Ông Tần Cương, Bộ trưởng Ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), người đã biến mất trong một tháng và bị cách chức vào ngày 25/7, nhưng vẫn giữ tư cách là Ủy viên Quốc vụ viện. Tuy nhiên, sau khi trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc xóa sạch mọi thông tin về ông, các báo cáo về hoạt động của ông lại được đăng tải trở lại vào ngày 28/7.

Tan Cuong 1
Ông Tần Cương bị cách chức, thông tin trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao về ông đã bị xóa, sau đó lại được cập nhật lại. (Ảnh chụp màn hình video)

Ngày 25/7, Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã quyết định cách chức ông Tần Cương khỏi chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm nhiệm, và bổ nhiệm ông Vương Nghị thay thế. Do đó, ông Tần Cương trở thành Bộ trưởng Ngoại giao có nhiệm kỳ ngắn nhất.

Sau đó chỉ trong một đêm, trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xóa nội dung về ông Tần Cương. Tuy nhiên, vào sáng thứ Sáu (28/7), các hoạt động trong nhiệm kỳ Bộ trưởng Ngoại giao của ông đã được đăng lại. Bao gồm cả lần cuối cùng ông xuất hiện trước công chúng hôm 25/6, khi gặp gỡ các bộ trưởng ngoại giao của Sri Lanka, Nga, Việt Nam và các nước khác.

Trước đó, chuyên mục “Bộ trưởng Ngoại giao” trên website chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xóa thông tin về ông Tần Cương, mọi chuyên mục như “Bài phát biểu của Bộ trưởng”, “Lý lịch của Bộ trưởng”, “Hoạt động của Bộ trưởng”, “Toàn văn bài phát biểu”, “Ảnh và Video”, “Dấu chân của Bộ trưởng” đều hiển thị “đang cập nhật thông tin…”

Ngày 28/7, các hoạt động công khai của ông Tần Cương trong “Hoạt động của lãnh đạo Bộ” đã được đăng lại. Ngoài ra, “Chương trình nghị sự đối ngoại” cũng chứa một số hoạt động trước đây của ông.

Hôm 27/7, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Mao Ninh, cho biết bà phản đối “suy đoán ác ý” về việc ông Tần Cương bị sa thải, đồng thời cho biết thêm rằng trang web chính thức của Bộ Ngoại giao sẽ được cập nhật kịp thời theo các quy định quản lý có liên quan.

Sự thất thường của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khiến ngoại giới không khỏi nghi ngờ. Ông Bill Bishop, tác giả của báo điện tử “Sinocism” (Người nước ngoài nhìn Trung Quốc), phân tích trên Twitter rằng có lẽ Trung Quốc cũng ý thức được việc xóa sạch thông tin của chính bộ trưởng ngoại giao của nước mình là một chuyện rất mất mặt, cả trong và ngoài nước.

Ngày 28/7, Giáo sư Khấu Kiện Văn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế của Đại học Chính trị Đài Loan, nói với Epoch Times rằng Bộ Ngoại giao Trung Quốc đang hành động rất chậm chạp trong thời gian này, chậm một cách vô lý.

Ông nói rằng khi việc bổ nhiệm Vương Nghị thực sự được công bố, thông tin về Bộ trưởng Ngoại giao trên trang web phải được cập nhật ngay lập tức. Bởi trong nội bộ, họ chắc chắn đã biết trước việc ông Tần Cương sắp bị sa thải, lẽ ra sau khi chính thức bổ nhiệm, họ cần giải quyết ngay, nhưng lại kéo dài một thời gian, điều này không hợp lý. Nhưng nguyên nhân vô lý đó là gì thì khó có thể suy đoán.

ĐCSTQ không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về lý do ông Tần Cương bị sa thải, chỉ nói rằng ông ấy có “vấn đề về sức khỏe” khi bắt đầu mất tích. Dựa vào việc ông Tần vẫn giữ tư cách Ủy viên Quốc vụ viện, một số nhà phân tích cũng đồng tình rằng sức khỏe của ông có vấn đề.

Giáo sư Dương Đại Lợi tại Đại học Chicago, Hoa Kỳ, nói với ABC rằng lý lịch của ông Tần Cương tương đối đơn giản. Việc giữ lại vị trí Ủy viên Quốc vụ viện cho thấy đây không phải một cuộc đấu tranh chính trị vô cùng trọng đại…

Ông Cao Kiện, Chủ tịch Liên minh Phong trào Dân chủ Trung Quốc, tin rằng việc ông Tần Cương từ chức là kết quả của cuộc tranh giành quyền lực trong ĐCSTQ.

Ông nói với VOA, mặc dù ông Tập Cận Bình đang nắm quyền, nhưng khi đối mặt với cuộc tranh giành quyền lực trong đảng, ông ấy đành phải phế bỏ ông Tần Cương, người do chính ông ấy chỉ định. Điều này cũng gây thiệt hại lớn cho chính hình ảnh chính trị của ông Tập.

Nhà hoạt động dân chủ Trung Quốc Ngụy Kinh đã nói trong chương trình “Diễn đàn Tinh anh” trước ngày sinh nhật của mình rằng: “Hiện tại không chỉ đối thủ của Tần Cương là Vương Nghị muốn hạ bệ ông ta, còn có một lực lượng chống đối mạnh mẽ đứng sau Vương Nghị, mà đại diện là Tăng Khánh Hồng.  Trong đảng có thể có nhiều người đang chống lại ông Tập Cận Bình. Trước đây ai cũng không dám lên tiếng, nhưng hiện giờ có thể đã có người châm ngòi, nên mọi người mới dám lên tiếng, sắp nổ tung rồi. Trước tình hình này, Tập Cận Bình có giữ được Tần Cương hay không, cũng là một vấn đề lớn.”

Ngày 27/7, ông Akio Yaita, Giám đốc chi nhánh Đài Bắc của truyền thông Nhật Bản “Sankei Shimbun”, đã đăng trên Facebook rằng dựa trên quan sát của ông về ĐCSTQ trong nhiều năm, ông nghĩ ông Tần Cương chắc chắn đã bị cách chức vì các vấn đề chính trị, hiện đang bị điều tra. Một khi báo cáo điều tra của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương được đưa ra, khả năng cao là ông ấy sẽ bị cách chức tất cả các chức vụ trong và ngoài đảng, thậm chí bị đưa đến nhà tù Tần Thành.

Trước đó, Tần Cương đã không xuất hiện trước công chúng trong 3 tuần. Ông ấy đã đi đâu? Đây là câu hỏi mà dư luận trong và ngoài Trung Quốc nhiều lần đặt ra.

Liên quan đến câu chuyện nội bộ về việc ông Tần Cương “mất tích” trong thời gian dài, ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một luật gia ở Úc, cho rằng điều này liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực giữa ông ta và ông Vương Nghị – Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Ngoại vụ Trung ương.

Ông Viên Hồng Băng cho rằng ông Tần Cương có quan hệ tình cảm với nhân viên truyền thông Hồng Kông và có mối liên hệ trực tiếp với một số lãnh đạo quân sự cấp cao của Quân chủng Tên lửa. Mối liên hệ liên ngành này bị vạch trần sẽ gây xôn xao dư luận, và hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.

“Bởi vì ĐCSTQ có quy định rằng các quan chức cấp cao trong nội bộ không được phép liên lạc vượt quá giới hạn ngành nghề, và những người trong giới quân sự và chính trị không được phép liên lạc. Đây là một điều cấm kỵ lớn của ĐCSTQ. Vì vậy, những điều nêu trên đã bị tố cáo.”

Ông Viên Hồng Băng nói rằng ông Vương Nghị rất độc đoán và ông Tần Cương rất mạnh mẽ, nên cả hai không thể hợp tác. Ông Tần Cương được ông Tập một tay đề bạt lên, nên cần xem ông Tập liệu có muốn tự phủ định hành động đề bạt của chính mình hay không.

Nhưng vì ông Tập không tự phủ định mình, nên ông Vương Nghị đã tố cáo với ông Tập một số việc làm sai trái phạm cấm kỵ của ông Tần Cương.

Bình Minh (t/h)