Gần đây có thông tin về việc cơ quan chức năng Triều Tiên hành quyết công khai 9 người vi phạm luật buôn thịt trâu bò. Để tăng tính răn đe, nhà cầm quyền buộc người dân đến chứng kiến, số người đến phủ kín quả đồi.

Kim Jong un 1
Chủ tịch Kim jong-un của Triều Tiền trong chuyến thăm Nga. (Ảnh chụp màn hình video)

Tin tức về vụ việc lần đầu tiên được tiết lộ bởi các phương tiện truyền thông như DailyNK JapanRFA (Mỹ), sau đó các phương tiện truyền thông Hàn Quốc như Dong-A IlboJooAng Ilbo cũng đăng lại.

Theo DailyNK Japan, ở Triều Tiên thì trâu bò là công cụ sản xuất đặc biệt quan trọng, thường dân hiếm khi được ăn, những ai mua bán hay ăn mà không có giấy phép sẽ bị tử hình, vì thế mà ở nước này thì trâu bò gọi là “món ngon cấm kỵ”.

Theo các nguồn tin, chính quyền Triều Tiên ngày 30/8 năm nay đã công khai hành quyết 9 người (7 nam và 2 nữ) tại sân bay ở thành phố Huishan, một thành phố biên giới gần tỉnh Cát Lâm phía bắc Trung Quốc, tội của họ là buôn bán trái phép trâu bò (chết vì bệnh, số lượng hơn 2100 con) trong thời gian từ năm 2017 – 2/2023, họ còn tổ chức ngầm phân phối thịt để cung cấp thịt cho các nhà hàng và cơ sở kinh doanh ở thủ đô Bình Nhưỡng.

Được biết, danh tính của 9 tử tù này bao gồm cán bộ nông trại, giám đốc Văn phòng Kiểm dịch Chăn nuôi tỉnh Yanggang, nhân viên bán hàng của Văn phòng Quản lý Thương mại tỉnh Yanggang, người phụ trách một khách sạn ở Bình Nhưỡng, ngoài ra còn có sinh viên trong thời gian phục vụ trong quân đội đã làm trong bộ phận an ninh. Sau khi tòa án đặc biệt của Quân đội Nhân dân Triều Tiên luận tội, các bị cáo đã bị xử bắn bằng súng phòng không làm từ nhiều súng máy hạng nặng.

Một nhân chứng tiết lộ, vào ngày hành quyết có tới 25.000 người tập trung tại địa điểm hành quyết, đám đông đông đến mức lấp đầy toàn bộ đỉnh đồi, chính quyền thành phố Huishan ra lệnh hôm đó đóng cửa các nhà máy, trang trại, chợ…, những người trong độ tuổi từ 17 – 60 phải đến hiện trường để theo dõi quá trình hành quyết, yêu cầu mọi người phải quan sát thật cẩn thận cảnh tượng này. 9 người bị hành quyết được trói vào cọc gỗ, binh lính vây quanh.

Một số nhân chứng cho biết cảnh tượng đó luôn ám ảnh họ trong giấc ngủ, cho rằng những người đó chỉ bán trâu bò chết vì bệnh tật thì có đáng bị tử hình như vậy không? Họ có đáng bị xem là phạm tội hay không? Thậm chí có người còn nghi ngờ có thể do khó khăn kinh tế của Triều Tiên gia tăng sau đại dịch COVID-19, khiến nhà cầm quyền muốn dùng khủng bố để kiểm soát tình hình mạnh mẽ hơn.

Theo Đài RFA, trong những ngày đầu cầm quyền, ông Kim Jong-un vì muốn xóa bỏ hình ảnh con trai của một nhà độc tài tàn ác nên đã cấm hành quyết công khai dân thường, tuy nhiên những vụ hành quyết công khai như vậy đã quay trở lại xã hội Triều Tiên khi nền kinh tế nước này khốn khó hơn từ sau đại dịch COVID-19.

Những vụ hành quyết kinh hoàng

Theo các tin từ The SunDailyNK, tình trạng hành quyết tại Triều Tiên sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền (từ tháng 12/2011) đã nhiều lần được đưa tin. “Báo cáo vấn đề hành quyết thời Kim Jong-un” được Tổ chức phi chính phủ Hàn Quốc Transitional Justice Working Group (TJWG) công bố cho hay, điều tra cập nhật được công bố năm 2019 bao gồm 27 lời khai về các địa điểm hành quyết dưới thời Kim Jong-un liên quan các cáo buộc: 7 vụ do theo dõi hoặc phát hành phim truyền hình Hàn Quốc, 5 vụ buôn bán tình dục, 5 vụ liên quan đến ma túy, 4 vụ buôn bán người, 3 vụ có hành vi dâm ô, 3 vụ cố ý giết người, trong đó có tới 23 vụ hành quyết công khai (21 vụ xử bắn và 2 vụ treo cổ); các địa điểm thi hành án chủ yếu là ở các bãi đất trống, sân bay, cánh đồng, ven sông, núi rừng…

Trong báo cáo, một người đào tẩu Triều Tiên tiết lộ rằng anh đã chứng kiến ​​một vụ hành quyết công khai vào năm 2012, người bị thi hành án đó ở trong tình trạng gần chết nhưng vẫn bị kéo từ ô tô đến nơi hành quyết như một con chó, khiến phần vành tai anh ta gần như lìa khỏi đầu, sau đó bị bắn trước đám đông người chứng kiến; một vụ khác xử ở tỉnh Bắc Hwanghae năm 2014, tù nhân bị trói vào cột và nhét đá vào miệng khi xử bắn; một nhân chứng khác tiết lộ rằng có lẽ vào năm 2012 hoặc 2013, một người đàn ông sau khi bị hành quyết công khai ở Bình Nhưỡng, thi thể anh ta đã bị đốt ở nơi công cộng bằng súng phun lửa trong khi người cha buộc phải ngồi ở hàng ghế đầu để chứng kiến…

Năm 2012, một trẻ vị thành niên bị hành quyết bằng súng trường AK-47, một người đào tẩu Triều Tiên mô tả đứa trẻ bị bắn đến cơ thể tan tành, sau đó nhân viên chính quyền còn đạp vào thi thể và xẻ cho vào bao vứt đi.

Năm 2017, cô Hee Yeon Lim (26 tuổi) đào tẩu khỏi Triều Tiên cũng vạch trần những hành động kinh hoàng của nội bộ Triều Tiên, cô là con gái của một sĩ quan quân đội cấp cao ở Bình Nhưỡng, một hôm cô và các bạn cùng lớp bị đưa đến sân vận động của trường quân sự để xem cảnh 11 nhạc sĩ bị trùm đầu trói trước nòng khẩu súng phòng không, họ bị bắn tan xác trước mặt 10.000 người xem, cùng tiếng súng vang lên là lúc các nhạc sĩ lần lượt biến mất, thi thể họ tan tành thành từng mảnh, máu và các bộ phận cơ thể vương vãi khắp nơi.

Báo cáo chỉ ra người dân Triều Tiên đã bị buộc phải đi xem các vụ ​​hành quyết, nhìn vào ánh mắt tuyệt vọng của các tù nhân trước khi chết. Một nhân chứng cho biết ông đã nhìn thấy chất lỏng chảy ra từ não của những người bị hành quyết (năm 2012), mọi người được lệnh xếp hàng để nhìn thấy khuôn mặt của những người bị hành quyết chết như một cách răn đe của nhà cầm quyền. Để ngăn chặn quá trình hành quyết bị quay phim bí mật, trước tiên mọi người phải trải qua kiểm tra bằng máy dò kim loại, dĩ nhiên điện thoại di động đều bị cấm…

Hành quyết khủng bố cũng không ngăn được vi phạm gia tăng

Tháng 10/2022, có thông tin gây sốc về việc Triều Tiên dùng “đội xử bắn” hành quyết công khai 3 thiếu niên trong độ tuổi khoảng 16-17, trong đó 2 người bị buộc tội xem và phát tán phim Hàn Quốc, người còn lại bị buộc tội giết người mẹ kế. Theo thông tin, người dân gần thành phố Hyesan biên giới với Trung Quốc đã tập trung trên đường băng của một sân bay, chủ yếu để theo dõi quá trình hành quyết và nhằm tự răn bản thân.

Theo các nguồn tin của DailyNK Triều Tiên, một báo cáo toàn diện về việc phân loại nhân viên cải huấn năm ngoái gửi đến Cục Giáo dục và Phục hồi chức năng cho thấy, trong số các tù nhân thì số tội lớn nhất có liên quan đến các sản phẩm video ‘không trong sạch’. Nghĩa là vào cuối năm 2020 sau khi Triều Tiên ban hành Luật bài trừ tư tưởng, văn hóa phản động, số người bị giam vào cơ sở cải huấn vì vi phạm pháp luật và các quy định liên quan đã tăng lên.

Điều 27 Luật Loại trừ tư tưởng, văn hóa phản động của nhà cầm quyền Triều Tiên quy định rõ: Người nào trực tiếp xem hoặc lưu giữ phim, băng ghi hình, bài hát, tranh ảnh, tài liệu biên tập, sách… của Hàn Quốc sẽ bị phạt cải tạo lao động có thời hạn không dưới 5 năm nhưng không quá 15 năm; hình phạt cao nhất đối với người giới thiệu, phân phối sản phẩm liên quan sẽ bị phạt tù chung thân hoặc tử hình.

Các nguồn tin cho biết, trước đây bất cứ ai bị nghi ngờ làm video không trong sạch sẽ bị đưa đến trung tâm quản lý (còn gọi là trại tù chính trị) mà không có bất kỳ điều kiện nào, nhưng thời gian gần đây số trường hợp thanh niên hoặc sinh viên vi phạm đông quá nên không thể gửi hết về trung tâm quản lý được. Dù nhà cầm quyền Triều Tiên đã áp dụng các hình phạt nghiêm khắc nhưng số người vi phạm vẫn không giảm, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm với văn hóa nước ngoài như học sinh, sinh viên.