Có nhận định chính sách ngoại giao “sói chiến” và những đánh giá sai lầm nghiêm trọng tình hình quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không ngừng xảy ra dưới thời ông Tập Cận Bình, đặc biệt vấn đề khủng hoảng eo biển Đài Loan trước thềm nghị sự Bắc Đới Hà, có thể sẽ khiến ông Tập trở thành vị “hoàng đế cuối cùng” của ĐCSTQ.

shutterstock 1184492341
Ông Tập Cận Bình tại Vladivostok, Nga năm 2018. (Nguồn: Alexander Khitrov/ Shutterstock)

Sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, quân đội ĐCSTQ đã rầm rộ tập trận bắn đạn thật quy mô lớn răn đe, đồng thời họ cũng thay đổi trong chính sách đối với Đài Loan, gây ra một cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan mới, làm trầm trọng thêm căng thẳng xuyên eo biển, cùng đó là quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục chạm đáy. Giới quan sát cho rằng chính sách ngoại giao “sói chiến” của ĐCSTQ và việc đánh giá sai lầm nghiêm trọng của họ đối với tình hình quốc tế đã đẩy chế độ của ông Tập Cận Bình vào tình thế khó khăn, bất ổn, cũng khiến khả năng duy trì quyền lực của ông tại Đại hội 20 trở nên khó đoán.

Việc quân đội ĐCSTQ tiếp tục tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Đài Loan không chỉ gây phản đối mạnh từ phía Nhật Bản, mà Mỹ và các thành viên khác của G7 cũng đồng loạt lên tiếng, đề nghị nhà cầm quyền Trung Quốc kiềm chế, tránh để hoạt động quân sự này gây nguy hại cho hòa bình và ổn định của khu vực, làm leo thang căng thẳng.

Trước đó, chính quyền Bắc Kinh đã phát động một cuộc tấn công dư luận dữ dội nhằm vào chuyến công du của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ông Hồ Tích Tiến, cựu tổng biên tập và nhà bình luận của Thời báo Hoàn cầu thuộc nhà nước Trung Quốc đã đề xuất cử máy bay quân sự “bay kèm” máy bay của bà Pelosi, thậm chí còn “hiến kế” bắn rơi máy bay của bà Pelosi và đánh chìm tàu ​​sân bay Mỹ. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên thì nói rằng nếu bà Pelosi thăm Đài Loan, quân đội ĐCSTQ sẽ “không ngồi yên khoanh tay đứng nhìn”.

Nhà văn mạng internet Lô Địch (Lu Di) cho biết trong bài của cô bàn về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, những người như ông Hồ Tích Tiến và Triệu Lập Kiên là “xã hội đen cấp cao nhân danh người của nhà cầm quyền để làm hại nhà cầm quyền”, vì “dù Tập Cận Bình ngu ngốc đến đâu cũng có lẽ không ngờ nghệch đến thế, khi đang ở thời điểm quan trọng để tìm kiếm quyền lực nhiệm kỳ 3 thì làm sao ông ta có thể phát động chiến tranh? Lời giải thích hợp lý duy nhất là những người này là “thế lực chống Tập” cố tình bê ông Tập lên bếp để nướng rồi thích thú ngồi xem”.

Một nhà văn mạng khác là Hạng Đông Lương (Xiang Dongliang) gần đây đã đăng một bài blog chỉ trích chính sách ngoại giao “sói chiến” của ĐCSTQ rằng, “Về cơ bản, nhiệm vụ ngoại giao là ngăn chiến tranh, bất cứ nước nào cũng không có lý do gì để lập bộ ngoại giao kích động chiến tranh, việc nghênh chiến khi bất khả kháng là vấn đề của Bộ Quốc phòng”.

Khủng hoảng eo biển Đài Loan có thể liên quan đến thế cuộc tại Bắc Đới Hà

Mặt khác, kể từ ngày 1/8 cả 7 Ủy viên Ban Thường vụ ĐCSTQ đã “ẩn thân” hơn 10 ngày, nổi lên những đồn đoàn xung quanh Hội nghị Bắc Đới Hà. Dự kiến Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay sẽ quyết định bố trí nhân sự cấp cao của Đại hội 20 ĐCSTQ, đồng thời cũng sẽ tập trung vào các vấn đề như tình hình eo biển Đài Loan và quan hệ Mỹ – Trung. Dĩ nhiên vấn đề liệu ông Tập Cận Bình có thể tại nhiệm ở Đại hội 20 không vẫn là tâm điểm chú ý xoay quanh những sự kiện đó.

Đài VOA Mỹ dẫn lời nhà bất đồng chính kiến ​​người Trung Quốc ở Mỹ là Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) cho biết trong một cuộc phỏng vấn, rằng việc ông Tập Cận Bình nhiều lần đánh giá sai tình hình đã làm cho giới dư luận viên lớn và nhỏ của ĐCSTQ suy sụp tinh thần, cho thấy xu hướng sụp đổ của thể chế đương nhiệm. Còn cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan này gặp ngay thời điểm Hội nghị Bắc Đới Hà, rất bất lợi cho khả năng tại nhiệm “phá thông lệ 2 nhiệm kỳ” của ông Tập Cận Bình.

Ông Ngụy Kinh Sinh nói: “Đây là cơ hội tốt cho phe chống lại Tập Cận Bình. Tôi đoán họ sẽ bắt đầu tấn công tại cuộc họp ở Bắc Đới Hà. Sau đó uy thế của Tập Cận Bình có thể bị suy yếu rất nhiều khi vào Đại hội 20, khiến hy vọng duy trì quyền lực bị giảm đi đáng kể. Do liên tục có những đánh giá sai lầm nên khả năng ông ấy tái nhiệm tại Đại hội 20 đã không còn cao”.

Học giả Phùng Tôn Nghĩa (Feng Chongyi) chuyên về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney ở Úc, nói rằng màn trình diễn của quân đội ĐCSTQ tại eo biển Đài Loan không hơn gì màn diễn “đầu voi đuôi chuột”, nhưng nổi rõ tham vọng trong việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Tuy nhiên, việc ngăn chặn các kênh điều hướng thương mại quốc tế, cũng như muốn thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, là vấn đề hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với các nước như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Úc… bất kể xét về lợi ích kinh tế hay trật tự quốc tế.

Ông nói, “Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Úc đều chỉ rõ vấn đề căng thẳng trong quan hệ eo biển Đài Loan là vì trạng thái ‘tuốt kiếm gương cung’ của ĐCSTQ. Họ đều tin rằng việc duy trì hiện trạng là nhu cầu cơ bản của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên ĐCSTQ hiện đang công khai lên tiếng về động thái thống nhất Đài Loan bằng vũ lực, đây là một cú sốc lớn đối với họ, việc chiếm Đài Loan bằng vũ lực là điều cộng đồng quốc tế không thể chấp nhận”.

Đài VOA Mỹ dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng hiện tại ông Tập Cận Bình đang thúc đẩy “2 vụ đánh cược” lớn: Kiên trì chính sách ‘Zero-COVID’ trong nước, và vấn đề leo thang tại eo biển Đài Loan.

Nhà bất đồng chính kiến Ngụy Kinh Sinh chỉ ra năng lực văn hóa của ông Tập Cận Bình hạn chế, đã trọng dụng đội ngũ ngoại giao không đủ tốt, khiến tình hình ĐCSTQ còn tệ hại hơn dưới thời người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, qua đó ông cũng dự đoán rằng ông Tập có thể là “hoàng đế” cuối cùng của ĐCSTQ.