“Đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm”, Bộ Y tế Việt Nam công bố, do đó, sẽ tiếp tục tổ chức tiêm vắc-xin COVID-19 của hãng AstraZeneca. 

vacxin covid
Một nhân viên y tế rút một liều vắc-xin ngừa COVID-19 từ một lọ thuốc tại Bệnh viện Rajawadi, Mumbai, Ấn Độ, ngày 16/1/2021. (Ảnh minh họa: Manoej Paateel/Shutterstock)

Truyền thông trong nước đưa tin, tại cuộc họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương vào sáng 17/3, trước thông tin về các trường hợp trên thế giới bị đông máu sau tiêm vắc-xin AstraZeneca, Bộ Y tế Việt Nam cho hay Việt Nam chưa xảy ra tình trạng này và vẫn sẽ tiếp tục sử dụng vắc-xin này.

Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết tính đến cuối chiều 16/3, Việt Nam đã tiêm ngừa COVID-19 cho tổng cộng 20.695 người, là các cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.

Trong 20.695 người đã tiêm, có 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường (chiếm 19,7%) và 6 người phản ứng nặng. Trong 6 người sốc phản vệ nặng, có 5 người phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3. Các trường hợp sốc phản vệ sau khi được xử lý đều đã ổn định, Bộ Y tế công bố.

“Trên báo cáo, có 16 trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm vắc-xin, tuy nhiên Hội đồng Tiêm chủng đã đánh giá lại và xác định chỉ có 5 trường hợp phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3. Trường hợp độ 3 này là do công tác cấp cứu không thực hiện theo phác đồ của Bộ Y tế. Chúng tôi đã cử các chuyên gia tới chấn chỉnh cơ sở tiêm này để thực hiện tốt trong thời gian tới”, ông Long nói.

Trước thông tin trên thế giới nhiều người bị đông máu sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca, ông Long cho hay hiện Việt Nam vẫn chưa xảy ra trường hợp tương tự, và hiện vẫn tiếp tục tiêm loại vắc-xin này.

“Đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. Bộ Y tế vẫn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ y tế, đồng thời tổ chức các điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn. Tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin COVID-19”, ông Long nói.

Từ ngày 8/3, Việt Nam bắt đầu đợt tiêm chủng ngừa COVID-19 trên diện rộng, sử dụng vắc-xin của hãng dược AstraZeneca, với lô đầu tiên 117.600 liều nhập về vào cuối tháng 2. Lô trên nằm trong số 60 triệu liều vắc-xin AstraZeneca Việt Nam dự kiến sẽ mua/tiếp nhận trong năm.

Sau nhiều trường hợp tử vong, đông máu cục, xuất huyết, tính đến ngày 16/3, đã có 13 nước, gồm Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Slovenia, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan, Na Uy, Iceland, Congo, Bulgaria, đã dừng tiêm vắc-xin COVID-19 AstraZeneca.

Tại châu Á, Thái Lan trì hoãn triển khai vắc-xin AstraZeneca vì lo ngại các biến chứng, sau đó thông báo sẽ tiếp tục triển khai. Anh và Canada vẫn ủng hộ vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca.

Phía AstraZeneca cho biết đã ghi nhận 37 trường hợp gặp sự cố máu đông trong số hơn 17 triệu người tiêm vắc-xin COVID-19 của họ tại 27 nước EU và Anh, tiếp tục khẳng định “không có bằng chứng” vắc-xin của hãng liên quan đến đông máu.

Theo Hãng tin AFP, ngày 16/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) họp để đánh giá về độ an toàn của vắc-xin do AstraZeneca sản xuất. Tới ngày 18/3, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt để đánh giá về loại vắc-xin này.

Nhiều quốc gia EU tạm dừng tiêm vắc-xin AstraZeneca để điều tra về tình trạng đông máu

Việt Nam sẽ áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”?

Cũng tại buổi họp, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc-xin”.

Ngoài Bộ Y tế, ông Phúc yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vắc-xin” và giao thương có sự kiểm soát.

Tuy nhiên, chuyên gia y tế – PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng hồi đầu tháng 3 cho hay cần phải lưu ý đến các rủi ro khi vắc-xin cần 4-5 năm, thậm chí 10 năm để nghiên cứu, nay vắc-xin COVID-19 đang được nghiên cứu, sử dụng trong tình huống khẩn cấp; virus biến đổi liên tục nên vắc-xin có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả với các biến chủng mới; và không loại trừ trường hợp có hộ chiếu vắc-xin giả.

Hiện Trung Quốc – nơi bùng phát dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) – là nước đầu tiên trên thế giới cấp “hộ chiếu vắc-xin” cho công dân. Cùng khu vực châu Á, Thái Lan đang xem xét áp dụng chính sách này và miễn cách ly với khách nhập cảnh để mở cửa trở lại ngành du lịch. Tại châu Âu, một số nước như Đan Mạch và Thụy Điển cũng đang phát triển “hộ chiếu vắc-xin” riêng.

Trong khi đó, tại Anh, hơn 200.000 người đã ký tên vào một bản kiến nghị để được đưa ra tranh luận trước Quốc hội để ngăn chặn việc ban hành giấy chứng nhận vaccine với lý do “một chứng nhận như vậy có thể được dùng để hạn chế quyền của những người đã từ chối tiêm vắc-xin COVID-19”.

Sơn Nguyên

Xem thêm:

TQ ra mắt “hộ chiếu vắc-xin”, bị nghi ngờ để kiểm soát chính trị toàn cầu