Agence France-Presse (AFP), một trong 3 hãng thông tấn lớn nhất thế giới, lại gây tranh cãi do kiên trì nguyên tắc không dùng từ “khủng bố” khi đưa tin, đặc biệt về Hamas trong chiến tranh Israel đang diễn ra.

tre so sinh o Gaza
Trẻ sơ sinh gặp các vấn đề sức khỏe cần máy hỗ trợ y tế tại bệnh viện Shifa ở Gaza. (Chris McGrath/Getty Images)

Các chính trị gia ở Pháp, chủ yếu là nhóm cánh hữu ủng hộ Israel, đã chất vấn tại sao AFP không dùng từ “khủng bố” khi miêu tả về Hamas, một lần nữa khơi mào lại một tranh cãi đã có từ lâu ở Pháp, theo RFI (Pháp) đưa tin.

Trong một phỏng vấn với Le Figaro (Pháp) cuối tháng trước, Chủ tịch và CEO của AFP, ông Fabrice Fries, đã giải thích rằng thuật ngữ “khủng bố” đã bị chính trị hóa trong nhiều năm, cho nên trong nội bộ AFP đã có quy định không dùng từ này.

“Tại sao có quy định này? Bởi vì từ “khủng bố” mang theo sắc thái nghĩa quá lơi lỏng và mang theo tính chính trị rất cao. Đặc biệt là kể từ [khi Mỹ rầm rộ lăng-xê] “chiến dịch chống khủng bố” sau sự kiện 11/9/2001,” ông giải thích với Le Figaro.

Trước đó, ngày 28/10, hãng AFP đã công bố lời giải thích tại sao hãng không dùng từ “khủng bố” này. Đây là chủ trương của AFP trong rất nhiều năm rồi. Mà cũng không chỉ AFP (Pháp), mà cả Reuters (Anh) và AP (Mỹ) cũng có chủ trương tương tự.

Mục đích của hãng tin là đưa tin và đưa tin một cách trung lập, chứ không phải tùy tiện dán nhãn hoặc định tội cho đối tượng đề cập đến trong bản tin, dù đối tượng đó là ai, và dù có đúng là đối tượng đã phạm tội hay không. Các từ mang hàm nghĩa định tội như “tội ác chiến tranh” cũng vì thế mà được sử dụng một cách thận trọng.

Tất nhiên, trong các bản tin, nếu là trích dẫn hoặc nói lại miêu tả của người khác, thì các từ như “khủng bố” hay “tội ác chiến tranh” v.v. là vẫn được dùng. Đó là trích dẫn lời của người khác, chứ không nhất định là phản ánh suy nghĩ chủ quan của hãng tin.

“Vai trò của một hãng thông tấn không phải là nói ai là người tốt và ai là kẻ xấu, mà là đưa tin chính xác nhất có thể về những gì đang xảy ra,” ông Fries đã nói khi trả lời Le Figaro.

Tuy nhiên, như RFI đưa tin, những người cánh hữu ở Pháp vẫn tiếp tục chất vấn AFP về vấn đề này.

Stéphane Le Rudulier, một nghị sỹ cánh hữu của Pháp, nói AFP đã “hạ thấp chủ nghĩa khủng bố” do không dùng từ “khủng bố” khi miêu tả Hamas.

Marine Le Pen, một lãnh đạo cực hữu, bình luận rằng không dùng từ “khủng bố” thì tức là AFP đang “tìm cách lấy lòng Hamas.”

Éric Ciotti, chủ tịch Đảng Cộng hòa Pháp cánh hữu, cũng nói rằng thật sự là một điều gây sốc khi AFP không chịu miêu tả Hamas là “khủng bố”.

Như AFP chỉ ra, từ “khủng bố” hiện nay đã được choàng thêm sắc thái mới bên ngoài cái nghĩa nguyên gốc của nó. Lý do là các tổ chức chính trị thời gian qua sử dụng thuật ngữ này như một loại miêu tả đặc thù.

Ngoài ví dụ về việc truyền thông Mỹ gọi các nhóm hồi giáo là “khủng bố”, thì AFP cũng chỉ ra rằng Trung Quốc cũng gọi nhóm Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ là “khủng bố”. Lối thực hành dùng từ như vậy đã dẫn đến việc độc giả lập tức mang theo cảm nghĩ xấu khi đọc được từ “khủng bố” trong các bản tin.

Có một ví dụ tương tự, từ “mê tín” cũng bị biến nghĩa sau những vận động chính trị của ĐCSTQ. Đọc giả hiện nay hễ đọc thấy từ “mê tín” liền cảm thấy là gì đó mang nghĩa xấu xa. Đó không phải là nguyên nghĩa vốn có từ trước của thuật ngữ này.

Trong hoạt động tư duy của con người là có việc tin tưởng vào điều gì đó trong trạng thái bản thân họ chưa kiểm chứng được điều ấy một cách trọn vẹn. Đó là cần thiết. Đánh mất “mê tín” vào chuẩn mực đạo đức thì xã hội nhân loại sẽ đi về đâu? Trẻ nhỏ không “mê tín” nghe theo lời cha mẹ thì sẽ trưởng thành ra sao? Quân nhân không “mê tín” vào mệnh lệnh của thượng cấp thì quân đội sẽ thành thế nào? V.v. Cái nghĩa nguyên gốc của từ “mê tín” này là trung lập, không phải lúc nào cũng là nghĩa xấu.

Nhưng các vận động chính trị đã làm thuật ngữ này đánh mất cái nghĩa vốn có từ trước của nó, và hầu như không thể quay trở về trạng thái như cũ được nữa.

Bản thân từ “terror” chỉ là nói về điều gì đó mang lại sự sợ hãi, gây nên gì đó khủng khiếp. Đây là miêu tả một hiện tượng nào đó. Nhưng bất kể thế nào, giờ đây, sau các chiến dịch truyền thông, nó đã mang theo hàm nghĩa mới. Con người hiện nay đã không hiểu từ này theo cái nghĩa ban đầu được nữa rồi.

Trong một công văn nội bộ của AFP, như bản tin của RFI nêu ra, đã có chỗ hướng dẫn nhân viên của mình rất rõ về việc này.

Trong đó, AFP nói rằng: Chúng ta có thể dùng các từ như “phong trào Hồi giáo Palestine”, “các tay súng Hamas”, v.v. nhưng không dùng từ “khủng bố” khi nói về họ, trừ khi trích dẫn lời của người khác, như lời của EU hay quan chức Mỹ, v.v.

Ông chủ tịch AFP Fabrice Fries cũng đăng một bài trên tờ Le Monde (Pháp) ngày 12/11, trong đó chỉ ra rằng AFP hiện xuất bản mỗi ngày 4.000 thông cáo báo chí, 3.000 tấm ảnh, và 300 video.

Theo ông, nếu AFP cố ý thiên vị bằng cách chụp mũ, dán nhãn, ám chỉ, v.v. một chủ đề hay một ai đó, thì đó là việc làm không tốt.

Nếu AFP “đem một chủ đề nào đó, đem một loại báo cáo nào đó làm riêng ra, đặt hỏa lực vào đấu ở đó, vi phạm nguyên tắc của báo chí,” ông viết, “thì đó sẽ là một cuộc chiến [thông tin] không cân sức.”

AFP cũng chỉ ra rằng từ đầu đến nay thì AFP, và cả Reuters AP cũng làm tương tự, khi tiếp cận vấn đề 11/9, nhóm ETA, Những con hổ giải phóng Tamil, Al-Qaeda, v.v. hoặc kể cả khi nói về các băng nhóm của thế kỷ trước như Lữ đoàn Đỏ, băng đảng Baader-Meinhof, v.v. thì họ đều không tùy tiện gán ghép chữ “khủng bố” này vào.

Thậm chí ngay cả đối với những thế lực tấn công người của chính AFP thì AFP cũng không dùng từ “khủng bố” đối với họ. Ví dụ tay súng Taliban bắn chết phóng viên cao cấp của AFP ở Afghanistan, Sardar Ahmad, cùng với vợ ông và hai con, khi họ ăn tối tại một khách sạn ở Kabul vào năm 2014. Hoặc ví như vụ Shah Marai, nhiếp ảnh gia của AFP bị sát hại năm 2018 cũng bởi Taliban ở Afghanistan. Hay là vụ nhà báo tự do James Foley bị bắt cóc năm 2012 khi đang làm việc cho AFP ở Syria và sau đó bị IS sát hại 2 năm sau đó theo một đoạn video được đăng lên mạng Internet.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là báo cáo sự thật mà không sợ hãi hay thiên vị, và chúng tôi thực hiện sứ mệnh này hàng ngày ở Israel, ở Gaza, ở Ukraine và ở bất kỳ nơi nào khác mà các nhà báo của chúng tôi được triển khai trên khắp thế giới,” theo Eric Wishart, biên tập viên Đạo đức và Tiêu chuẩn của AFP.

Nhật Tân