Nền tảng video ngắn TikTok nổi tiếng của Trung Quốc gần đây dường như khuyến nghị những người phát sóng trực tiếp (livestream) không nói tiếng Quảng Đông. Động thái này gây ra phản ứng từ số lượng lớn người dùng liên quan.

shutterstock 1451827259
Gần đây có dấu hiệu TikTok khuyến nghị người livestream dùng tiếng Quảng Đông (Ảnh minh họa: XanderSt / Shutterstock)

Hạn chế người livestream dùng tiếng Quảng Đông

Gần đây, một người nổi tiếng trên TikTok có nick “Guangdongfengshao” (Trai đẹp Quảng Đông) với hơn 4,6 triệu người theo dõi đã phàn nàn về TikTok. Anh lên án rằng việc nói tiếng Quảng Đông trong khi livestream trên TikTok sẽ xuất hiện cảnh báo, thậm chí trong trường hợp nghiêm trọng tài khoản có thể bị khóa.

Anh nói: “Nền tảng TikTok hạn chế và thậm chí cấm người dùng nói tiếng Quảng Đông. Lý do được đưa ra là tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ khó hiểu, đây là một lý do nực cười. Tôi đã quay video này bằng tiếng Quảng Đông và cũng cho hiển thị phụ đề tự động, vậy mà nền tảng lại cảnh báo như thế. Trung Quốc có hơn 100 triệu người nói tiếng Quảng Đông, nhiều hơn dân số của nhiều quốc gia trên thế giới, số cộng đồng mạng dùng tiếng Quảng Đông mang lại giá trị GDP cao nhất cho Trung Quốc. Họ cũng là nhóm số 1 Trung Quốc về tiêu dùng mua sắm trực tuyến. Vậy làm sao một nền tảng lớn như TikTok lại có thể cho rằng tiếng Quảng Đông là ngôn ngữ khó hiểu?” 

Mặc dù video này của kênh “Guangdongfengshao” từng có tiếng vang lớn với nhiều hưởng ứng tán thưởng từ giới livestream trên TikTok, nhưng hiện nay nó đã bị TikTok chặn không thể phát.

p3225281a950024087
Video tuyên bố của “Guangdongfengshao” về TikTok đã bị chặn (Nguồn: Ảnh chụp màn hình)

TikTok xác nhận “có khuyến nghị”

Nhiều chủ kênh livestream dùng tiếng Quảng Đông đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của kênh “Guangdongfengshao”.

Một chủ kênh nói: “Khi những người từ các tỉnh khác đến Quảng Đông thì các bậc cha chú chúng tôi vẫn sử dụng tiếng phổ thông giao tiếp với họ, tại sao khi chúng tôi sử dụng tiếng Quảng Đông trên TikTok lại bị phân biệt đối xử? Người Quảng Đông có thể không có TikTok chứ không thể bỏ tiếng Quảng Đông. Hãy ủng hộ tiếng Quảng Đông!”.

Một chủ kênh livestream khác nói bằng tiếng Quảng Đông rằng: “Mọi người đã nói tiếng Quảng Đông hàng ngàn năm nay, vậy tại sao bây giờ lại cho rằng nói tiếng Quảng Đông không văn minh? Người Quảng Đông hiện cũng đã phổ cập tiếng phổ thông, vậy tại sao các bạn [tiếng phổ thông] lại kỳ thị tiếng Quảng Đông? Tôi thấy rằng nhiều người livestream dùng tiếng phương ngữ Trùng Khánh, phương ngữ Đông Bắc, phương ngữ Thành Đô… đều được chấp nhận. Tại sao đối với người dùng tiếng Quảng Đông lại bị kỳ thị? Rốt cuộc tiếng Quảng Đông có tội gì? Hãy trả công bằng cho tiếng Quảng Đông, tôi ủng hộ tiếng Quảng Đông.”

Phóng viên trang tin HK01 nổi tiếng của Hồng Kông đã gọi đến đường dây nóng dịch vụ của TikTok để hỏi về tin đồn “TikTok cấm tiếng Quảng Đông”, được xác nhận sự thực này. Tuy nhiên, TikTok không phản hồi thẳng về việc liệu cơ quan chức năng có phải nhắm vào chặn các chủ đề nhạy cảm liên quan đến tiếng Quảng Đông hay không, chỉ nhấn mạnh rằng khán giả nói chung có thể không hiểu rõ tiếng Quảng Đông nên TikTok chỉ đưa cảnh báo “khuyến nghị nên sử dụng tiếng phổ thông”.

Nguyên nhân từ Đại hội 20 sắp khai màn?

Có nhiều ý kiến ​​khác nhau về vấn đề này.

Đài Á châu Tự do (RFA) dẫn bình luận nói rằng các phương ngữ trên khắp Trung Quốc có lịch sử lâu đời, chúng làm nổi bật tính đa dạng văn hóa của Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề hạn chế tiếng Quảng Đông đối với TikTok lần này có liên quan đến việc “phổ thông hóa” Hồng Kông.

Ngoài ra, một khả năng khác là TikTok cần hợp tác với văn hóa chính trị hiện tại của Trung Quốc. Theo đó, tất cả phải tuân theo mô hình quản lý thống nhất, trong đó vấn đề sử dụng ngôn ngữ cũng nên được xếp vào nhóm “quản trị vĩ mô” phải tuân thủ.

Tuy nhiên, cũng có phân tích cho rằng động thái của TikTok có thể là do họ thiếu nhân viên kiểm duyệt am hiểu tiếng Quảng Đông, hoặc do Đại hội 20 của ĐCSTQ đang đến gần khiến nền tảng này lo lắng xảy ra vấn đề nhạy cảm bất trắc nên kiểm soát chặt chẽ hơn.

Tuy nhiên, nhìn lại quá khứ cho thấy cơ quan chức năng ĐCSTQ cũng từng có hành xử tương tự hồi năm 2020. Khi đó, sở giáo dục của Nội Mông đã yêu cầu tất cả các trường học địa phương thay thế việc giảng dạy tiếng Mông Cổ bằng tiếng phổ thông Trung Quốc. Vấn đề này cũng từng một thời làm dấy lên làn sóng phản đối trong công luận.

p2768861a553933148
Tháng 9/2020 ĐCSTQ đã ra “chính sách Hán hóa” trong năm học mới khiến đông đảo người Nội Mông biểu tình phản đối. (Ảnh chụp màn hình video)

Một trường hợp khác là tháng 11/2021, Văn phòng Quốc vụ viện ĐCSTQ cũng đã ban hành tài liệu “Ý kiến ​​về việc tăng cường toàn diện công tác ngôn ngữ trong kỷ nguyên mới”, trong đó đặc biệt thúc đẩy giáo dục tiếng phổ thông tại Hồng Kông và Macao. Sau đó, Đài Phát thanh và Truyền hình Yulin tỉnh Quảng Tây cũng ngừng phát sóng các chương trình tiếng Quảng Đông.

Theo “Báo cáo chân dung người dùng TikTok 2020” cho thấy Quảng Đông và Hà Nam của Trung Quốc có tỷ lệ người dùng TikTok cao nhất Trung Quốc (mỗi nơi chiếm 8%), đặc biệt dữ liệu bán hàng thương mại điện tử trực tiếp TikTok của Quảng Đông chiếm khoảng 20%, đứng đầu Trung Quốc.