Tại buổi họp báo chiều 19/8, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), cho biết việc số lượng F0 trong cộng đồng tăng lên những ngày gần đây là tín hiệu lạc quan. Kết thúc ngày họp báo, số ca nhiễm virus Vũ Hán (F0) tại TP.HCM lên tới 3.603/4.371 ca mắc mới, chiếm tới 82,4%, tăng gần 30 điểm phần trăm so với tỷ lệ tương ứng trong ngày 16/8 (52,6%).

F0 tai nha tphcm
Một người của phường 1, Quận Tân Bình (TP.HCM) giăng dây phong tỏa một nhà có F0, kèm đưa túi thuốc tự điều trị, ngày 15/8. (Ảnh minh họa: HCDC)

Theo Cổng thông tin COVID-19 TP.HCM, ngày 19/8, ngành y tế TP đã xét nghiệm 17.150 mẫu, ghi nhận 4.371 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có đến 3.603 ca cộng đồng (2.236 ca phát hiện trong cộng đồng, 1.367 ca phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện).

Theo đó, tỉ lệ F0 trong tổng số mẫu xét nghiệm được lấy chiếm 25,4% trong khi tỷ lệ F0 cộng đồng chiếm 21%.

Xét về tỷ trọng, tỷ lệ ca cộng đồng trong ngày 19/8 chiếm đến 82,4% tổng số ca mắc mới. Tỷ lệ này đang ở mức ngày càng “áp đảo” so với nhóm lây trong khu cách ly, khu phong tỏa, khi tỷ lệ trong các ngày 16/8 là 52,6%, ngày 17/8 là 72,5%, ngày 18/8 là 77%.

phan tich nguon lay covid 19 tphcm
Các ca COVID-19 theo ngày theo nhóm nguồn lây tại TP.HCM. Từ ngày 16/8, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng dần, áp đảo so với nhóm nguồn lây trong khu phong tỏa, cách ly. (Nguồn: covid19.hochiminhcity.gov.vn)

Trong ngày gần nhất, 19/8, toàn bộ 22 quận, huyện, TP của TP.HCM đều ghi nhận có ca mắc mới trong cộng đồng.

Top 5 khu vực có số ca nhiễm trong cộng đồng cao nhất là quận 10 (348 ca), quận Bình Tân (310 ca), huyện Nhà Bè (296 ca), quận Tân Bình (270 ca), quận Bình Thạnh (248 ca). Thấp nhất là các huyện Củ Chi (10 ca), huyện Cần Giờ (6 ca).

Tại buổi họp báo chiều 19/8, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) – ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết việc số lượng F0 trong cộng đồng tăng lên những ngày gần đây là “tín hiệu lạc quan”.

Một trong những lý do được ông Tâm đưa ra có việc người dân có thể tự kiểm tra bằng test nhanh, nếu dương tính thì báo lên y tế cơ sở tại phường, xã, thị trấn. Ngoài ra là việc “chỗ này, chỗ kia” chưa tuân thủ giãn cách khiến F0 tăng, ông Tâm nói – theo các báo Người Lao Động, Vnexpress dẫn tin từ cuộc họp.

Ngoài ra, ông Tâm thông báo kế hoạch xét nghiệm mà TP.HCM đang triển khai sẽ không giống như kế hoạch xét nghiệm trước đây, dự kiến sẽ tăng mẫu xét nghiệm nên dự báo sẽ tăng số ca F0 mới. Việc xét nghiệm sẽ tiến hành theo vùng nguy cơ: vùng xanh, vùng vàng, vùng cam và vùng đỏ; mỗi vùng có kế hoạch khác nhau, chia theo từng tổ dân phố.

“Mặt tích cực của số F0 tăng lên là TP kiểm soát được số lượng, quản lý chắc, cùng với hoạt động chăm sóc F0 tại nhà sắp triển khai”, ông Tâm nói, theo Thanh Niên.

Cũng báo này cho hay trước câu hỏi người dân test nhanh dương tính nhưng chậm được xử lý, ông Tâm nói nếu dương tính thì người dân báo ngay cho y tế địa phương; trong hướng dẫn xử lý F0 tại nhà của Sở Y tế TP đã tính luôn cho trường hợp tự test nhanh dương tính chứ không chờ xét nghiệm khẳng định bằng PCR.

Sắp tới, TP.HCM sẽ triển khai các trạm y tế lưu động. Ông Tâm cho hay trạm y tế có thể là một địa điểm nào đó của địa phương và có điều kiện để hỗ trợ. Mỗi trạm sẽ quản lý từ 50-100 F0 với sự hỗ trợ của 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng và 3 nhân viên (có thể là tình nguyện riêng hay các lực lượng khác hỗ trợ); trang bị tối thiểu 2 bình oxy, máy thở, máy đo Sp02 (máy đo nồng độ oxy trong máu).

Mỗi F0 sẽ được phát túi thuốc gồm một số loại cơ bản như thuốc hạ sốt, kháng đông, kháng viêm và một số thuốc điều trị virus.

“Thời gian qua, chúng ta mới quản lý và hỗ trợ người F0 chứ chưa tiến hành công tác điều trị” – ông Tâm thừa nhận trong cuộc họp báo, cho hay từ ngày 19/8, các trạm y tế lưu động sẽ tiếp nhận, xử lý và chăm sóc như một ca F0 bình thường.

Ông Tâm nói nếu ca F0 chẳng may mất tại nhà thì gia đình cũng nên báo ngay cho y tế phường để phối hợp chính quyền địa phương xử lý.

Trước thực tế số ca F0 trong cộng đồng ở TP.HCM có xu hướng tăng, PGS.TS Trần Đắc Phu – cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam trên Tuổi Trẻ ngày 18/8 nhận định: “TP.HCM đang giãn cách theo Chỉ thị 16 nhưng F0 lại tăng ở cộng đồng, đây là diễn biến đáng lo ngại. Điều này có thể xuất phát từ việc tăng cường xét nghiệm mà ra hoặc do giãn cách chưa nghiêm, cần phân tích kỹ lưỡng để đánh giá nguy cơ và có đáp ứng hợp lý”.

Trước một trong các lý do mà giới chức TP đưa ra để lý giải số ca F0 trong cộng đồng tăng: do tập trung xét nghiệm bóc tách F0, ông Phu nhận định: “Xét nghiệm bóc tách F0 là điều cần thiết, tuy nhiên phải phù hợp với từng vùng”. Theo ông Phu, với những nơi “vùng đỏ”, có nhiều F0, các ca bệnh nặng… thì vấn đề cần phải quan tâm hàng đầu là điều trị giảm thiểu ca tử vong, phong tỏa chặt cách ly tại nhà.

Còn những “vùng xanh” cần phải xét nghiệm diện rộng có chỉ định để tìm ra F0 và các ổ dịch mới; “nếu còn cơ hội” thì bóc tách F0 khỏi cộng đồng càng sớm càng tốt.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

8,6 triệu người Việt Nam cần cứu đói