Tập Cận Bình đi “bái Phật” trong thời khắc nhạy cảm và nói “để lịch sử lên tiếng”
- Tuyết Mai
- •
Sau Hội nghị Bắc Đới Hà, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã đi thực tế tại tỉnh Cam Túc và xuất hiện trong chuyến thị sát hang Mạc Cao, cũng thường được người Trung Quốc gọi là “hang Ngàn Phật”. Khi phát biểu, ông đã nhấn mạnh cần gìn giữ bảo quản tốt văn vật và “hãy để lịch sử lên tiếng”. Trong tình cảnh ông Tập gặp nhiều khốn khó vì phong trào biểu tình phản đối Dự luật dẫn độ tại Hồng Kông và cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, động thái “bái Phật” hiếm hoi này gợi nên nhiều suy đoán.
Theo truyền thông của ĐCSTQ đưa tin, ngày 19/8 Tập Cận Bình đã xuất hiện ở Cam Túc, và đi đến Hang động Mạc Cao, một đơn vị bảo vệ văn vật trọng điểm của Trung Quốc mà thường được người dân gọi là “hang Ngàn Phật” để kiểm tra việc bảo vệ và nghiên cứu văn vật.
Hang động Mạc Cao nằm ở chân phía đông núi Minh Sa, cách thành phố Đôn Hoàng 25 km về phía đông nam, được xây dựng vào thời kỳ tiên Tần là giai đoạn loạn lạc tranh giành của 16 nước (thời Thập lục quốc). Các tác phẩm điêu khắc đầy màu sắc trong hang động phản ánh văn hóa Phật giáo, phong tục dân gian và những thay đổi lịch sử Trung Quốc trong hơn 1.000 năm qua. Hang động Mạc Cao được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1987.
Khi phát biểu, ông Tập nhấn mạnh cần phải bảo vệ và quản lý tốt văn vật vì đó là kết tinh văn hóa truyền thống dân tộc Trung Hoa, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và sử dụng để cho lịch sử cất lên tiếng nói, để văn vật cất tiếng nói. Kể từ ngày 31/7 đi “ẩn thân” tại Bắc Đới Hà, đây là lần đầu ông Tập Cận Bình xuất hiện trước công chúng.
Phong trào biểu tình của người Hồng Kông phản đối Dự luật dẫn độ kéo dài trong hơn hai tháng qua đã thu hút tới 5 triệu người tham gia, và hiện vẫn đang leo thang bất chấp sự đe dọa của ĐCSTQ. Gần đây, chính quyền ĐCSTQ đã tập trung quân đội hùng hậu tại Thâm Quyến để tập trận chống bạo động, bối cảnh khiến cộng đồng quốc tế đặt dấu hỏi không biết ông Tập muốn hóa giải tình hình Hồng Kông như thế nào.
Có phân tích rằng, trong vấn đề giải quyết tình hình Hồng Kông, việc Bắc Kinh cho quân đội đàn áp, hay giải quyết bằng hòa giải? Từ đó sẽ dẫn đến hậu quả ra sao? Những vấn đề này ông Tập Cận Bình hiểu rõ, công lao hay tội ác đều được lịch sử ghi lại. Do đó, trong thời điểm nhạy cảm này, việc Tập Cận Bình nhấn mạnh “để lịch sử lên tiếng nói” hàm chứa nhiều ẩn ý.
Có quan điểm cho rằng, biểu tình của người Hồng Kông phản đối Dự luật dẫn độ không ngừng leo thang cũng làm mâu thuẫn tích tụ kéo dài giữa các phe phái trong ĐCSTQ trở nên gay gắt hơn. Các bên đều tận dụng thời cơ này để bày thế trận, xung đột gay gắt giữa giới nguyên lão ĐCSTQ và các quan chức cấp cao đương nhiệm hiện nay đã chuyển từ Bắc Đới Hà tới Trung Nam Hải.
Truyền thông Hồng Kông tiết lộ rằng tại Hội nghị Bắc Đới Hà, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Hồ Cẩm Đào đại diện cho giới nguyên lão cảnh báo các quan chức cấp cao hiện nay rằng không được đóng vai kẻ ác trong tình hình Hồng Kông hiện nay. Cựu Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cũng lên tiếng nhắc nhở các quan chức cấp cao hiện nay: “Những gì cần nói chúng tôi đều đã nói, hãy theo đó để xử lý.”
Gần đây Tổng thống Mỹ Trump và nhiều nghị sĩ Quốc hội uy quyền của Mỹ đã đồng loạt lên tiếng vì vấn đề người Hồng Kông phản đối Dự luật dẫn độ, cảnh báo ĐCSTQ không sử dụng vũ lực đối với Hồng Kông.
Nguồn tin mới chỉ ra, sau khi Tập Cận Bình rời Bắc Đới Hà về Bắc Kinh đã ngay lập tức cử một nhóm đặc biệt cấp tốc tới Hồng Kông để truyền đạt mệnh lệnh rằng giai đoạn này sẽ không cho phép quân đội can thiệp vào Hồng Kông, toàn Trung Nam Hải đã đạt đồng thuận tạm thời “án binh bất động”.
Gần đây tờ Vision Times tại Mỹ đã phỏng vấn phóng viên kỳ cựu Dương Quang, người có nhiều năm trải nghiệm trong giới chính trị Hồng Kông. Ông đã nhận định rằng quân sư của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân (cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng) từ lâu đã xây dựng được thế lực tại Hồng Kông. Những vụ việc cảnh sát đen và xã hội đen tấn công những người biểu tình ở Hồng Kông chính là băng đảng phái Giang Trạch Dân gây ra. Mục đích lớn nhất của họ là buộc ông Tập Cận Bình cho quân đội vào cuộc, nhưng hiện không thành công.
Về vấn đề ông Tập Cận Bình cho quân đội can thiệp Hồng Kông mang lại lợi ích gì đối với phái Giang, có phân tích chỉ ra rằng phái Giang muốn làm lớn chuyện, hy vọng “Hồng Kông càng hỗn loạn càng tốt”. Nếu ông Tập Cận Bình cho quân đội đàn áp thì vấn đề sẽ được “quốc tế hóa” và Tập Cận Bình sẽ phải chịu sức ép của một “sự kiện Thiên An Môn thứ hai”, điều này không khác gì “tự sát chính trị”.
Thông tin cũng đề cập rằng việc ông Tập Cận Bình trì hoãn không đưa quân đội vào Hồng Kông khiến phái Giang đang rất tức tối. Bộ Ngoại giao ĐCSTQ (thuộc phái Giang) tung ra tội danh “chủ nghĩa khủng bố” cũng nhằm muốn đạt được mục tiêu đàn áp Hồng Kông, từ từ tiến đến cục diện khiến ông Tập Cận Bình thất thế.
Ông Dương Quang còn cho biết: “Tôi hy vọng Tập Cận Bình sẽ lựa chọn đúng về vấn đề Hồng Kông, hiểu rõ mưu đồ thâm hiểm của phái Giang.”
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình biểu tình ở Hồng Kông Dòng sự kiện phản đối luật dẫn độ