Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP.HCM đang tạm dừng chi trả chế độ ốm đau đối với công nhân nhiễm COVID-19 (F0) điều trị, cách ly tại nhà chưa có đủ giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Y tế.

F0 tram y te luu dong
Một F0 được điều trị tại trạm y tế lưu động phường 4, quận 3, TP.HCM, tháng 10/2021. (Ảnh minh họa: thanhuytphcm.vn)

Ngày 2/12, Sở Y tế TP.HCM đã ra công văn gửi đến các cơ sở khám chữa bệnh tại địa phương quy định về việc cấp giấy chứng nhận cho người lao động là từng mắc COVID-19 (F0) để thanh toán BHXH.

Với F0 điều trị nội trú hoặc cách ly tập trung tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 thuộc phường, xã, quận, huyện (cơ sở cách ly tập trung F0), các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19, bệnh viện điều trị COVID-19 sẽ cấp giấy ra viện.

Với F0 cách ly tại nhà, trung tâm y tế các quận, huyện, TP Thủ Đức, trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý F0 tại nhà sẽ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc nhận BHXH.

Trong trường hợp F0 do trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc tại cộng đồng hỗ trợ chăm sóc thì bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc F0 sẽ ký xác nhận vào vị trí “người hành nghề khám chữa bệnh”, đơn vị chủ quản là trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức chịu trách nhiệm ký đóng dấu vào giấy chứng nhận hoặc ủy quyền bằng văn bản cho trạm y tế phường, xã, thị trấn ký đóng dấu.

Một lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tối đa là 30 ngày. Nếu F0 cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, F0 phải tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Ngoài ra, Sở Y tế TP yêu cầu kể từ ngày 24/11, đối với các hồ sơ, giấy tờ không theo mẫu quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT do các cơ sở khám chữa bệnh đã cấp cho người lao động nghỉ ngoại trú quá 30 ngày cho một lần khám chữa bệnh, thì các cơ sở này cấp lại giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu người lao động có đầy đủ hồ sơ xác nhận đã cách ly.

Các yêu cầu trên là do Sở Y tế TP.HCM thực hiện theo Công văn 1492 do Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) ban hành ngày 19/11. Tại công văn này, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện, các Sở Y tế… cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT để F0 làm căn cứ hưởng BHXH, bao gồm cả cấp mới và cấp lại những giấy chứng nhận không theo mẫu đã cấp trước đó.

Trên thực tế, Công văn 1492 khiến người lao động là F0 điều trị, cách ly tại nhà bị “mắc kẹt” khi BHXH không chi trả khoản bảo hiểm theo chế độ ốm đau.

“Những người bị trước ngày 19/11 thì được hưởng chế độ ốm đau do BHXH chi trả, còn những người bị sau ngày 19/11 thì lại không được hưởng chế độ này” – đại diện Công ty Acecook Việt Nam (Khu Công nghiệp Tân Bình, TP.HCM) nêu rõ vấn đề tại buổi đối thoại giữa doanh nghiệp với Sở LĐTBXH và BHXH TP.HCM, ngày 30/11.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Thanh – Phó Giám đốc BHXH TP.HCM giải đáp: “BHXH TP.HCM chỉ là cơ quan thực hiện chính sách chứ không phải là cơ quan ban hành chính sách. Vì vậy, căn cứ vào Công văn 1492 của Bộ Y tế, chúng tôi phải tạm ngừng giải quyết các chế độ ốm đau cho người lao động mà chỉ có giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly do Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp”.

Đại diện cơ quan bảo hiểm TP đề nghị người lao động liên hệ các cơ sở y tế hoặc trạm y tế địa phương để xin cấp giấy chứng nhận để BHXH giải quyết chế độ ốm đau.

Đồng Nai kiến nghị sử dụng Quyết định cách ly y tế để thay thế

Cùng ngày 30/11, Sở Y tế Đồng Nai kiến nghị Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho tỉnh này sử dụng quyết định cách ly y tế thay cho giấy nghỉ việc hưởng BHXH để người lao động là F0, F1 nhận chế độ bảo hiểm.

Theo báo Đồng Nai, ông Phan Huy Anh Vũ – Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho hay Thông tư 56 có hiệu lực từ năm 2017, khi chưa xuất hiện dịch COVID-19, việc khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế diễn ra bình thường. Còn hiện nay, hàng ngày có đến hàng ngàn người là F0, F1 đến trạm y tế, trạm y tế lưu động khai báo y tế, yêu cầu được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để nộp cho cơ quan BHXH. Điều này tạo áp lực vô cùng lớn đối với các trạm y tế vốn đang rất quá tải.

Ngoài ra, toàn tỉnh có 140/170 trạm y tế ký hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH, không phải trạm nào cũng ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT.

Báo này cho hay theo ghi nhận, tại nhiều trạm y tế tại TP Biên Hòa rất đông công nhân là F0, F1 đã đổ xô đến xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH, gây tình trạng quá tải và nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao.

Phương Anh – Minh Sơn

Xem thêm: