Dù các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba và JD.com cho biết doanh thu của dịp lễ hội mua sắm “11 kép” (11/11) năm nay cao hơn năm ngoái, nhưng họ không công bố số liệu cụ thể. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh, một số sàn thương mại điện tử đã hủy ngày hội mua sắm “12 kép” (12/12).

Taobao
Do kinh tế suy thoái và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh, một số trang thương mại điện tử Trung Quốc đã hủy dịp lễ hội mua sắm “12 kép” (12/12).

Taobao và Tmall hủy dịp lễ hội mua sắm “12 kép”

Để tăng doanh số bán hàng, các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc thỉnh thoảng sẽ tổ chức một số đợt giảm giá đặc biệt qua ngày hội mua sắm, ví dụ “11 kép” nổi tiếng là một trong số đó. Những nguồn tin truyền thông tại Trung Quốc chỉ ra, Taobao và Tmall Trung Quốc ngày “11 kép” năm nay không chỉ ảm đạm, thậm chí còn lên kế hoạch hủy bỏ ngày hội mua sắm “12 kép”.

Trang dịch vụ thương mại của Taobao cho thấy sự kiện ngày hội mua sắm “12 kép” năm nay của Taobao đã bị hủy. Tháng 12 năm nay, Taobao sẽ tổ chức sự kiện quy mô lớn “Lễ hội giá tốt Taobao” cuối năm, dự kiến ​​​​sẽ bắt đầu kêu gọi các hãng thương mại tham gia vào cuối tháng 11.

Một số người Trung Quốc nói đùa: Từ “12 kép” thành “Lễ hội giá tốt Taobao”, đây chỉ là “đổi thang chứ không thay thuốc”, “11 kép” làm không minh bạch cho nên đến “12 kép” thúc đẩy bộ quy tắc mới.

Một số nguồn tin từ truyền thông của Trung Quốc đưa tin hôm 25/11, sau 11 năm phát triển thì “12 kép” đã đi chệch khỏi dự định ban đầu từ khi ra mắt vào năm 2012, dần hội tụ với “11 kép”…

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Chen Hudong tại trung tâm nghiên cứu thương mại điện tử 100EC có nhận định, dù là “618”, “11 kép”, “12 kép” hay “Lễ hội giá tốt cuối năm”... đều là những lễ hội mua sắm thương mại điện tử, nhưng hầu như tất cả các lễ hội mua sắm thương mại điện tử đều đồng nhất hóa cạnh tranh [không còn ý nghĩa gì về cạnh tranh]. Ở góc độ người tiêu dùng, mặc dù về cơ bản cũng hào hứng với dịp hội mua sắm thương mại điện tử, nhưng việc hủy một dịp nào đó thì cảm nhận tiêu dùng cũng không ảnh hưởng gì mấy.

Báo cáo tài chính mới nhất của Tập đoàn Alibaba cho thấy doanh thu của Alibaba trong kỳ báo cáo là khoảng 224,79 tỷ RMB (nhân dân tệ), lợi nhuận ròng khoảng 26,696 tỷ RMB. Trong kỳ báo cáo, GMV trực tuyến (tổng giao dịch hàng hóa) của Taotian và Tmall đã giảm, còn trong số các công ty của Alibaba thì tốc độ tăng trưởng doanh thu của Taotian xếp thứ hai từ dưới lên.

Báo cáo tài chính cho biết: “Doanh thu quản lý khách hàng (Tập đoàn bán lẻ Taotian) tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là do người bán sẵn sàng đầu tư vào quảng cáo hơn, bù đắp một phần sụt giảm nhẹ trong GMV trực tuyến (tổng giao dịch hàng hóa) của Taobao và Tmall”.

Nói cách khác, tổng giao dịch hàng hóa trực tuyến của Taobao và Tmall đã giảm trong quý 2 năm tài chính 2024.

Dấu hiệu khác của suy thoái kinh tế Trung Quốc liên quan ngày “11 kép”

Ngày mua sắm “11 kép” chỉ các hoạt động khuyến mại quy mô lớn vào ngày 11/11 hàng năm mà các nền tảng mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc thúc đẩy, bắt nguồn từ ngày 11/11/2009 khi đó trang web mua sắm của Tập đoàn Alibaba Trung Quốc tổ chức “Ngày khuyến mãi của trung tâm mua sắm Taobao”, sau này phát triển thành một sự kiện mua sắm thường niên trong nhiều ngành và là một hiện tượng tiêu dùng ảnh hưởng đến ngành bán lẻ toàn cầu. CEO Zhang Yong của Alibaba – người khởi xướng “11 kép” – gọi “11 kép”“Thế vận hội của giới kinh doanh”. Vào ngày 11/11/2012, doanh số mua sắm trực tuyến cả ngày hôm đó ở Trung Quốc đã vượt qua Thứ Hai Điện Tử (Cyber Monday, ngày thứ Hai đầu tiên sau ngày Black Friday) ở Mỹ, trở thành ngày lễ mua sắm trực tuyến lớn nhất thế giới.

Lễ hội mua sắm “11 kép” tại Trung Quốc năm nay đang được theo dõi chặt chẽ hơn bao giờ hết khi nền kinh tế nước này đối mặt với tình trạng giảm phát. Các nhà kinh tế coi việc thúc đẩy nhu cầu hộ gia đình là chìa khóa để ngăn chặn cuộc suy thoái kinh tế, vì phản ánh niềm tin của công chúng Trung Quốc.

Các ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử Trung Quốc như Alibaba và JD.com đều tuyên bố rằng doanh số bán hàng trong “11 kép” năm nay cao hơn năm 2022, nhưng đều không công bố dữ liệu cụ thể. Đây là năm thứ hai liên tiếp họ không cung cấp dữ liệu này. Trong lịch sử 15 năm lễ hội mua sắm, năm ngoái là lần đầu tiên không có thông tin liên quan nào được tiết lộ.

Các nhà phân tích ước tính tăng trưởng của “11 kép” hiện đã bắt đầu chậm lại – một dấu hiệu khác cho thấy về tổng thể nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn.

Cục Bưu điện Nhà nước – cơ quan giám sát các dịch vụ bưu chính của Trung Quốc, cho biết tổng cộng 5,26 tỷ gói hàng đã được giao trong lễ hội mua sắm kéo dài 11 ngày, tăng 23,22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lễ hội mua sắm năm nay có đặc điểm là giá thấp, tất cả các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Trung Quốc đang tập trung vào giá thấp trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nhà bán lẻ, cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang nỗ lực hạn chế chi tiêu.

Một cuộc khảo sát với 3000 người tham gia sự kiện “11 kép” do Bain & Co. thực hiện cũng cho thấy, chỉ có 23% người tiêu dùng Trung Quốc tham gia khảo sát có kế hoạch chi tiêu nhiều hơn trong năm nay so với năm trước, tỷ lệ này lần lượt là 24% và 51% vào năm 2022 và 2021, phản ánh hào hứng của người tiêu dùng Trung Quốc đối với “11 kép” đang giảm dần.

Theo WSJ ngày 15/11, nhà phân tích Jie Zhang tại Alpha Value cho biết, lễ hội mua sắm “11 kép” của Trung Quốc đã diễn ra được 15 năm, hiện nay người tiêu dùng ngày càng ít quan tâm đến các hoạt động tiêu dùng như vậy.

Công ty Bain & Co cho biết về cuộc khảo sát: “Những trở ngại kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đã khiến người tiêu dùng chú ý nhiều hơn đến giá sản phẩm, niềm tin của người tiêu dùng giảm đi cùng những lo ngại liên quan thị trường bất động sản”; “Mặc dù vào đầu năm nay Trung Quốc đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế chống dịch, nhưng những áp lực vĩ ​​mô này vẫn không hề suy giảm, thể hiện qua kết quả khảo sát hàng năm của chúng tôi với 3000 người tiêu dùng Trung Quốc được thực hiện trước ‘11 kép’”.

Nỗi lo của người tiêu dùng Trung Quốc

Các khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản khổng lồ của Trung Quốc, việc cắt giảm chi tiêu của chính quyền địa phương đang gánh nặng nợ nần, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên hơn 20%, và thu nhập giảm ở một số khu vực của nền kinh tế… đã khiến người tiêu dùng hướng đến giảm chi tiêu.

Dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu tăng bất ngờ trong tháng 10 làm tăng hy vọng chi tiêu có thể được cải thiện, nhưng chỉ số giá tiêu dùng giảm cho thấy giá hàng hóa tăng có thể tác động lớn đến thương mại hơn là đến nhu cầu tiêu dùng. Cùng với hoạt động sản xuất đình trệ và nhu cầu bên ngoài suy yếu, nhiều áp lực khác nhau cho thấy nền kinh tế Trung Quốc sẽ mất đà tăng trưởng trước cuối năm.

Các nhà phân tích của Nomura viết trong một báo cáo: “Chúng tôi vẫn thấy những rủi ro nghiêm trọng về mức sụt giảm gấp 3 lần của nền kinh tế Trung Quốc”.

Như Reuters dẫn trường hợp anh Tan Jiapeng – một nhân viên văn phòng 35 tuổi ở Bắc Kinh, cho hay món đồ duy nhất anh mua trong dịp “11 kép” là áo khoác mùa đông, là món đồ không thể thiếu trong mùa đông ở Trung Quốc. Lo lắng về khả năng ổn định của công việc khiến anh ngừng mua những thứ anh muốn: trò chơi di động, sản phẩm chăm sóc da, và rượu Mao Đài (Maotai). Anh cho hay: “Chúng tôi đều biết bây giờ tìm việc làm khó khăn như thế nào, ngay cả với những người trẻ có mức lương thấp. Nền kinh tế đang xuống dốc nên tôi không thể tiêu tiền thoải mái như trước”.