Nhiều nơi tại Trung Quốc từ tháng 8 đến nay xảy ra “làn sóng” viêm phổi do mycoplasma. Do các triệu chứng liên quan tương tự COVID-19 và mới đây có chuyên gia nổi tiếng Trung Quốc cảnh báo nguy cơ tái bùng phát đại dịch này, do đó có nghi vấn phải chăng dịch bệnh này là một dạng khác liên quan COVID-19.

Viem phoi do mycoplasma
Nhiều nơi tại Trung Quốc từ tháng 8 đến nay xảy ra “làn sóng” viêm phổi do mycoplasma. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Bệnh viện nhi nhiều nơi chật kín và nhiều trẻ sốt cao và ho sau khi nhiễm bệnh viêm phổi do mycoplasma, tuy nhiên cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra giải thích chi tiết. Mới đây, nhiều cư dân mạng Trung Quốc còn tiết lộ trên mạng xã hội rằng con họ sốt nhiều ngày, xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh viêm phổi do nhiễm mycoplasma, sau đó lại được chẩn đoán là dương tính với COVID-19 (SARS-CoV-2) khiến bản thân họ cũng bị lây nhiễm. Đi cùng vấn đề làn sóng lây nhiễm này lan rộng nhanh chóng, các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc cuối cùng đã thừa nhận vào ngày 8/10 rằng làn sóng nhiễm mycoplasma này ảnh hưởng đối với nhiều trẻ em.

Theo truyền thông chính thức tại Trung Quốc, ngày 7/10 khu vực chờ của khoa nội ở tầng 1 Bệnh viện Nhi đồng Thuận Nghĩa thuộc Bệnh viện Nhi Bắc Kinh chật kín trẻ em và phụ huynh chờ điều trị, các bác sĩ tại 16 phòng khám không ngừng bận rộn tư vấn điều trị. Bác sĩ Gao Jinming cho biết, kể từ khi bắt đầu vào năm học mới hôm 1/9, số trẻ nhập viện Khoa Nhi tăng lên đáng kể, hơn một nửa trong số đó là trẻ có triệu chứng hô hấp do nhiễm mycoplasma pneumoniae.

Một bà mẹ có con cho biết, trong kỳ nghỉ hè, con cô có biểu hiện ho và sốt, do thấy bé chỉ bị sơ sơ nên không đưa đi khám, nhưng gần đây cô mới chú ý vấn đề cháu bị sốt kéo dài cả tuần, dù uống thuốc liên tục nhưng không những không thuyên giảm mà còn phát triển thành viêm phổi.

Tài khoản weibo “Zhu Jiandi” người Thượng Hải được chứng nhận là bảo mẫu cũng chia sẻ rằng các triệu chứng chính của bệnh viêm phổi do mycoplasma ở trẻ em là sốt và ho. Cơn ho có thể nặng và có thể kéo dài trong vài tháng. Các triệu chứng phổ biến khác bao gồm: mệt mỏi, khó thở, nhức đầu, đau họng… Viêm phổi do mycoplasma thường được điều trị theo kinh nghiệm vì giai đoạn đầu rất khó chẩn đoán, kiểm tra vi sinh thường không được khuyến khích nếu nhiễm không nghiêm trọng đến mức phải nhập viện.

Tài khoản weibo “Bác sĩ gây mê Ling Chumian” đã đăng lời nhắc nhở vào đầu tháng 9 năm nay rằng mặc dù nhiễm mycoplasma ở trẻ em là một bệnh hô hấp phổ biến ở trẻ, nhưng điều khác biệt so với những năm trước là trước đây làn sóng nhiễm mycoplasma chủ yếu xảy ra ở mùa thu đông, còn năm nay đỉnh điểm lại đến sớm vào mùa tựu trường.

Trước tình trạng trẻ mắc bệnh viêm phổi do mycoplasma liên tục gia tăng gần đây, nhiều bậc phụ huynh Trung Quốc lo lắng con mình sẽ sốt kéo dài và thậm chí phát triển thành “phổi trắng”. Về vấn đề này, một số chuyên gia Trung Quốc cho hay, so với COVID-19 thì khả năng lây nhiễm do mycoplasma hạn chế hơn. Mycoplasma là vi sinh vật giữa vi khuẩn và virus, dễ lây lan qua giọt bắn hoặc tiếp xúc trực tiếp trong môi trường đông dân cư, khép kín, kém thông thoáng, đặc biệt là ở trẻ em trong độ tuổi đi học.

Nghi vấn từ công luận

Dù vậy, đáng chú ý là sau khi COVID-19 bùng phát trở lại vào đầu năm nay ở Trung Quốc thì nước này đã xuất hiện cái gọi là cúm A (cúm loại A), và hiện nay là bệnh viêm phổi do mycoplasma. Từ vấn đề tên gọi khác nhau nhưng các triệu chứng gần như giống nhau (gồm sốt cao, khó thở, viêm phổi…), do đó công luận Trung Quốc có suy đoán liệu cái gọi là “viêm phổi do mycoplasma” này phải chăng chính là một dạng của COVID-19?

Vấn đề có thể lưu ý là vào ngày 1/10, nhà chức trách Trung Quốc thúc đẩy tiêu chuẩn về “Tiêu chuẩn hóa an ninh tại bệnh viện”, yêu cầu các bệnh viện cứ mỗi 20 giường phải có một nhân viên bảo vệ. Vấn đề này khiến nhiều người dân nghi ngờ liệu có phải bố trí sớm để ngăn chặn dịch bệnh hay không.

Nhìn lại những ngày đầu của dịch COVID-19 khi bùng phát ở Trung Quốc vào năm 2020, nhà cầm quyền  không những không thực hiện các biện pháp khẩn cấp mà thậm chí còn che giấu khả năng dịch lây từ người sang người, đồng thời cấm mọi người lên tiếng cảnh báo. Sau khi dịch bệnh vượt khỏi tầm kiểm soát và lan rộng khắp thế giới, nhà cầm quyền không những phủ nhận hoàn toàn những nghi ngờ từ bên ngoài mà thậm chí còn tuyên bố Trung Quốc thành công nhất thế giới trong việc chống dịch, qua đó chỉ trích các nước khác ứng phó với dịch bệnh kém hiệu quả. Không những vậy, ngày 7/12/2022, nhà cầm quyền Trung Quốc bất ngờ tuyên bố bỏ chính sách ‘Zero COVID’ mà họ đã thực hiện cực đoan trong 3 năm, thay vào khẩu hiệu “sống chung với virus”, vì chính sách bất ngờ không có chuẩn bị gì khiến số trường hợp nhập viện và tử vong do COVID-19 tăng lên chóng mặt.

Như Trí Thức VN đã đưa tin trước đó, vào tháng 7 năm nay, bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli) – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Viện Virus học Vũ Hán – tuyên bố trong một bài báo đăng trên tạp chí “Truyền nhiễm và Vi sinh vật mới nổi” (Emerging Microbes & Infections) của Anh, rằng nhóm của bà hiện đã đánh giá tới 40 loại virus corona có nguy cơ lây nhiễm cho con người, một nửa trong số đó là loại virus “nguy cơ cao”.

Bài viết tiết lộ rằng trong số 40 loại virus liên quan có 6 loại được phát hiện có khả năng lây nhiễm sang người và gây bệnh, ngoài ra 3 loại khác cũng có thể truyền sang các động vật khác sau khi gây bệnh cho người.

Bài viết cảnh báo, trong quá khứ nếu virus corona đã gây bệnh [cho người], thì trong tương lai “gần như chắc chắn” cũng sẽ gây bệnh, “rất có thể” dịch bệnh do virus corona gây ra sẽ bùng phát trở lại, nên thế giới cần chuẩn bị tốt cho khả năng này.

Về bài viết của bà Thạch, chuyên gia Lý Long Đằng (Li Longteng) – cựu Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan – nói với Epoch Times: “Bản thân cô ấy (Thạch Chính Lệ) cũng biết điều đó, tất nhiên cô ấy có thể đoán trước rằng [COVID-19] chắc chắn sẽ quay lại”.

Nhà bình luận thời sự Tần Bằng (Qin Peng) cũng cho hay: “Tôi tin cô ta nói thật, cô ta là chuyên gia hàng đầu thế giới về virus corona”.

Mộc Vệ (t/h)