Trong 7 ca ngộ độc botulium vừa xảy ra tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), người đàn ông trung niên tử vong sau khi ăn món bún mắm do vợ mua nguyên liệu về nấu. Một phụ nữ may mắn thoát nạn khi bận việc nên chỉ kịp ăn 1/3 bữa ăn bánh mì chả.

them 3 ca ngo doc botulinum sau khi an cha lua va mam
Hai trong 3 bệnh nhi là anh em ruột bị ngộ độ botulinum hôm 13/5 sau khi ăn chả lụa bán dạo, tại Bệnh viện Chợ Rẫy. (Ảnh: Bệnh viện Chợ Rẫy/Facebook)

Tại cuộc họp báo chiều 15/6, cung cấp thông tin về vụ ngộ độc botulinum ghi nhận từ ngày 13-15/5, ông Nguyễn Văn Khuôn – Trưởng Phòng Y tế TP. Thủ Đức (TP.HCM) cho biết tổng số người bị ngộ độc là 7 người; trong đó 4 người ở phường Long Thạnh Mỹ, 2 người ở phường Thạnh Mỹ Lợi, 1 người ở phường Cát Lái.

Nhóm 4 bệnh nhân ở phường Long Thạnh Mỹ gồm: Nguyễn Văn Đ., Nguyễn Văn H., Nguyễn Thị X. và Nguyễn Thị H. Sáng 13/5, các bệnh nhân mua 1 cây giò chả cùng 8 ổ bánh mì, ăn vào lúc 10h cùng ngày. Trong đó bà H. ăn ít nhất, chỉ ăn 1/3 bữa rồi bận việc phải đi Vũng Tàu. Ba đứa trẻ còn lại ăn hết số giò chả trên và 6 ổ bánh mì, đến 9h sáng hôm sau, ngày 14/5, bắt đầu xuất hiện triệu chứng ngộ độc.

Nhóm 2 bệnh nhân ở phường Thạnh Mỹ Lợi là 2 anh em Lê Ngọc Th. (SN 2005) và Lê Ngọc Th. (SN 1997) làm nghề vá xe ở các trục lộ đường. Hai anh em mua cây giò chả với giá 30.000 đồng về ăn với bánh mì. Sáng hôm sau, người anh còn khỏe thấy người em bị bệnh nên đưa vào bệnh viện, đến chiều cùng ngày, người anh phải nhập viện.

Ca bệnh ở phường Cát Lái là ca duy nhất bị ngộ độc sau khi ăn bún mắm do mua nguyên liệu về nhà tự nấu.

“Chỉ riêng ông Phan Văn H. (SN 1978) là ăn bún mắm do vợ nấu. Có 4 người ăn món bún mắm này, nhưng chỉ có ông H. ăn nhiều nhất và cuối cùng bệnh nhân bị ngộ độc nặng đã tử vong”, ông Khuôn cho biết.

Ông H. được nhập viện vào ngày 14/5, tối 24/5 tử vong.

Đến thời điểm diễn ra họp báo, có 2 người (Nguyễn Văn H. và Nguyễn Thị X.) đã khỏe mạnh được xuất viện; 1 bệnh nhân tử vong (ông Phan Văn H.). Các bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại bệnh viện.

Ông Khuôn cho hay Công an TP. Thủ Đức vẫn đang tiến hành điều tra dịch tễ của 4/7 nạn nhân liên quan (do 2 nạn nhân hôn mê sâu và 1 nạn nhân tử vong không thể điều tra). Dựa vào triệu chứng lâm sàng, thời gian khởi phát, kết quả điều tra dịch tễ và kết quả chẩn đoán của Bệnh viện Quân Dân Miền Đông, Bệnh viện Nhi Đồng 2, Báo cáo số 428/BC-TTYT ngày 6/6/2023 của Trung tâm Y tế về kết quả điều tra vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn TP Thủ Đức, qua đó nhận định các trường hợp trên bị ngộ độc thực phẩm do độc tố Clostridium Botulinum.

Theo ông Khuôn, đến thời điểm này kết quả điều tra cho thấy các kết quả xét nghiệm đều âm tính và không tìm ra mối liên quan ngộ độc thực phẩm đối với các thực phẩm trên. Lý do là người dân ăn xong hôm sau mới ngộ độc, cơ quan chức năng không tìm được mẫu thực phẩm của bữa ăn hôm trước, còn người bán hàng rong giò chả không hợp tác, nói giò chả do tự mình sản xuất, bán nhiều nơi bán không rõ địa chỉ nên việc truy vết sản phẩm rất khó khăn.

“Mặc dù vậy, xu hướng chung vẫn là do giò chả, bánh mì và bún mắm”, ông Khuôn nói.

Hiện 2 cơ sở sản xuất chả lụa tại phường Trường Thọ liên quan đến vụ việc đã bị đình chỉ hoạt động. Hai cơ sở này không có biển hiệu, sản phẩm không có tem mác, không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Chủ khai mua thịt từ các chợ nhỏ lẻ về làm giò chả rồi đem đi bỏ mối hay bán hàng rong. Các cơ sở này sẽ bị xử phạt về hành vi không có giấy đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Với trường hợp ca tử vong, do sau khi ăn xong hôm sau mới ngộ độc, cơ quan chức năng không tìm được mẫu thực phẩm của bữa ăn hôm trước.

Nguyễn Sơn