Người lao động tại Hà Nội có thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng khiến đời sống rất khó khăn, nhất là với những lao động có con nhỏ, phải thuê trọ. Lao động ngoại tỉnh tại Hà Nội chiếm trên 80% tổng số.

r ha noi thu nhap binh quan 7 trieu dong nhieu nguoi lao dong rat kho khan1
TP. Hà Nội có hơn 2,7 triệu lao động, thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng. (Ảnh minh họa: Jimmy Tran/shutterstock)

Đó là thông tin do ông Tạ Văn Dưỡng – Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn lao động Hà Nội chia sẻ với báo giới chiều ngày 11/10.

Theo ông Dưỡng, TP. Hà Nội có hơn 2,7 triệu lao động, thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/tháng. Cuộc sống của nhiều người lao động rất khó khăn do gánh nặng nuôi con, thuê trọ… Thực tế, số lao động ngoại tỉnh tại Hà Nội chiếm trên 80% tổng số.

Ông Dưỡng cho biết làn sóng cắt giảm việc làm tiếp diễn một năm qua khiến thu nhập lao động càng giảm sút. Tới quý III/2023, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may, giày da, chế biến gỗ vẫn thiếu hụt đơn hàng.

Toàn thành phố có khoảng 2,7 triệu lao động làm việc tại 270.000 doanh nghiệp, 80% trong số này là người ngoại tỉnh. Riêng các khu công nghiệp thu hút khoảng 165.000 người và nhà ở vẫn là vấn đề bức xúc nhất với lao động.

Đại diện công đoàn Hà Nội cho hay khu nhà ở công nhân ở Kim Chung (huyện Đông Anh) mới đáp ứng được 30% nhu cầu công nhân, 70% còn lại phải thuê trọ ngoài dân cư. Nhà ở công nhân Kim Chung tồn tại nhiều bất cập, hàng loạt phòng trống nhưng lao động không thuê được hoặc thiết kế không hợp lý. Một phòng 20 công nhân sinh hoạt nhưng chỉ có một nhà vệ sinh.

Theo ông Dưỡng, nhiều lao động mong muốn Luật Nhà ở sửa đổi sớm hoàn thiện cơ chế cho người thu nhập thấp tiếp cận với mức giá hợp lý. Đồng thời, điều kiện mua nhà cũng cần thay đổi khi đã lỗi thời với người thu nhập thấp.

“Nhà ở xã hội từ 1-2 tỷ đồng thì công nhân thu nhập 7 triệu đồng/tháng rất khó đáp ứng, nhất là hai vợ chồng nuôi con nhỏ”, ông Dưỡng nói.

Ngoài ra, nhiều đoàn viên lao động còn mong mỏi chính sách về việc làm, bảo hiểm xã hội, tuổi nghỉ hưu… Đơn cử như tuổi nghỉ hưu, ông Dưỡng bày tỏ nhiều công nhân trong các nhà máy mong chờ điều này vì có người làm tới 40 năm, sức khỏe giảm sút, năng suất lao động giảm.

Tuy nhiên ông cho rằng cần phân loại đối tượng, khu vực cụ thể để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Ông Hà Đông – Trưởng ban tuyên giáo Liên đoàn Lao động Hà Nội cho rằng để người lao động cống hiến cho thành phố, ngoài đảm bảo thu nhập, các cấp phải quan tâm đến nhà ở, nhà trẻ, các thiết chế văn hóa cho công nhân. Các khu công nghiệp hiện thiếu trầm trọng nơi vui chơi giải trí cho người lao động vì quỹ đất lẫn nguồn lực có hạn.

“Trong tương lai khi thành lập khu công nghiệp mới, thành phố cần dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế này, nâng cao đời sống để lao động gắn bó với thủ đô”, ông Đông nói.

Vào tháng 8, Viện Công nhân Công đoàn công bố kết quả khảo sát đời sống gần 3.000 lao động tại 6 tỉnh thành gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, An Giang, Bình Dương và TP HCM. Thu nhập trung bình của lao động đạt 7,88 triệu đồng. 77% trong đó là lương cơ bản, còn lại từ làm thêm giờ và trợ cấp, phụ cấp.

Chỉ 24,5% lao động khảo sát cho biết thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cho các khoản sinh hoạt, số còn lại thiếu trước hụt sau. Nhiều người phải làm thêm ở ngoài để tăng thu nhập ngoài công việc trong nhà máy. Thu nhập thấp là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến việc có hay không nên lập gia đình và quyết định có con của 72% công nhân.

Khánh Vy