Sau Bộ GTVT, Bộ Tài chính tiếp tục nhận được đề xuất bỏ quy định bắt buộc mua bảo hiểm xe máy từ cử tri. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay về quy định, trong vòng 3 ngày làm việc, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường cho bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn.

tiep tuc co de xuat bo quy dinh bat buoc mua bao hiem xe may bo tai chinh noi gi
Một người bán hàng rong kiêm bán bảo hiểm xe máy trên vỉa hè tại Hà Nội, tháng 5/2020. (Ảnh: Trí Thức VN)

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa trả lời kiến nghị của cử tri về việc xem xét bãi bỏ quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với mô tô, xe máy. Cử tri cho rằng chỉ nên khuyến khích tham gia loại bảo hiểm bởi hiện nay việc lập thủ tục bồi thường khi xảy ra sự cố rất phức tạp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, việc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết và đúng quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích và an toàn xã hội chung, phù hợp với xu thế chung trên thế giới.

Về cơ sở pháp lý, việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với chủ xe mô tô, xe máy là căn cứ theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ.

Trên thực tiễn, Bộ Tài chính cho biết việc quy định mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc đối với mô tô, xe máy là cần thiết khi khoảng 70% trong tổng số vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ liên quan đến xe gắn máy, xe máy.

Từ năm 1988, Chính phủ đã quy định loại hình bảo hiểm này là loại hình bảo hiểm bắt buộc và lần lượt ban hành các nghị định liên quan, mục đích là “nhằm phát huy vai trò, ý nghĩa xã hội và tính nhân đạo của bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới”. Nhiều nước trên thế giới cũng triển khai loại hình bảo hiểm này với hình thức bắt buộc.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2021 thay thế Nghị định số 103/2008, sửa đổi, bổ sung các quy định về công tác tạm ứng bồi thường, cắt giảm hồ sơ bồi thường, đấy mạnh công tác giải quyết bồi thường.

Theo Bộ Tài chính, Nghị định số 03 quy định rõ trách nhiệm cung cấp hồ sơ bồi thường bảo hiểm của các bên, thời hạn thanh toán bồi thường.

Trong trường hợp tai nạn không gây tử vong, các bên không cần thu thập tài liệu từ cơ quan công an, doanh nghiệp chỉ cần lập biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại trước khi tiến hành chi trả bồi thường với sự thống nhất của bên mua bảo hiểm.

Trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho người được bảo hiểm số tiền mà người này đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Thời gian doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường là trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm về vụ tai nạn. Mức tạm ứng từ 10-70% mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định.

Đề xuất không mới

Trong tháng 7/2022, cử tri một số tỉnh Đắk Lắk, Bà Rịa – Vũng Tàu… gửi tới Chính phủ đề xuất chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm xe máy sang hình thức tự nguyện để đảm bảo quyền lợi người dân.

Hồi tháng 3/2022, tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất giữ nguyên quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bao gồm cả xe mô tô, xe máy.

Trước ý kiến gần như người mua bảo hiểm xe máy không được bồi thường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dẫn số liệu sau hơn 10 năm thực hiện chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, trong tổng hơn 110,3 triệu xe cơ giới tham gia bảo hiểm bắt buộc (có khoảng 93,5 triệu lượt xe máy); đã giải quyết bồi thường bảo hiểm cho 593.658 vụ TNGT, trung bình 9 triệu đồng/vụ (101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ).

Về ý kiến của các Bộ liên quan, hai năm trước, tháng 9/2020, Bộ GTVT từng trả lời ý kiến của cử tri TP Hà Nội do Ban Dân nguyện- Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến, về đề nghị sửa đổi Luật Giao thông đường bộ theo hướng bỏ quy định bắt buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với xe máy.

Bộ GTVT viện dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Nghị định số 103/2008 của Chính phủ, Thông tư số 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính làm cơ sở pháp lý đối với trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới về bảo hiểm.

Theo Bộ GTVT, bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bắt buộc đối với chủ xe cơ giới để nhằm bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân trong các vụ TNGT, bảo đảm nguồn hỗ trợ đủ lớn và kịp thời cho các nạn nhân TNGT mà không phụ thuộc vào việc người gây tai nạn có khả năng chi trả hay không; trợ giúp chủ xe, người điều khiển phương tiện ổn định cuộc sống nếu không may gây ra TNGT.

“Đây là bảo hiểm chi trả cho bên thứ ba chứ không phải trả cho người mua bảo hiểm và được thế giới đánh giá là chính sách an sinh – xã hội cần thiết” – theo Bộ GTVT.

Tuy nhiên, bộ này thừa nhận trong quá trình thực thi còn đang bộc lộ một số bất cập cho người tham gia mua bảo hiểm như: các doanh nghiệp bảo hiểm không tư vấn, cung cấp đầy đủ thông tin về hợp đồng bảo hiểm, điều khoản, biểu phí, mức trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của chủ xe cơ giới để từ đó người mua hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm cũng như những việc cần làm để được chi trả bồi thường khi tai nạn xảy ra.

Thậm chí, ngay cả khi chủ phương tiện đã tham gia bảo hiểm thì quy trình, thủ tục đề nghị bảo hiểm chi trả còn rườm rà khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong quá trình đề nghị thanh toán chi trả bảo hiểm. Bộ GTVT hứa sẽ nghiên cứu về vấn đề này trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Theo số liệu từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến 30/6/2022, doanh thu bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới nói chung đạt 2.356 tỷ đồng, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm tỷ trọng 7% tổng doanh thu phí toàn thị trường; bồi thường đạt 346 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 14,7%.

Trong đó, doanh thu từ bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe mô tô (thường gọi tắt là bảo hiểm bắt buộc xe máy) đạt hơn 545,4 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước.

Số tiền bồi thường của bảo hiểm bắt buộc xe máy là hơn 11,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 2,2%.

Nguyễn Quân