Tỉnh Lào Cai đang yêu cầu giám sát chặt chẽ việc tiêu thụ gia súc/gia cầm tại các chợ tại huyện, thành phố có đường biên giới với Trung Quốc. Việc giám sát, ngăn chặn áp dụng đối với cả gia súc/gia cầm được đưa vào tỉnh này dưới hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân, cư dân biên giới.

lao cai khan cap ngan chan gia suc gia cam tham lau tu trung quoc
Hơn 1,5 tấn tai lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai tiến hành tiêu hủy vào chiều 4/3/2023. (Ảnh minh họa: Trung Dũng/baolaocai.vn)

Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai – ông Trịnh Xuân Trường vừa ký ban hành văn bản khẩn số 3750/UBND-NLN ngày 2/8/2023 gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan về việc “tăng cường các biện pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu từ nước ngoài vào địa bàn tỉnh”.

Nội dung văn bản có hai lần nhắc đến “Trung Quốc” trong các nội dung giao trách nhiệm cho chính quyền cấp cơ sở và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.

Việc ngăn chặn gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm thẩm lậu từ “nước ngoài” vào địa bàn tỉnh được cho là để ngăn chặn các loại mầm bệnh xâm nhiễm – theo nội văn bản.

Cụ thể, UBND các huyện, thị xã, TP được yêu cầu giám sát chặt chẽ tại các khu vực tập kết, buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm; ngăn chặn triệt để việc vận chuyển gia súc, gia cầm (nhất là lợn) và sản phẩm gia súc/gia cầm nhập lậu tại các khu vực cửa khẩu, lối mòn, lối mở nhằm ngăn chặn các loại mầm bệnh xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh.

Việc giám sát, ngăn chặn áp dụng đối với cả gia súc/gia cầm vận chuyển từ “nước ngoài” vào tỉnh dưới hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân, cư dân biên giới.

Trong trường hợp bắt giữ được gia súc, gia cầm sống nghi nhập lậu, chính quyền các cấp cơ sở phải thông báo với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để lấy mẫu giám sát trước khi tiêu hủy và xử lý vi phạm.

Ngoài việc giám sát việc thẩm lậu, UBND các huyện, thị xã, TP được yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát sự lưu thông gia súc, gia cầm và các sản phẩm của chúng trên địa bàn; chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Kinh tế, Cơ quan y tế của địa phương bố trí nhân lực, vật lực, kinh phí để ứng phó kịp thời khi có dịch bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, nhiệt thán… xảy ra, không để dịch lây lan cho người.

Việc mua bán gia súc, gia cầm sống, giết mổ gia cầm tại chợ được yêu cầu giám sát, đặc biệt tại các chợ tại huyện, thành phố có đường biên giới với Trung Quốc. Ban quản lý các chợ phải vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi chợ; xây dựng phương án xử lý đối với mỗi cấp độ dịch bệnh và mỗi loại dịch bệnh.

UBND các xã, phường, thị trấn phải cung cấp thông tin thường xuyên, liên tục trong cộng đồng, đặc biệt là cư dân khu vực biên giới về tác hại, nguy hiểm của các loại dịch bệnh của gia súc, gia cầm có thể lây sang người như bệnh cúm A/H5N1 do các chủng vi rút cúm gia cầm có khả năng lây nhiễm sang người; bệnh Nhiệt thán…

Điều này được cho là để người dân tuyệt đối không tiếp tay cho các hoạt động mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm của chúng nhập lậu; chỉ mua giống gia súc, gia cầm từ các cơ sở uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng…

Sở Y tế được yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm A/H5N1 và các chủng vi rút cúm gia cầm khác, nghị mắc bệnh Nhiệt thán… để kịp thời cấp cứu, điều trị, đồng thời cách ly, khoanh vùng và xử lý triệt để không để dịch lây lan.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào tỉnh Lào Cai qua các lối mòn, lối mở.

Công an tỉnh, Sở Công Thương, Cục quản lý thị trường được giao chỉ đạo Cảnh sát giao thông, Cảnh sát môi trường, Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm; phối hợp với lực lượng Thú y và chính quyền địa phương thu giữ và xử lý các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm bị bệnh và sản phẩm của chúng không rõ nguồn gốc trong tỉnh.

Hiện tại, do chịu ảnh hưởng của cơn bão Doksuri, Bắc Kinh, Thiên Tân, Hà Bắc của Trung Quốc hứng chịu lượng mưa lớn kỷ lục trong nhiều ngày liên tiếp kể từ hôm 29/7. Mưa lũ lớn làm ngập đường phố, phá hủy hàng loạt ngôi nhà, cuốn trôi  nhiều xe ô tô.

Tại Bắc Kinh, tính đến 6h ngày 1/8, ít nhất 11 người chết, 27 người mất liên lạc và gần 130.000 cư dân phải di dời. Tại tỉnh Hà Bắc, tính đến 12h ngày 1/8, 540.703 người tại 87 quận (huyện) bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, 9 người chết, 6 người mất tích.

Sơn Nguyên