Khi Trung Quốc triệu tập sự kiện quan trọng nhất trong lịch trình chính trị của họ, Đại hội Nhân dân Toàn quốc hàng năm vào ngày 5/3, Bắc Kinh dự kiến sẽ thông qua kế hoạch dài hạn 15 năm. Đến điểm cuối của lộ trình, vào năm 2035, Trung Quốc đề ra mục tiêu thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Embed from Getty Images

NPC – Quốc hội Trung Quốc – cũng sẽ hành động nhằm dập tắt mọi ý kiến chỉ trích Đảng Cộng sản, xem xét những thay đổi bầu cử quan trọng ở Hồng Kông để bảo đảm rằng vùng lãnh thổ này nằm dưới sự kiểm soát vững chắc của “những người Trung Quốc yêu nước.”

Phiên họp kéo dài hai tuần của NPC và Hội nghị Hiệp thương chính trị Nhân dân Trung Quốc diễn ra sau lễ nhậm chức của ông Joe Biden gần một tháng. Với việc chính quyền mới của Mỹ hướng tới việc liên kết lại các đồng minh và đối tác để hình thành mặt trận thống nhất nhằm đương đầu với “cuộc cạnh tranh chiến lược” với Trung Quốc, NPC sẽ giám sát chặt chẽ để dự báo cho các chính sách của Bắc Kinh cho 5 năm tiếp và xa hơn nữa.

Hôm thứ Sáu, Bộ chính trị ĐCS đã thảo luận chi tiết về kế hoạch 5 năm tới của Trung Quốc, kéo dài tới năm 2025, cũng như những mục tiêu dài hạn tới năm 2035 và báo cáo công việc chính phủ hàng năm sẽ được trình bày tại Đại hội.

Một trong số các mục tiêu của kế hoạch 5 năm mới là mở rộng tầng lớp trung lưu (hiện đã lên tới 400 triệu người), và trở thành đất nước có thu nhập cao.

Nền kinh tế cũng sẽ được định hướng giảm thiểu vào nhu cầu bên ngoài và sẽ được hỗ trợ bởi tiêu dùng nội địa.

Trung Quốc cũng muốn cải thiện năng lực công nghệ để xây dựng các chuỗi cung ứng nhằm đối phó với với những lệnh trừng phạt từ bên ngoài, nhất là khi Mỹ đang tiếp tục đẩy mạnh cuộc cạnh tranh kinh tế và công nghệ.

Nhưng mối quan tâm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không chỉ dừng lại ở tăng trưởng kinh tế. Nhiều suy đoán cho rằng Quốc hội có thể thông qua những cải cách bầu cử có ảnh hưởng sâu rộng để thắt chặt kiểm soát tình hình Hồng Kông.

Tại Đại hội đảng năm ngoái, Trung Quốc đã hoàn tất quyết định áp đặt Luật An ninh Quốc gia có ảnh hưởng sâu rộng tại Hồng Kông, cũng như việc xử lý hình sự đối với các hành vi ly khai, lật đổ và phản quốc. Nó được cho là sẽ nhằm vào các cuộc bầu cử ở Hồng Kông thời gian này để dập tắt hoàn toàn việc chỉ trích Đảng Cộng sản.

Các chi tiết có thể được quyết định sau tại cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, nhưng mục tiêu trọng tâm là bảo đảm tất cả các quan chức chính phủ và các ứng cử viên ở Hồng Kông đều trung thành với chính quyền trung ương tại Bắc Kinh.

Các chuyên gia về Đại lục nói rằng những thay đổi có thể tác động tới tất cả các cuộc bỏ phiếu ở Hồng Kông, gồm cả cuộc bầu cử cơ quan lập pháp trong tháng 9 và bầu Đặc khu trưởng trong năm 2022.

Trung Quốc cũng có thể đưa ra những điều kiện nghiêm ngặt hơn về định nghĩa thế nào là một “người yêu nước”. Xia Baolong, người đứng đầu Văn phòng Công tác Hồng Kông và Ma Cao của Trung Quốc, cho rằng tất cả các nhân tố chống đối Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể được coi là “không yêu nước”. Những sự kiện như tưởng niệm cuộc đàn áp quảng trường Thiên An Môn năm 1989 có thể trở thành bất hợp pháp. 

Theo ông Bruce Lui, giảng viên cao cấp tại Khoa Báo chí Đại học Baptist Hồng Kông, “Những người yêu nước” cai trị Hồng Kông và những thay đổi trong hệ thống bầu cử “sẽ triệt tiêu không gian” tham gia vào chính trị của phe ủng hộ dân chủ.

“Tác động là rất rộng lớn,” ông nói thêm rằng các nhân viên y tế, giáo dục, nhân viên làm tại sân bay, và nhiều người khác có thể mất tư cách nghề nghiệp nếu bị cho là không yêu nước. 

Trung Quốc là nền kinh tế lớn mới nổi duy nhất tăng trưởng trong năm 2020, đã kiểm soát được dịch COVID-19 trên quy mô lớn trước nước Mỹ và nhiều nước khác. Tổng sản phẩm quốc nội thực tế của Trung Quốc dự kiến lên đến khoảng 8% năm 2021.

Hồi tháng 11, ông Tập đã nói Trung Quốc “Hoàn toàn có khả năng” tăng gấp đôi GDP hoặc thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035.

Với việc hồi phục nhanh chóng từ đại dịch, Trung Quốc đang kỳ vọng có thể thế chỗ của Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng một thập kỷ, phụ thuộc vào Mỹ hành động thế nào và tỷ giá biến động đến đâu.

Ngân Hà (theo Nikkei)

Xem thêm: