Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức đã bày tỏ “sự phẫn nộ mạnh mẽ” và mô tả tờ Bild của Đức là “đáng khinh bỉ” sau khi tờ này trích dẫn báo cáo của một nhà khoa học, trong đó kết luận rằng virus corona chủng mới ở Vũ Hán đã bị rò rỉ trong phòng thí nghiệm.

Embed from Getty Images

Vào ngày 18/2, Tiến sĩ Roland Wiesendanger, chuyên gia về khoa học nano tại Đại học Hamburg, đã xuất bản một báo cáo dài 105 trang trên ReasearchGate với tiêu đề “Nghiên cứu về nguồn gốc của Đại dịch virus corona.” Trong báo cáo của mình, dựa trên nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2020, ông Wiesendanger đã liệt kê sáu “dấu hiệu quan trọng” chính cho thấy đại dịch COVID-19 bắt đầu với sự rò rỉ từ Viện Virus Vũ Hán.

Trong một cuộc phỏng vấn với trang tin tức ZDF của Đức cùng ngày, ông tuyên bố rằng ông “chắc chắn 99,9% rằng virus corona xuất hiện từ phòng thí nghiệm tại Vũ Hán.” Tờ Bild cũng đã phỏng vấn ông Wiesendanger vào ngày hôm đó và lặp lại tuyên bố của ông rằng “virus corona đến từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.”

Đáp lại, Đại sứ quán Trung Quốc hôm thứ Bảy (20/2) đã đưa ra một tuyên bố, trong đó nói rằng nghiên cứu của nhà vật lý người Đức “không phải là một báo cáo nghiên cứu khoa học hay hợp lý về mặt logic”, tuy nhiên không cung cấp thêm thông tin chi tiết để phản biện lại. Đại sứ quán sau đó trích dẫn một báo cáo chung giữa Trung Quốc và WHO, trong đó tuyên bố rằng khả năng COVID-19 xuất hiện từ một phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra”, nhưng cũng không đưa ra được bằng chứng để biện minh cho kết luận của mình.

Đại sứ quán cáo buộc tờ báo “háo hức tung tin đồn” và lên án 5 câu hỏi mà tờ báo đặt ra đề nghị Trung Quốc trả lời về vụ bùng phát. Sau đó, Đại sứ quán mô tả báo cáo của tờ Bild là “đáng khinh bỉ.”

Tuyên bố của Đại sứ quán cố gắng mô tả đại dịch là một “thảm họa thiên nhiên”, mà Trung Quốc cũng là một “nạn nhân”. Tuyên bố cũng ca ngợi “các kênh tin quốc tế của Trung Quốc luôn nhanh chóng, kịp thời, công khai và minh bạch.”

Tuy nhiên, Đại sứ quán không đề cập đến việc các nhà điều tra của WHO đã phát hiện ra các dấu hiệu cho thấy đợt bùng phát ở Vũ Hán rộng hơn nhiều và có thể diễn ra sớm hơn hai tháng so với chính phủ Trung Quốc thừa nhận. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan (CDC), vào ngày 31 tháng 12 năm 2019, họ đã yêu cầu Trung Quốc và WHO cung cấp thêm thông tin về sự lây truyền rõ ràng từ người sang người của các trường hợp viêm phổi không điển hình ở Vũ Hán nhưng chưa bao giờ nhận được thông tin hồi đáp xác thực.

Vào ngày 30 tháng 12 năm 2019, tại Vũ Hán, bác sĩ nhãn khoa Trung Quốc Lý Văn Lượng đã bắt đầu cố gắng cảnh báo các đồng nghiệp của mình về sự lây lan của một loại vi rút giống SARS. Vào ngày 3 tháng 1, Văn phòng Công an Vũ Hán đã thẩm vấn bác sĩ Lý và khiển trách anh vì đã tuyên truyền “những thông tin không đúng sự thật”. Bác sĩ Lý khi đó đã buộc phải ký vào một tờ giấy cam kết “sẽ không bao giờ tái phạm nữa.” Sau đó, bác sĩ Lỹ đã chết vì COVID-19 vào ngày 6 tháng 2.

Vào tháng 2 năm 2020, Xiao Botao và Lei Xiao, hai nhà nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc đã xuất bản một bài báo có tiêu đề “Nguồn gốc có thể của virus 2019-n-CoV”, cho rằng sự bùng phát có thể bắt đầu từ một phòng thí nghiệm. Họ cho rằng những con dơi mang các chủng tương tự nhất với virus sống rất xa ở Vân Nam và dơi không được bán ở chợ buôn bán hải sản Hoa Nam. Họ chỉ ra rằng cả Viện Virus học Vũ Hán và Trung tâm Kiểm soát & Phòng ngừa Dịch bệnh Vũ Hán đều tiến hành nghiên cứu về virus corona trên dơi.

Tuy nhiên, bài báo đã nhanh chóng bị xóa khỏi mạng internet ở Trung Quốc.

Lê Vy (theo Taiwan News)

Xem thêm: