành viên của tín ngưỡng tôn giáo thiểu số khó tiếp cận thị trường việc làm hơn”.

Phán quyết này có ý nghĩa quan trọng, vì trước khi có phán quyết mới của Tòa án Tối cao, luật quy định người sử dụng lao động có thể từ chối yêu cầu tạo điều kiện như vậy của nhân viên cho dù chỉ khiến công ty mất chi phí “không đáng kể”. Trong tương lai, Tòa án Tối cao Mỹ sẽ yêu cầu người sử dụng lao động “chứng minh việc cung cấp điều kiện liên quan nhất định cho người lao động dẫn đến sự gia tăng đáng kể gánh nặng chi phí trong hoạt động kinh doanh cụ thể của họ”.