Lập mốc thời gian quy định người lao động không được rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, hay được rút đối với tất cả trường hợp, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng – phương án nào tối ưu đối với bài toán an sinh của người lao động?

rut bhxh mot lan
Một nữ công nhân làm nghề thủ công tại TP.HCM, tháng 9/2014. (Ảnh minh họa: Anton_Ivanov/Shutterstock)

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung đã ký tờ trình gửi Quốc hội dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Dự luật này sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6 tới đây.

Trong tờ trình, Chính phủ tiếp tục trình 2 phương án về việc rút BHXH một lần tại điểm đ khoản 1 Điều 70.

Sau mốc 1/7/2025 – Người lao động không được rút BHXH một lần

Với phương án 1, quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần được phân ra đối với nhóm người lao động tham gia BHXH trước và sau khi luật sửa đổi có hiệu lực (dự kiến ngày 1/7/2025).

Nhóm 1: Người lao động đã tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm, có nhu cầu được nhận BHXH một lần.

Nhóm 2: Người lao động bắt đầu tham gia từ khi luật sửa đổi có hiệu lực không được nhận BHXH một lần (chỉ giải quyết hưởng BHXH 1 lần cho các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng BHXH, ra nước ngoài định cư, bị bệnh nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 60 Luật BHXH hiện hành).

Về ưu điểm, Chính phủ cho rằng phương án này dần dần từng bước khắc phục được tình trạng rút BHXH một lần.

Theo dữ liệu, trong những năm đầu số người hưởng không giảm nhiều, nhưng càng những năm sau giảm càng nhiều, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh…

Theo đó, trong ngắn hạn, phương án này không giúp duy trì, gia tăng đối tượng tham gia so với phương án 2, nhưng trong dài hạn tối ưu hơn. Ngoài ra, do quy định không ảnh hưởng tới những người lao động đang tham gia nên sẽ dễ nhận được sự đồng thuận hơn.

Tuy nhiên, theo Chính phủ, phương án này có nhược điểm là hơn 17,5 triệu người lao động đang tham gia vẫn có quyền chọn rút BHXH một lần. Do vậy, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, đặc biệt trong những năm đầu sau khi luật mới có hiệu lực. Đồng thời, việc phân 2 nhóm với chính sách khác nhau tạo sự so sánh giữa những người lao động tham gia trước và sau khi luật này có hiệu lực trong việc hưởng một lần.

Tất cả người lao động có quyền rút BHXH, nhưng tối đa không quá 50%

Với phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm, người lao động được rút BHXH một lần, nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ.

Chính phủ cho rằng với phương án này ưu điểm là đảm bảo đúng tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW (giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lầnNghị quyết 28-NQ/TW)

Tờ trình nhận định mặc dù số người hưởng một lần có thể không giảm nhiều so với hiện hành, nhưng khi người lao động hưởng cũng không hoàn toàn ra khỏi hệ thống do vẫn bảo lưu một phần thời gian đóng còn lại (không ảnh hưởng tới số người tham gia).

Người lao động khi tiếp tục tham gia sẽ được cộng nối thời gian đóng để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội với quyền lợi hưởng cao hơn, có nhiều cơ hội hơn để đủ điều kiện hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ hưu …

Theo Chính phủ, đây là phương án vừa đáp ứng được nhu cầu nhận một lần của người lao động trong thời điểm hiện tại, song cũng đáp ứng được yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống, quyền lợi trong dài hạn.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương án chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế.

Về phía người lao động, do đã rút một phần BHXH, chỉ còn bảo lưu lại được một phần thời gian đóng nên sẽ ảnh hưởng tới việc thụ hưởng các chế độ (thời gian đóng ngắn) khi tiếp tục tham gia.

Ngoài ra, người lao động không được rút BHHX một lần trên toàn bộ thời gian đóng nên có cảm giác bị giảm quyền lợi trước mắt. Đồng thời, có thể xuất hiện tình trạng gia tăng người lao động đề nghị hưởng một lần trước khi luật có hiệu lực thi hành.

Bên cạnh đó, theo phương án này, tình trạng hưởng một lần khi còn trẻ (chưa đến tuổi nghỉ hưu) sẽ tiếp tục tiếp diễn trong tương lai.

Sáng 6/6, tại Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 15, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho hay trước năm 2019, số rút BHXH một lần bình quân một năm là 500.000, sang năm 2022, con số này tăng lên trên 900.000.

“Số người rút bảo hiểm xã hội một lần gần bằng số tham gia vào hệ thống. Đây là nguy cơ”, ông Dung nhận định.

Ông Dung cho hay nếu không hạn chế, giảm bớt rút BHXH một lần, thì tương lai nhiều người già không có chế độ an sinh, hệ thống chính sách an sinh khó đảm đương bền vững.

Mặc dù vậy, ông Dung thừa nhận: “…nếu tiếp tục quy định đóng BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu thì chắc người lao động không chờ đợi được đâu”.

Theo báo cáo của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, năm 2022, 997.470 người rút BHXH một lần, tăng 3,55% so với cùng kỳ năm 2021. Trong giai đoạn 2016 – 2022, khoảng 4,84 triệu người rút BHXH một lần, trong đó số người quay trở lại đóng BHXH là 1,24 triệu người, chỉ chiếm 27,7% số người đã rút.

Nguyễn Quân