Các công ty chip Trung Quốc đóng cửa với tốc độ kỷ lục, ước tính mới nhất là khoảng 10.900 công ty đã đóng cửa vào năm 2023, trung bình mỗi ngày có 30 công ty đóng cửa.

chip Trung Quoc 1
(Nguồn: FOTOGRIN/ Shutterstock)

Kể từ khi Mỹ bắt đầu áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành bán dẫn của Trung Quốc từ năm 2019 – 2020 đến nay, số lượng các công ty sản xuất chip Trung Quốc ngày càng giảm. Cùng với nhu cầu chip chậm lại, tình hình trở nên tồi tệ hơn vào năm 2022-2023.

Theo báo cáo của DigiTimes hôm thứ Tư (13/12), hơn 22.000 công ty liên quan đến chip đã biến mất kể từ năm 2019 và số công ty biến mất vào năm 2023 đạt mức cao kỷ lục.

Báo cáo cho biết, tính đến năm 2023, kỷ lục 10.900 công ty liên quan đến chip đã ngừng hoạt động, so với 5.746 công ty vào năm 2022. Số lượng công ty đóng cửa vào năm 2023 tăng đáng kể, tương đương trung bình mỗi ngày có 30 công ty liên quan đến chip Trung Quốc đóng cửa.

Làn sóng phá sản này đã kéo dài 5 năm và gần đây đã lập kỷ lục mới. Khi sự cạnh tranh trong lĩnh vực thiết kế chip, sản xuất chất bán dẫn và thiết bị sản xuất wafer ngày càng khốc liệt, hơn 10.000 công ty liên quan đến chip của Trung Quốc đóng cửa từ năm 2021 đến năm 2022, và sự cạnh tranh trên thị trường chip vào năm 2023 còn khốc liệt hơn.

Theo Ngụy Thiếu Quân (Wei Shaojun), giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, có 3.243 công ty thiết kế chip ở Trung Quốc vào năm 2023 (nhiều công ty trong số đó được hưởng lợi ít nhất một phần từ các ưu đãi của chính quyền trung ương và địa phương), và hơn một nửa trong số đó có doanh thu hàng năm dưới 10 triệu nhân dân tệ (khoảng 1,4 triệu đô la Mỹ). Ông Ngụy Thiếu Quân là phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Trung Quốc và Chủ tịch phân hội của Hiệp hội Thiết kế Mạch tích hợp.

Các công ty chip Trung Quốc rơi vào khó khăn về bán hàng. Do nguồn cung dư thừa trên thị trường và sự suy thoái của môi trường kinh tế chung, ngành bán dẫn nhìn chung đang suy thoái, hầu hết các công ty đều thua lỗ vì tồn đọng quá nhiều hàng tồn kho. Phần lớn vấn đề có liên quan đến sai sót trong quy hoạch của chính phủ.

Trong năm 2021 và 2022, các nhà chức trách kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ cao do xu hướng làm việc tại nhà do dịch bệnh gây ra, buộc nhiều công ty phải sản xuất số lượng lớn chip. Tuy nhiên, khi dịch bệnh lắng xuống và nhu cầu sụt giảm, thị trường giảm mạnh vào cuối năm 2022 – đầu năm 2023, khiến các công ty tồn kho một lượng lớn hàng không bán được. Và những sản phẩm này mất giá trị theo thời gian.

Một vấn đề khác là thiếu đầu tư, đặc biệt là đối với các công ty nhỏ hơn. Mỹ hạn chế đầu tư vào ngành công nghiệp bán dẫn cũng như trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử của Trung Quốc, đồng thời các nhà đầu tư châu Âu không sẵn lòng đầu tư vào các công ty chip Trung Quốc trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ đang được thực thi.

Các công ty lớn đang tìm kiếm các lựa chọn khác. Trong khi các công ty lớn như Yangtze Memory Technologies chi hàng tỷ USD để tìm kiếm nhà cung cấp thay thế và mua các công cụ của bên thứ ba để duy trì hoạt động kinh doanh thì Huawei đã xây dựng một mạng lưới các nhà máy bí mật. Các công ty nhỏ không có đủ nguồn lực để phân bổ. Mặc dù Bắc Kinh đang đầu tư vào ngành công nghiệp chip – Quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia đã đầu tư 1 tỷ USD vào Huali Microelectronics một tuần trước – nhưng họ sẽ không bơm tiền vào mọi công ty khởi nghiệp về chip.

Năm 2023 sẽ là một năm khó khăn đối với ngành công nghiệp chip Trung Quốc, đặc biệt là với các công ty nhỏ hơn. Làn sóng đóng cửa kỷ lục của các công ty phản ánh những thời điểm khó khăn mà họ phải đối mặt: nhu cầu thấp, hàng tồn kho dư thừa và khó khăn về tài chính.

Điều này đã buộc nhiều công ty nhỏ phải rời khỏi cuộc chơi, từ đó khiến hầu hết ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc là những công ty có khả năng tiếp cận các nguồn lực của chính phủ – những công ty khổng lồ, thay vì các công ty khởi nghiệp nhỏ.