Bộ Tài chính không đồng ý với đề xuất chuyển 2.800 tỷ đồng tiền hỗ trợ thuê nhà dư thừa sang cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng Chính sách xã hội huy động thêm 30.000 tỷ đồng cho vay chương trình giải quyết việc làm…

cong nhan may
Công nhân may mặc Nam&co London, KCN Đồng Hướng, Kim Sơn , Ninh Bình. (Ảnh minh họa: Trịnh Nhung/Công ty NAM & CO London – Đồng Hướng, Kim Sơn ·/Facebook)

Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) về đề xuất phương án xử lý nguồn kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư sang của Bộ này.

Bộ Tài chính cho biết đến giữa tháng 4, ngân sách trung ương cấp bổ sung 4.264,4 tỷ đồng cho 40/61 địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Trên cơ sở báo cáo của 27 địa phương (gồm 26 địa phương báo cáo kết quả thực hiện chính sách và 1 địa phương báo cáo nhu cầu thực hiện chính sách), Bộ Tài chính bổ sung có mục tiêu cho 24 địa phương số tiền 272,6 tỷ đồng gồm: bổ sung 236,3 tỷ đồng trong niên độ ngân sách năm 2022 từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021, bổ sung 36,3 tỷ đồng trong niên độ ngân sách năm 2023 từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2023.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính thu hồi số kinh phí ngân sách trung ương hỗ trợ còn dư của 4 địa phương là 132,7 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, vẫn còn 35/61 địa phương chưa có báo cáo kết quả chi ngân sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động gửi Bộ Tài chính để làm cơ sở bổ sung hoặc thu hồi kinh phí.

Vì vậy, Bộ Tài chính vẫn chưa có cơ sở xác định chính xác nguồn kinh phí thừa, thiếu thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

Về nguồn tiền giải quyết việc làm, năm 2022, Ngân hàng Chính sách xã hội được bổ sung 15.949 tỷ đồng để cho vay chương trình giải quyết việc làm; năm 2023 thêm 5.600 tỷ đồng trong tăng trưởng tín dụng thông thường hằng năm do Thủ tướng giao để cho vay.

Ngoài ra, ngân hàng này đang trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chuyển 16.865 tỷ đồng vốn không giải ngân hết của các chương trình tín dụng khác sang cho vay giải quyết việc làm.

Theo đó, Bộ Tài chính cho rằng việc Bộ LĐ-TB&XH đề xuất chuyển khoảng 2.800 tỷ đồng còn dư trong gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động sang cấp bù lãi suất và phí quản lý để Ngân hàng CSXH huy động thêm 30.000 tỷ đồng cho vay chương trình giải quyết việc làm là không phù hợp, thừa so với nhu cầu…

Do căn cứ trên thực tế báo cáo của Ngân hàng này, dự kiến chỉ thiếu so với nhu cầu cho vay giải quyết việc làm khoảng 4.726 tỷ đồng.

Mặt khác, giai đoạn 2022-2023, Ngân hàng Chính sách xã hội được bố trí 3.000 tỷ đồng cấp bù lãi suất và phí quản lý cho chương trình phục hồi nhưng cơ bản cũng không sử dụng hết số cấp bù lãi suất và phí quản lý.

Bộ Tài chính đề nghị Bộ LĐ-TB&XH trình Thủ tướng Chính phủ không chuyển nguồn kinh phí còn dư của chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động sang cấp bù lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay chương trình giải quyết việc làm.

Bộ Tài chính đề xuất giao Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền cho phép chuyển nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 được Quốc hội cho phép sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 sang năm 2023 để tiếp tục hỗ trợ các địa phương thực hiện chính sách này do thực tế tiếp tục phát sinh và còn nhiều địa phương chưa báo cáo.

Hết năm 2023, trường hợp còn dư nguồn kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động sẽ được tổng hợp phương án tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023 trình cấp có thẩm quyền quyết định.

Hồi trung tuần tháng 5, Bộ LĐ-TB&XH gửi văn bản tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, đề nghị chuyển trả lại ngân sách hơn 2.800 tỷ đồng còn dư của gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động thực hiện trong năm 2022.

Hết thời hạn thực hiện gói an sinh, Bộ LĐ-TB&XH cho biết tổng cộng hơn 3.759 tỷ đồng được chi cho 5,2 triệu lượt lao động, tỷ lệ giải ngân đạt 56% so với dự kiến.

Tỷ lệ giải ngân thấp được giải thích là do tính toán số lao động cần hỗ trợ ban đầu cao hơn thực tế; thiếu cơ sở dữ liệu về tình trạng nhà ở công nhân; nhiều địa phương sợ sai, phát sinh thủ tục, quy trình xác minh; thẩm định hồ sơ, xét duyệt hồ sơ chậm; nhiều công nhân bỏ qua gói hỗ trợ do thấy thủ tục phức tạp trong khi số tiền không nhiều, chỉ 1,5-3 triệu đồng.

Tới đầu tháng 6, trả lời chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho hay tính tới ngày 26/5, số người lao động mất việc, giãn việc, thiếu việc do cắt giảm đơn hàng, yếu tố khác là khoảng 506.000 người, trong đó, khoảng 270.000 người mất việc.

8.644 doanh nghiệp gặp khó khăn phải cắt giảm lao động (chiếm 1% tổng số doanh nghiệp), trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 27,4%; 72,18% là doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Nguyễn Sơn