Quỹ bảo vệ và phát triển rừng là một trong 5 quỹ tài chính ngoài ngân sách do địa phương quản lý có quy mô lớn nhất hiện nay (*). Tuy nhiên, sau 10 năm hoạt động, hiệu quả về số lượng rừng bảo vệ và phát triển của quỹ này vẫn bỏ ngỏ. 

phá rừng, quỹ bảo vệ và phát triển rừng
Quỹ bảo vệ và phát triển rừng bình quân thu trên 1.600 tỷ đồng/năm tiền dịch vụ môi trường rừng, tuy nhiên, diện tích rừng được bảo vệ và phát triển thì chưa rõ. (Ảnh: Shutterstock)

Tháng 3/2019, tiếp đón Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho biết giai đoạn 2013-2018, hệ thống quỹ (trung ương và cấp tỉnh) đạt hơn 10.056,8 tỷ đồng từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng, bình quân thu trên 1.600 tỷ đồng/năm. Tiền dịch vụ môi trường rừng các năm được quỹ chi trả đến tay các chủ rừng và người dân tham gia bảo vệ rừng có cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Theo đại diện của Bộ NN-PTNT, nguồn thu trên đã góp phần bảo vệ 5,98 triệu ha rừng, chiếm khoảng 42% tổng diện tích rừng cả nước, góp phần làm giảm số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng từ bình quân 39.865 vụ/năm (2006-2010) xuống 15.617 vụ/năm (2016-2018), giúp hơn 410.000 hộ gia đình, cộng đồng (86% là tộc thiểu số) có điều kiện nâng cao đời sống, cải thiện sinh kế…

Tuy nhiên, dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội công bố mới đây cho thấy một góc nhìn khác về hiệu quả hoạt động của quỹ này. Theo nhận định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, rất khó đánh giá hiệu quả hoạt động của quỹ này, cụ thể là về số lượng rừng bảo vệ và phát triển.

Theo đánh giá của đoàn giám sát, quỹ chỉ thực hiện một phần chức năng nhiệm vụ là chuyển tiền dịch vụ môi trường rừng của các công ty thủy điện và các công ty sử dụng tài nguyên nước cho các chủ rừng. Chức năng phát triển rừng là chưa có.

“Báo cáo của quỹ chưa cho thấy các số liệu liên quan đến hiệu quả của quỹ trong việc phát triển rừng” – Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận định. Cụ thể, số liệu về diện tích rừng được bảo vệ, diện tích rừng tăng thêm, các hoạt động phòng chống các hành vi vi phạm về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, chặt phá rừng là chưa có.

Ngoài ra, việc phân chia nguồn lợi từ số tiền dịch vụ thu được cũng tồn tại nhiều vấn đề, như số thu 1 hecta rừng giữa các địa phương chênh nhau hàng chục lần; số tiền chia cho các chủ rừng bị trùng, chia nhiều lần, chi thiếu hoặc thất thoát khi đến tay chủ rừng.

Quỹ bảo vệ và phát triển rừng còn trùng với Quỹ phòng chống thiên tai về đối tượng chi, hoặc trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách.

Được thành lập vào năm 2008, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng nhằm mục đích bảo vệ và phát triển rừng từ nguồn lực xã hội. Cả nước hiện có 45 quỹ từ Trung ương đến địa phương. Dịch vụ môi trường rừng là một nguồn thu quan trọng của hệ thống quỹ.

Tại buổi tổng kết 10 năm tổ chức và hoạt động Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (2008-2018), Phó Giám đốc Quỹ – ông Lê Văn Thanh cho biết tổng số hợp đồng ủy thác đã được các quỹ trung ương và quỹ tỉnh ký là 613 hợp đồng. Trong đó, 387 hợp đồng về thủy điện, 150 hợp đồng về nước sạch, 76 hợp đồng về du lịch.

Với con số hơn 10.056,8 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, bình quân thu trên 1.600 tỷ đồng/năm, song hiệu quả phát triển rừng lại chưa rõ, câu hỏi đặt ra là nguồn tiền nhiều năm qua đã được chi dùng ra sao?

Được biết, kinh phí cho hoạt động của bộ máy quỹ trung ương được trích tối đa 5% tổng tiền dịch vụ môi trường rừng thu hàng năm; tối đa 10% cho hoạt động của bộ máy quỹ cấp tỉnh. Trong khi đó, tổng kết 10 năm hoạt động của quỹ, Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho hay thời gian tới sẽ cần mở rộng thêm nguồn thu từ các dịch vụ khác đang được hưởng lợi từ rừng.

Vĩnh Long

(*) Quỹ phát triển đất, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

Xem thêm: