Chuyên gia cho rằng không thể gọi cao tốc 2 làn xe là cao tốc và nên vận hành như đường giao thông bình thường.

xe khach dam xe ruoc dau
Xe khách tông xe rước dâu trên cao tốc 2 làn La Sơn – Túy Loan. (Ảnh: Chụp màn hình/video/dantri.com.vn)

Sáng ngày 19/3, truyền thông nhà nước đưa tin tại hội thảo Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến cao tốc, TS Khương Kim Tạo – nguyên Phó văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng cao tốc 2 làn không thể gọi là cao tốc vì không đảm bảo yêu cầu giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình như quy định.

Ông Tạo cho rằng: “Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế hiện nay, đầu tư cao tốc hai làn theo phân kỳ là hợp lý. Bởi chất lượng không bằng cao tốc hoàn chỉnh nhưng những tuyến đường này chắc chắn an toàn hơn đường bộ thông thường do có hệ thống vạch kẻ, biển báo, mặt đường tốt theo tiêu chuẩn”.

Về tình trạng tai nạn giao thông trên các tuyến cao tốc 2 làn, ông Tạo cho rằng cần nhìn nhận vấn đề theo 3 nguyên nhân từ tài xế, phương tiện và chất lượng cao tốc để tìm cách hạn chế. Việc vận hành cao tốc 2 làn với tốc độ tối đa 80 km/h như hiện tại là không hợp lý, cần phải vận hành như đường giao thông bình thường.

“Cần bỏ vạch làn dừng khẩn cấp để các phương tiện đi bám sát lề phải, các xe có nhu cầu vượt thì sẽ vượt bên trái. Điều này vừa đảm bảo giao thông thông thoáng, giảm ức chế cho tài xế khi phải đi sau những xe đi chậm và cũng tạo điều kiện cho những xe lớn như xe container quan sát dễ hơn qua gương chiếu hậu bên trái”, ông Tạo nói, cho rằng quy tắc này áp dụng cho đoạn đường thoáng, đối với đoạn đường cong, khuất tầm nhìn thì cần lắp dải phân cách cứng và cắm biển cấm vượt.

Lý giải thêm về đề xuất này, ông Tạo cho biết theo đồ thị tính toán thì việc vận hành tốc độ 80 km/h chỉ đạt hiệu quả tốt nhất khi giao thông thông thoáng. Trong điều kiện hiện tại của một số tuyến cao tốc như Cam Lộ – La Sơn thì phương tiện thực tế chỉ đi được 50-60 km/h.

Thượng tá Lê Quang Hòa – Trưởng phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Cục Cảnh sát giao thông cho biết hiện có 9 trong số 12 đoạn tuyến cao tốc đang khai thác không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật. Thậm chí chất lượng một số tuyến không bằng quốc lộ, đặc biệt với cao tốc phân kỳ 2 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp.

“Các tuyến cao tốc phân kỳ chưa đảm bảo an toàn thì không thể ép khai thác theo tiêu chuẩn cao tốc. Thay vào đó cần triển khai các biện pháp như hạn chế phương tiện, hạ tốc độ”, thượng tá Hòa nói.

Không phủ nhận nhiều vụ tai nạn trên cao tốc có nguyên nhân tiêu chuẩn tuyến đường, song ông Khuất Việt Hùng – Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng chủ yếu là người tham gia giao thông thiếu kiến thức, kỹ năng và ý thức. “Trong hai vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn vừa rồi, tài xế vượt ẩu, dừng xe không đặt biển cảnh báo. Với ý thức như thế, dù đường có đúng tiêu chuẩn 6 làn thì vẫn xảy ra tai nạn”, ông Hùng nói.

Cả nước hiện có gần 1.900 km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn một, 5 dự án mới có hai làn xe, gồm: Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Túy Loan, Yên Bái – Lào Cai, Thái Nguyên – Chợ Mới, Hòa Lạc – Hòa Bình.

Sau hai vụ tai nạn khiến 5 người chết trong một tháng qua trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng việc cấm vượt ở hầu hết tuyến đường 2 làn xe khiến năng lực thông hành chỉ đạt 60%. Ngoài ra, cấm vượt trong đoạn đường dài gây ức chế cho người lái khi phải đi tốc độ thấp, nhất là đi sau xe tải tốc độ khoảng 50 km/h, không thể vượt trong khi làn đối diện vắng xe. Điều này dẫn đến khả năng lái xe bất chấp nguy hiểm hoặc phạm luật để vượt.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, đơn vị quản lý cao tốc sẽ điều chỉnh vạch sơn tim đường, cho phép vượt xe tại nhiều đoạn 2 làn trên tuyến đường này. Cục Đường bộ Việt Nam cũng xem xét phương án cấm xe khách, xe tải nặng chạy tốc độ thấp đi vào cao tốc.

Bên dưới bài báo, rất nhiều người dân đã để lại bình luận về vấn đề này.

Một người có nickname Thien Ha viết: “Theo tôi đề xuất này hoàn toàn không phù hợp. Vì bản thân làn dừng khẩn cấp như tên gọi của nó, dùng để xe dừng lại khi có sự cố (việc dùng cho xe ưu tiên chạy là rất ít).”

Một người khác bình luận: “Nếu làm vạch đứt cho xe khác đi vào, thì cực kỳ nguy hiểm vì chạy với vận tốc 80km/h mà lách vào làn này bất ngờ gặp xe khác đang dừng khả năng tai nạn xảy ra cực kỳ cao. Điều này khiến cao tốc còn nguy hiểm hơn đường thông thường vì đường thông thường xe muốn dừng đậu còn chạy vào lề vào bãi để đậu, ở cao tốc chỗ đâu mà vào. Ngay cả khi nhà đầu tư làm thêm 1 số điểm dừng đậu thì vẫn không tránh khỏi những xe bị hư hỏng trên đường không thể chạy tới chỗ đậu này.”

Bạn minhnhat.yuzuki.241012 viết: “Theo mình thì nên bỏ chữ định danh “cao tốc” đối với loại “cao tốc 2 làn xe” thì hơn. Tức là “cao tốc” yêu cầu ít nhất 2 làn xe (+1 khẩn cấp) cho 1 chiều xe thì mới đủ chuẩn.”

khánh Vy (t/h)