Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết nhu cầu kinh phí chi phòng dịch COVID-19, hỗ trợ người dân là 32.411 tỷ đồng. TP.HCM cân đối được 17.206 tỷ đồng, còn thiếu hơn 15.205 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương mới hỗ trợ được 2.000 tỷ đồng.

chi ho tro dich covid tphcm
Nhân viên bảo vệ, người lao động tới nhận tiền hỗ trợ do công việc bị ảnh hưởng trong dịch COVID-19 tại điểm trường Tiểu học Tân Trụ (quận Tân Bình, TP.HCM), ngày 2/10/2021. (Ảnh minh họa: thanhuytphcm.vn)

Chiều 18/4, Ban Văn hóa – xã hội HĐND TP.HCM mở cuộc làm việc, giám sát Sở Tài chính, Sở Y tế, Sở Lao động – thương binh và xã hội về kết quả phòng dịch và hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 khi buổi giám sát ngày 14/4 không tiến hành được theo dự kiến.

Còn hàng ngàn người chưa nhận được tiền hỗ trợ

Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết tổng số tiền đã chi hỗ trợ theo Nghị quyết 09 của HĐND TP là hơn 2.160 tỷ đồng; theo Nghị quyết 97 là hơn 6.523 tỷ đồng với hơn 6,5 triệu người thụ hưởng.

Tuy nhiên, đại diện sở này cho biết số người cần hỗ trợ tăng cao hơn nhiều so với dự kiến, các gói hỗ trợ ra đời liên tục, gây khó khăn khi xử lý tình huống phát sinh; các địa phương chậm cập nhật thông tin chi trả, ngân sách TP chuyển về chậm trong khi ngân sách quận huyện và TP.Thủ Đức hạn chế nên ảnh hưởng đến tiến độ chi trả…

Hiện vẫn còn huyện Củ Chi, Bình Tân và Bình Chánh chậm chi hỗ trợ cho người dân do thiếu kinh phí. UBND huyện Bình Chánh cho biết chi được 41% so với danh sách được phê duyệt ở Nghị quyết 97. Sau khi rà soát, 5.000 người được loại do không còn tại địa phương hoặc đã nhận hỗ trợ từ BHXH; huyện này cần thêm 466 tỷ đồng để chi gói hỗ trợ.

Tương tự, quận Bình Tân cũng còn 308.000 trường hợp chưa được chi hỗ trợ. Từ đó, Sở này đề nghị Sở Tài chính đề xuất UBND TP bổ sung kinh phí cho các địa phương chi hỗ trợ đợt 3.

Chậm chi trả do TP thiếu tiền

Đưa ra lý do về việc Sở Tài chính chưa phân bổ tiếp ngân sách cho các địa phương chi hỗ trợ, bà Trần Mai Phương, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết số kinh phí còn thiếu lên tới 47%.

Theo báo cáo của các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức, nhu cầu kinh phí chi cho phòng dịch và hỗ trợ người dân là 32.411 tỷ đồng. Khả năng cân đối của ngân sách TP là hơn 17.200 tỷ đồng, còn thiếu hơn 15.200 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương hỗ trợ cho TP.HCM 2.000 tỷ đồng.

Do nguồn lực có hạn nên TP đang gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách, bà Phương cho biết. Chính quyền TP phải ưu tiên bố trí kinh phí cho các nhiệm vụ cần gấp, đặc biệt là công tác điều trị và tiêm vắc-xin COVID-19 để giảm thiểu số ca tử vong.

Ngoài ra, bà Phương cho biết trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, các đơn vị xây dựng dự toán kinh phí với số tiền rất cao, làm áp lực rất lớn cho TP. Chưa kể số dự toán kinh phí chi công tác phòng chống dịch liên tục thay đổi.

Đến nay, nhu cầu dự toán kinh phí chi phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vẫn chưa được rà soát, xác định chính xác. Do đó, Sở Tài chính đề nghị các đơn vị rà soát danh sách để phân bổ ngân sách cho hợp lý. Qua rà soát các nguồn lực đã tích luỹ nhiều năm trước như nguồn kinh phí dành cho cải cách tiền lương, nguồn kết dư ngân sách, quỹ dự trữ tài chính…, ngân sách TP chỉ cân đối bổ sung dự toán được hơn 18.000 tỷ đồng – bà Mai cho hay.

Minh Sơn