Thông tin trên do ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Tháp, nói tại hiện trường công trình cầu Rọc Sen (xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp) – nơi đang cứu hộ cứu nạn bé Thái Lý Hạo Nam 10 tuổi, trưa ngày 4/1.

be trai 10 tuoi roi coc be tong
Lực lượng cứu hộ thăm dò việc tròng cáp vào các đoạn cọc bê tông. (Ảnh: baodongthap.vn)

Gần 9h sáng ngày 4/1, đoàn công tác của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an đã đến hiện trường vụ việc.

Đến 10h30, phía Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Ban quản lý Dự án Mỹ Thuận cùng các chuyên gia đã đến để hỗ trợ cho công tác cứu nạn bé Nam.

Lực lượng tại hiện trường cùng máy móc, thiết bị hoạt động hết công suất để hướng tới bước tiếp theo là tròng cáp vào các đoạn ống để nhổ cọc bê tông khỏi mặt đất.

Theo một thành viên ban chỉ huy cứu hộ, thời gian nhổ cọc bê tông được tính toán mất khoảng 2 giờ.

Trưa ngày 4/1, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục áp dụng phương pháp khoan guồng xoắn để làm tan rã phần đất ngang đáy cọc.

“Chúng ta đã khoan sâu đến độ sâu 34-35m ngang với đầu cọc nhưng sẽ tiếp tục khoan thêm. Trong chiều nay, các lực lượng sẽ tiến hành rã đất trong lòng ống để làm giảm tối đa áp lực, qua đó sẵn sàng đưa từng đoạn ống bê tông lên bằng cáp, cẩu chuyên dụng trước khi thực hiện cứu hộ trên mặt đất”.

“Khi xuyên thấu đến độ sâu 35m, chúng tôi gặp tầng đất sét ở cuối với độ nén rất lớn và phức tạp. Trong điều kiện lòng ống chật hẹp, việc thao tác rất khó khăn. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến các chuyên gia liên tục nhưng vẫn phải chấp nhận, bảo đảm làm tới đâu an toàn tới đó nên chưa thể xác định chắc chắn thời gian hoàn thành”, ông Bửu nói.

Cũng theo ông Bửu, phương pháp bơm nước áp lực cao đã được triển khai nhưng tiến độ chậm do đất sét bám dính nên hiện nay đã tạm dừng. Ngoài ra, lực lượng cứu hộ vẫn duy trì bơm oxy để duy trì không khí.

Trước đó vào 23h45 đêm ngày 3/1, phương án cứu nạn bé Nam đã phải thay đổi do quá trình thi công những mét đất cuối cùng gặp khó khăn do kết cấu đất chặt – trước đó là chỉ áp dụng phương pháp khoan guồng xoắn.

Cụ thể, lực lượng cứu hộ cứu nạn đã áp dụng phương pháp khoan xoáy nước áp lực lớn tạo độ tơi đất, kết hợp khoan guồng xoắn đến khi cách đáy trụ bê tông khoảng 3-4 m, các lực lượng sẽ phối hợp với nhau để kéo ống cọc bê tông lên. Đồng thời, thực hiện cắt ống cọc bê tông khi được nhấc lên.

Cũng trong đêm 3/1, có thêm 2 máy cắt trụ bê tông công suất lớn được đưa từ TP. Cần Thơ về hiện trường để thực hiện cắt ống cọc bê tông. Việc cắt thử, tính toán thời gian và phương án an toàn cũng được lực lượng quân khu tiến hành ngay trong đêm.

Dự kiến sau khi cọc được kéo lên, đội công binh Quân khu 9 chia ra hai nhóm cùng làm, chuẩn bị cưa cắt chuyên dụng để rút ngắn thời gian cứu bé Nam.

Bốn hôm trước, bé Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen để nhặt phế liệu. Không may, em Nam rơi xuống cọc bê tông rỗng bên trong, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m. Một số người chứng kiến cho biết sau khi rơi vào xuống hố, em kêu cứu chừng 10 phút rồi tiếng dần mất hút.

Lực lực cứu hộ cứu nạn tỉnh Đồng Tháp đã huy động 3 xe xúc, một xe cẩu cùng nhiều phương tiện chuyên dụng đào bới, tìm kiếm nạn nhân trong những ngày qua, nhưng vẫn không có kết quả.

Minh Long