Hội nghị bí mật Bắc Đới Hà của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) năm nay đang diễn ra trong bối cảnh mà Tập Cận Bình phải đối mặt với tình trạng nan giải chưa từng thấy. Phải chăng thực trạng đang dần khẳng định về những dự đoán từ khi Tập Cận Bình mới nhậm chức cho rằng họ Tập sẽ trở thành vị “vua” cuối cùng của triều đại Đỏ? 

Tại Bắc Đới Hà thuộc Trung Quốc Đại lục được cho là đang tổ chức hội nghị bí mật dành cho giới chức cấp cao của ĐCSTQ để thảo luận về tình hình thù trong giặc ngoài mà Đảng đang phải đối mặt. Bối cảnh kinh tế và chính trị của Trung Quốc hiện nay, từ kế hoạch của toàn Đảng cho thấy sự sụp đổ của hệ tư tưởng trong Đảng, cho đến tác động của cuộc chiến tranh thương mại và phong trào biểu tình chống dự luật dẫn độ tại Hồng Kông là cú đánh mạnh vào chế độ toàn trị của ĐCSTQ; ngoài ra còn tình trạng dồn nén trong các vấn đề dân sinh, nhân quyền, dân oan bất cứ lúc nào cũng có thể phun trào như ngọn núi lửa, tất cả đều cho thấy Đảng đang ở trong một cuộc khủng hoảng. Trong vai trò là lãnh đạo Đảng đương nhiệm, Tập Cận Bình phải đối mặt với tình trạng nan giải chưa từng gặp. Nhớ lại cách đây khoảng 7 năm từng xuất hiện một số dự đoán cho rằng Tập Cận Bình sẽ trở thành vị “vua” cuối cùng của triều đại đỏ ĐCSTQ.

Tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 được tổ chức tại Bắc Kinh từ ngày 8 – 14/11/2012, Tập Cận Bình chính thức trở thành lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ. Cùng năm đó, trong một bài viết công bố ngày 06/11 đăng trên hãng thông tấn Deutsche (DPA) của Đức tựa đề “Tập Cận Bình sẽ trở thành vua cuối cùng của ĐCSTQ” có đoạn: “Khi ĐCSTQ triệu tập một Đại hội Đảng chủ chốt và tiến hành chuyển giao quyền lực cứ sau 10 năm, vấn đề lớn nhất mà hệ thống quyền lực này phải đối mặt là liệu có thể giữ được quyền lực trong 10 năm nữa không.”

Bài viết nhấn mạnh, nhân dịp triệu tập Đại hội 18, kế hoạch được kỳ vọng rộng rãi của tầng lớp trung lưu đang ngày càng phát triển tại đất nước này là, ĐCSTQ với khởi đầu quyền lực từ năm 1949 sẽ kết thúc trong nhiệm kỳ mười năm của Tập Cận Bình. Mười năm, nghĩa là đến năm 2022, hoặc sớm hơn.

Bài viết cho rằng ĐCSTQ sẽ tận dụng hội nghị được bố trí đặc biệt chu toàn này để thuyết phục 1,3 tỷ người Trung Quốc rằng, trong thập kỷ tới họ hoàn toàn có thể mang lại tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội đi cùng kiểm soát tham nhũng và tình trạng bè phái nâng đỡ nhau.

Truyền thông Đức cũng dẫn dự đoán của giáo sư Hạ Vệ Phương (He Weifang) tại Đại học Bắc Kinh cho rằng chỉ còn thời gian 10 năm, ĐCSTQ phải lấy lại hình ảnh mà đã bị vụ bê bối của Bạc Hy Lai (Bo Xilai) phá hỏng, đồng thời phải đối mặt với thực trạng mất lòng tin của hầu hết công chúng. Bởi vì nhiều người đã không còn niềm tin vào ĐCSTQ nữa.

Trên thực tế, phế bỏ được Bạc Hy Lai thì lại có Hồ Hy Lai, Tập Hy Lai, Đảng này đã tạo ra những con người như vậy, chẳng qua không bộc lộ ra mặt dưới áp lực cao mà thôi, vì vậy thỉnh thoảng Tập Cận Bình phải phòng ngừa “kẻ hai mặt”. Trung Quốc ngày nay dưới sự cai trị của Tập Cận Bình, dù mở chiến dịch chống tham nhũng nhưng tham nhũng vẫn không ngừng xuất hiện, biểu hiện ngày càng đa dạng, càng khó phát hiện hơn.

Đương thời khi đó, truyền thông Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đã dẫn ra những thách thức kinh tế mà Tập Cận Bình phải đối mặt: “Nhiệm vụ quan trọng là phải thành công trong giảm khoảng cách giàu nghèo, cân đối giữa hiệu quả của phát triển và tình trạng bất bình đẳng là một nhiệm vụ quan trọng.” Nhưng công tác xóa đói giảm nghèo của Bắc Kinh trong những năm qua bị nhiều cáo buộc là gian lận và là ổ chứa tham nhũng, mục tiêu xóa đói giảm nghèo năm 2020 (xóa tuyệt đối) còn xa mới thành công.

Thời điểm đó, tờ Caixin của nhà nước Trung Quốc có sức ảnh hưởng đã cho biết, Trung Quốc đã đi đến “cửa ải kinh tế và xã hội quan trọng.” Tạp chí này đề nghị thực hiện 18 cải cách, trong đó bao gồm những vấn đề nhạy cảm như phá bỏ tình trạng lũng đoạn của các tập đoàn nhà nước trong những lĩnh vực chủ chốt, để cho doanh nghiệp tự do niêm yết trên thị trường mà không cần phải nhà nước phê chuẩn, hạn chế đầu tư của chính quyền địa phương, và phát triển tư pháp độc lập.

Hiện nay tư pháp độc lập là từ cấm kỵ, với ĐCSTQ thì Đảng lớn hơn Pháp luật, do đó luật sư Trung Quốc bị mất cảm giác về sứ mệnh, giới luật sư đấu tranh nhân quyền bị đàn áp trên diện rộng. Còn xu hướng kinh tế của Trung Quốc là lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo (dân gian thường gọi là “nước tiến dân lùi” để chỉ tình trạng bất bình đẳng giữa quốc doanh và tư doanh), những năm gần đây thường xuyên khiến giới tư doanh lo ngại.

Theo một nhận định của nhà bình luận chính trị Trung Quốc Trương Lập Phàm (Zhang Lifan), ông cho rằng Tập Cận Bình phải cân bằng nhu cầu cạnh tranh giữa một số nhóm lợi ích: “Tôi nghĩ đây là Đại hội Đảng căng nhất kể từ năm 1989 đến nay”.

Năm 1989 nội bộ lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ đã xung đột mạnh trong cách đối phó với phong trào biểu tình đòi dân chủ đang lan rộng, cuối cùng Đảng đã cho quân đội đến “làm sạch” quảng trường Thiên An Môn.

Sau Đại hội lần thứ 18 của ĐCSTQ, Tập Cận Bình đã mở chiến dịch chống tham nhũng, thanh trừng hàng loạt kẻ thù chính trị, bao gồm cả những quan to trung ương như Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch cùng cả hai Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương là Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, họ đều bị quy kết là “kẻ dã tâm” (muốn trở thành lãnh đạo cao nhất thay Tập Cận Bình).

Nhưng dù Tập Cận Bình thao túng toàn bộ quyền lực lại không thể tiếp tục xử lý bắt Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, đây là lựa chọn thỏa hiệp và trao đổi lợi ích, vì vậy 5 năm sau đến Đại hội 19 ĐCSTQ Tập Cận Bình đã kiểm soát quân đội, đã không còn phải lo lắng, nhưng đó lại là một Đại hội Đảng tràn ngập bầu không khí thỏa hiệp và đổi chác lợi ích.

Bài viết trên hãng thông tấn Deutsche năm 2012 chỉ ra, lãnh đạo thoái vị khi đó là Hồ Cẩm Đào dự kiến trong bài phát biểu quan trọng ​​sẽ lại kêu gọi cải cách chính trị, sau khi Tập Cận Bình tiếp quản quyền lực từ Hồ Cẩm Đào sẽ nhắc lại và phổ biến rộng rãi lời kêu gọi này.

Nhưng chuyên gia Chính phủ học Đại học Bắc Kinh, ông Trương Lập Phàm chia sẻ với Deutsche, “Chúng tôi không thấy bất kỳ lời kêu gọi (cải cách chính trị) nào có lợi cho người dân.”

Giai đoạn đó, quan điểm phổ biến cho rằng thập kỷ dưới thời Hồ Cẩm Đào là “bảo thủ chính trị và thậm chí là đi thụt lùi”. Deutsche cũng dẫn quan điểm của nhà khoa học chính trị Ngô Cường tại Đại học Thanh Hoa, “Xã hội đang đi vào ngõ cụt. Đang có sóng ngầm khả năng hỗn loạn trên quy mô lớn.” Trong thập kỷ quyền lực Hồ Cầm Đào việc chính sự luôn bị cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân thao túng can thiệp.

Bài viết cho biết, không mấy ai hy vọng việc người lãnh đạo ĐCSTQ sẽ kêu gọi Trung Quốc chuyển sang chế độ dân chủ đa đảng hoặc tự do bầu cử. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc vẫn kiên định “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc” do một Đảng độc quyền lãnh đạo.

Như vậy là, giang sơn khó đổi, tà tính của Đảng sẽ không đổi, vì vậy tôi thường cười nhạo những người hy vọng sẽ hòa giải với ĐCSTQ là chủ trương cải lương. Bởi vì độc tài chuyên chế là không tương thích hệ giá trị phổ quát, khác nhau như lửa với nước. Câu này có thể dành cho các nhà lãnh đạo đầy triển vọng tại các nước trên toàn thế giới tham khảo.

Nhìn lại lời dự đoán của Deutsche: Tập Cận Bình là “vị vua cuối cùng”. Ở đây có hai khả năng trái ngược: Thứ nhất, Tập Cận Bình chủ động giải thể con đường một Đảng độc tài, cơ hội này rất nhỏ; không dễ để ĐCSTQ nuôi dưỡng được một cá nhân có được tầm nhìn như vậy. Thứ hai, tình hình chuyển biến nhanh đưa ĐCSTQ về vực thẳm, như vậy hiển nhiên Tập Cận Bình trở thành thủ lĩnh cuối cùng của Đảng.

Ngày 13/3/2016, Tân Hoa Xã Trung Quốc xảy ra sự cố “lỗi đánh máy” ly kỳ trong một bản tin, theo đó cụm từ “người lãnh đạo tối cao Tập Cận Bình của ĐCSTQ” bị viết nhầm thành “người lãnh đạo cuối cùng Tập Cận Bình của ĐCSTQ”, đây có phải chuyện tiếu lâm? Tương lai sẽ minh chứng cho điềm báo này.

Chúng ta đã thấy, Tập Cận Bình được phổ biến cho rằng đã thành công trong tập trung quyền lực, nhưng lại chuyển sang thời khủng hoảng từ sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 vào tháng 10/2017. Tập Cận Bình trọng dụng lại con người tiểu nhân có tư duy cứng nhắc như Vương Hộ Ninh, kẻ luôn hy vọng dùng một Đảng chuyên chế và chủ nghĩa Mác để quản trị Trung Quốc. Xu thế đàn áp của ĐCSTQ đối với các nhóm tín ngưỡng trong nước được gia tăng, nhưng đông đảo người dân trong nước bất chấp bị tuyên truyền tẩy não bao phủ, vẫn còn những lực lượng đáng quý đủ can đảm để chống lại sự chuyên chế của chính trị tàn bạo. Ở bên ngoài, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã trở thành một tiếng chuông báo hiệu cái chết của ĐCSTQ, cộng đồng quốc tế tăng cường phòng bị và tẩy chay ý thức hệ và sự bành trướng của ĐCSTQ, đây là cuộc chiến giữa chính và tà. Làn sóng biểu tình chống dự luật dẫn độ tại thành phố tài chính quốc tế Hồng Kông, người Hồng Kông tin vào các giá trị phổ quát không sợ hãi trước bạo quyền đã trở thành một vấn đề khiến ĐCSTQ phải đau đầu.

Còn nhớ, vào tháng 6/2002, tại Bình Đường tỉnh Quý Châu người ta đã phát hiện được tảng đá báo hiệu ĐCSTQ diệt vong: bề mặt tảng đá có niên đại khoảng 270 triệu năm được thiên nhiên khắc họa 6 chữ nổi lớn “Trung Quốc Cộng sản Đảng vong”. Giới truyền thông ĐCSTQ đã đưa tin nhưng lại lược bỏ chữ “vong” cuối cùng. Thông tin này đã gây sốc được chia sẻ rộng rãi trên mạng internet và lan truyền chóng mặt trong dân chúng.

Người Trung Quốc có truyền thống tin vào điềm báo của Trời, không nghĩ rằng đây là thứ gọi là mê tín. Điều này sẽ sớm được chứng minh. Ngày nay, cùng với làn sóng toàn cầu tẩy chay ĐCSTQ đang dâng cao, không ngại đặt câu hỏi: thời khắc nào Tập Cận Bình sẽ trở thành “vua” cuối cùng của Triều đại Đỏ? Viễn cảnh theo kiểu nào? Nếu viễn cảnh diệt vong của ĐCSTQ là ý Trời, vậy thì Trời cao có cho Tập Cận Bình cơ hội cuối cùng để bảo toàn sinh mạng không?

Blog Trịnh Trung Nguyên 

Xem thêm: