Sáu năm trước, một thanh niên ở Tân Cương rơi vào tình trạng hôn mê sau khi bị cảnh sát Trung Quốc tra tấn để lấy lời thú tội, cuối cùng đã thiệt mạng. Mới đây tờ Caijing của nước này công bố bài viết phanh phui vụ việc, tuy nhiên bài viết đã bị xóa bỏ sau 10 phút công bố. Sự kiện đã thu hút công luận chú ý đến tình trạng lạm quyền của cảnh sát Trung Quốc trong việc xử lý các vụ án.

trai lao dong tan cuong
Một trại lao động cải tạo tại Tân Cương. (Ảnh: GREG BAKER/AFP qua Getty Images)

Nạn nhân trong vụ việc là Tôn Nhậm Trạch (Sun Renze), khi còn sống sống ở Tân Cương, tháng 3/2018 anh bị tạm giữ hình sự vì tình nghi gây gổ, gây rối. Caijing.com trong một bài báo đặc biệt ngày 14/1 đưa tin rằng trong khi Tôn Nhậm Trạch đang bị giam giữ tại Trung tâm giam giữ huyện Hoắc Thành châu Ili, anh đã bị cảnh sát tra tấn để lấy lời thú tội; các thủ đoạn bức cung bao gồm: bôi mù tạt, trói băng ghế, dùng băng keo để nhổ lông chân, điện giật, treo vật nặng lên bộ phận sinh dục, bịt khăn lên mặt và dội nước nóng…

Sáng sớm ngày 27/9/2018, anh Tôn Nhậm Trạch trong trại giam bị nhiều cảnh sát tra tấn trong hơn 7 tiếng để lấy lời thú tội, tra tấn khiến anh hôn mê, vào ngày 9/11 anh qua đời ở tuổi 30.

Cảnh sát sau đó giải thích rằng trong quá trình thẩm vấn, Tôn Nhậm Trạch đòi uống nước và khi uống đã nghẹn dẫn đến tử vong, trách nhiệm không phải do những người thẩm vấn. Người nhà nạn nhân không chấp nhận cách giải thích đó, đã đi khắp nơi để kể về trải nghiệm đau đớn của Tôn Nhậm Trạch.

Phải chịu đựng “7 tiếng chí mạng”

Caijing.com thậm chí còn mô tả trải nghiệm này là “7 tiếng chí mạng”. Thông tin cho biết, chiều ngày 25/9 cảnh sát đã đẩy Tôn Nhậm Trạch vào phòng thẩm vấn trên xe lăn. Trong hơn 7 tiếng sau đó, cảnh sát dùng các hành vi tra tấn như trói, đánh đập, treo cổ, đổ nước lên người Tôn Nhậm Trạch… để lấy lời thú tội. Sau đó, Tôn Nhậm Trạch hôn mê được đưa ra khỏi phòng thẩm vấn.

5 năm sau, Tòa án thành phố Kuitun ở châu Yili vào tháng 11/2023 ra phán quyết rằng 8 cảnh sát liên quan phạm tội cố ý gây thương tích, theo đó phiên tòa sơ thẩm kết án tù những người liên quan với các mức án có thời hạn từ 3 – 13 năm.

Caijing.com tiết lộ chi tiết các khâu đoạn được cảnh sát Tân Cương sử dụng để tra tấn nghi phạm nhằm lấy lời thú tội, gây chú ý công luận. Tuy nhiên, bài báo có tiêu đề “Cái chết của nghi phạm Tôn Nhậm Trạch” đã bị xóa và chặn khoảng 10 phút sau khi được đăng.

Bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue) – Chủ biên của tờ Mùa xuân Bắc Kinh ở Toronto – Canada từ lâu đã chú ý đến tình hình nhân quyền của Trung Quốc. Bà nói với Đài VOA Mỹ rằng có nhận định chính những người trong bộ máy nhà nước Trung Quốc đã cố tình tiết lộ câu chuyện liên quan đến Tôn Nhậm Trạch cho Caijing: “Những người này chủ yếu không hài lòng vì các chính sách của ông Tập Cận Bình đã gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích cốt lõi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các chiến thuật hiện nay của ông Tập Cận Bình lấy từ thời Mao Trạch Đông vẫn rất bị nhiều người phản đối, bởi vì nhiều người liên quan ngày nay cũng từng là nạn nhân trong quá khứ. Nhưng tại sao bài viết này lại nhanh chóng bị xóa? Vì suy cho cùng những thông tin như vậy rất có hại cho hình ảnh chung của ĐCSTQ, gây bất lợi cho lợi ích chung của ĐCSTQ, chắc chắn là cơ quan truyền thông đăng tải chịu áp lực từ mọi phía”.

Ai ra quyết định xóa bỏ bài viết?

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với VOA, cựu Chủ nhiệm Văn phòng Cố vấn Pháp lý của Chính quyền Khu tự trị Nội Mông (hiện sống ở Bỉ) là Du Wen cho biết, việc cảnh sát đánh chết người là hiện tượng phổ biến ở Trung Quốc, bài viết của Caijing để nhắc nhở dư luận và chính quyền Trung Quốc hãy chú ý đến vấn đề cảnh sát lạm dụng quyền lực, không loại trừ chính Caijing tự quyết định gỡ bỏ bài viết.

Du Wen nói: “Theo tôi được biết, tình trạng này rất phổ biến. Bởi vì ngay khi thông tin công bố là cơ quan chức năng sẽ ngay lập tức gửi giấy thông báo và can thiệp để xem có thể xóa được hay không. Cho dù tờ báo phối hợp gỡ bỏ bài viết thì thực sự đã đạt được mục đích tuyên truyền. Caijing trong những năm gần đây đã đi xuống vì sự kiểm soát dư luận của chính quyền quá nghiêm ngặt. Caijing là một phương tiện truyền thông không phải hoàn toàn do nhà nước kiểm soát, dù sao họ cũng phải ưu tiên để tổ chức tồn tại. Lương của các phóng viên Caijing rất thấp, các phóng viên đều ở trong tình trạng nghèo khó, họ làm việc chủ yếu vì lý tưởng nghề nghiệp, đó cần là những người có lương tâm và tìm kiếm sự công bằng cho xã hội, đây cũng là một cách để có được nhiều độc giả hơn”.

Du Wen nói rằng tra tấn là thủ đoạn phổ biến cơ quan công an Trung Quốc sử dụng. Những những trường hợp thiệt mạng trong trại giam như Tôn Nhậm Trạch thực ra rất phổ biến: “Tra tấn ép cung là cách đơn giản nhất, hiệu quả cao nhất thường được cơ quan chức năng kiểu như Trung Quốc sử dụng. Rất nhiều nghi phạm hiện nay đều bị bắt khi không có đủ bằng chứng, muốn kết tội đành phải dùng thủ đoạn đó. Nếu người dân thường càng không có điều kiện để hối lộ thì càng dễ chịu nguy cơ rơi vào tình trạng ép cung”.

Du Wen cho rằng an ninh Trung Quốc nhìn chung biết cách tra tấn để lấy lời thú tội mà không dễ gặp rắc rối. Trại giam huyện Hoắc Thành châu Yili dễ dàng dùng cách ép cung, có thể có hai lý do: “Một là áp lực từ cấp trên, tiếp đó là sự mất kiểm soát của cấp dưới. Ngoài ra cũng có những vấn đề về tâm lý, chẳng hạn như cảm thấy nghi phạm khinh bỉ mình, thậm chí vì bất mãn với cấp trên mà trút giận vào nghi phạm… Đôi khi để hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên, muốn lấy công, khen thưởng thì phải gấp rút hoàn thành, để vừa lòng cấp trên và đạt được mục tiêu chính trị…”.

Vụ việc Tôn Nhậm Trạch bị phơi bày là trường hợp hiếm hoi

Caijing trích dẫn tài liệu xét xử của tòa án cho thấy, Giám đốc trại giam họ Tôn trước đó đã ra lệnh cho phó giám đốc họ Chai tắt video giám sát, nhưng Chai đã bí mật mở video giám sát cửa sổ phía sau để tránh bị liên lụy. Quá trình thẩm vấn kéo dài hơn 7 giờ đồng hồ đã được ghi lại toàn bộ và trở thành bằng chứng quan trọng.

Đoạn video cho thấy trong hơn 7 tiếng (từ 4:00 chiều đến 11:30 tối), anh Tôn Nhậm Trạch đã bịt khăn tưới nước trực tiếp lên mặt hơn 10 lần, trong đó có 2 lần kéo dài 16 phút và 15 phút. Thời gian còn lại bị treo mỗi lần hơn 20 phút.

Bà Thịnh Tuyết của tờ Mùa xuân Bắc Kinh cho rằng việc phanh phui vụ Tôn Nhậm Trạch thiệt mạng do bức cung là do vô tình: “Rõ ràng vụ việc này là do có người đứng giữa khiến sự việc lộ ra, do người này cảnh giác phải chịu trách nhiệm sau này đã cố tình bật lại camera và bí mật ghi lại (quá trình tra tấn để lấy lời thú tội). Có thể có rất nhiều vụ việc tương tự nhưng sẽ không bao giờ có thể thu được bằng chứng. Hãy Xem quá trình bức cung hoàn toàn như một loại giải trí, điều này đặc biệt đáng sợ”.

Có phân tích cho rằng yếu tố quan trọng khiến vụ việc này thu hút sự chú ý rộng rãi là sự liên quan của cảnh sát Tân Cương. Bà Thịnh Tuyết cho biết: “Nội Mông, Tân Cương và Tây Tạng đều là những khu vực rất nhạy cảm đối với ĐCSTQ… Do đó có vẻ như họ (công an) được trao những trách nhiệm hoặc đặc quyền lớn hơn khi thi hành án… Tôi tin rằng biện pháp của an ninh ĐCSTQ trong những khu vực này sẽ hà khắc hơn”.