Công ty Quản lý đầu tư Ngân hàng Na Uy (Norges Bank Investment Management) cho biết hôm thứ Năm (7/9) rằng, Quỹ tài sản có chủ quyền của Na Uy do họ quản lý sẽ đóng cửa văn phòng duy nhất tại Trung Quốc. Quỹ này là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, có tài sản 1,4 nghìn tỷ USD.

shutterstock 759889159
Quận Lục Gia Chủy, thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 22/03/2016 (Ảnh: Amehime / Shutterstock)

Trong bối cảnh các quy định thắt chặt ở Trung Quốc và mối quan hệ chính trị giữa Bắc Kinh và phương Tây không ngừng xấu đi khiến nhiều tập đoàn tài chính hàng đầu đang xem xét lại hoạt động của họ tại Trung Quốc. Trước đó vào tháng 4 năm nay, quỹ hưu trí lớn thứ ba ở Canada là Quỹ Giáo viên Ontario cũng đã giải tán nhóm đầu tư cổ phần Trung Quốc của họ.

Tuy nhiên, Công ty Quản lý đầu tư Ngân hàng Na Uy cho biết hôm thứ Năm rằng việc đóng cửa văn phòng Thượng Hải là “quyết định mang tính hoạt động”. Phó Giám đốc điều hành Trond Grande nói với Reuters: “Các khoản đầu tư của chúng tôi không thay đổi. Chúng tôi sử dụng sự kết hợp giữa chuyên môn nội bộ và các nhà quản lý bên ngoài để đầu tư vào Trung Quốc, chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy”.

Tính cho đến cuối năm ngoái thì Quỹ này đã đầu tư khoảng 42 tỷ USD vào Trung Quốc, bao gồm cổ phần của ‘gã khổng lồ’ Tencent Holdings và Alibaba Group Holding. Đầu tư tại Trung Quốc chiếm khoảng 3,6% tổng vốn đầu tư toàn cầu của quỹ này.

Một nhân chứng nói với Reuters rằng công ty này đã mở văn phòng ở Thượng Hải vào năm 2007 với 8 nhân viên. Ông Grande cho biết quỹ sẽ bảo đảm với những người bị ảnh hưởng là việc đóng cửa “có trật tự” và “phù hợp với các yêu cầu và thủ tục của địa phương”.

Vào tháng 8, sau khi quỹ này công bố kết quả nửa năm, ông Grande nói với Reuters rằng: lo ngại lớn nhất về địa chính trị là “cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai siêu cường, dẫn đến sự tách rời (của nền kinh tế thế giới)”.

Tháng 3 năm nay, sau khi nhận được lời khuyên từ cơ quan tình báo Na Uy về vấn đề an ninh, Ngân hàng Norges (Norges Bank Investment Management) nơi quỹ này trực thuộc đã cấm nhân viên sử dụng phần mềm truyền thông xã hội TikTok có công ty mẹ là ByteDance trụ sở tại Bắc Kinh – Trung Quốc.

Ông Grande cho biết một lý do hoạt động khác thúc đẩy động thái hôm thứ Năm là văn phòng tại Singapore của họ “đã chứng minh rằng họ có thể là trung tâm của toàn bộ khu vực, bao gồm cả Trung Quốc”.

Mặc dù dân số Na Uy chỉ dưới 6 triệu người nhưng nguồn thu khổng lồ từ dầu mỏ đã giúp nước này tạo ra một trong những quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới. Quỹ này đã ngừng đầu tư vào tài sản của Nga sau khi Ukraine bị Nga xâm lược vào năm ngoái.

Rủi ro địa chính trị

Động thái của quỹ chủ quyền Na Uy cũng cho thấy xu hướng thay đổi của các nhà đầu tư quốc tế khác. Các ngân hàng bao gồm Goldman Sachs Group Inc. và Morgan Stanley đã thu hẹp lại các kế hoạch mở rộng đầy tham vọng ở Trung Quốc khi tình hình địa chính trị trở nên tồi tệ hơn. Gần đây Goldman Sachs đã sửa đổi dự báo kế hoạch 5 năm của họ và sa thải hơn 1/10 số nhân viên Đại Lục. Có thời điểm, ngân hàng này đã tăng gấp đôi số nhân viên ở Trung Quốc lên hơn 600 người.

Bloomberg dẫn nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết, Kế hoạch Hưu trí Giáo viên Ontario (Ontario Teachers’ Pension Plan) của Canada đã công bố vào đầu năm nay rằng, họ sẽ đình chỉ nhóm đầu tư cổ phần châu Á tại Hồng Kông và sa thải 5 người. Trong khi đó Moody’s Corp đã đóng cửa hoạt động của đơn vị quản lý rủi ro tại Trung Quốc, cắt giảm khoảng 100 việc làm. Những người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ vào tháng 11 rằng, sau khi thảo luận về hiệu quả hoạt động và lợi nhuận thì Moody’s Corp đã đóng cửa văn phòng tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến.

Trong bối cảnh các tập đoàn lớn của nước ngoài lần lượt rút lui thì sự đàn áp của nhà cầm quyền Trung Quốc đối với các công ty nước ngoài vẫn ngày càng gia tăng. Nhiều hãng truyền thông mới đây đưa tin rằng Trung Quốc đã mở rộng lệnh cấm sử dụng iPhone do Apple Inc. sản xuất, theo đó lệnh cấm bao gồm cả các tổ chức và các doanh nghiệp nhà nước được chính phủ hậu thuẫn.

Động thái của nhà cầm quyền Trung Quốc khiến cổ phiếu của Apple lao dốc vào sáng thứ Năm, chỉ trong 2 ngày bốc hơi 212 tỷ USD giá trị thị trường. Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc – Hạ viện Mỹ cho rằng, lệnh cấm của Trung Quốc không có gì đáng ngạc nhiên, nhằm mục đích hạn chế thị trường của Apple.