Cuộc khủng hoảng kinh tế gần đây ở Trung Quốc đã thành tâm điểm toàn cầu. Có phân tích chỉ ra, nguyên nhân chính là từ các chính sách xã hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong bối cảnh ban bệ thân tín của ông Tập Cận Bình toàn những quan chức Đảng, họ không hiểu mấy về kinh tế. Điều nguy hiểm là vấn đề kinh tế của Trung Quốc này có thể gây ra bất ổn chính trị làm ĐCSTQ sụp đổ.

GettyImages 1472720340
Ông Tập Cận Bình tại kỳ họp “lưỡng hội” hôm 11/3/2023 tại Bắc Kinh. (Nguồn: Lintao Zhang/Getty Images)

Trách nhiệm từ các chính sách kinh tế gần đây

Tuần này, một loạt sự kiện kinh tế tại Trung Quốc đã gây chấn động thế giới: các đại gia địa ốc nối tiếp nhau “nổ bong bóng”, dữ liệu kinh tế giảm phát, tiêu dùng lao dốc, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên phá kỷ lục, đầu tư trực tiếp nước ngoài xuống mức thấp nhất kể từ 1990…

Trong danh sách những tiêu đề tiêu cực ngày càng dài thêm này của nền kinh tế Trung Quốc, thông tin mới nhất là tập đoàn bất động sản khổng lồ Evergrande đã nộp đơn xin tái cơ cấu nợ tại Mỹ.

Theo phân tích của WSJ, không thể không quy nguyên nhân gây ra tình trạng này của Trung Quốc là do các chính sách gần đây mà ĐCSTQ thực hiện, đây có thể là một trong những lý do khiến dữ liệu kinh tế Trung Quốc đột nhiên trở nên nhạy cảm đối với giới chức nước này.

Theo phân tích, cuộc đàn áp tàn nhẫn của Bắc Kinh đối với nguồn tài chính của các nhà phát triển, sự vỡ nợ của Tập đoàn Evergrande và sự suy thoái nghiêm trọng kéo dài sau đó của thị trường bất động sản đã giáng đòn chí mạng vào toàn xã hội Trung Quốc, đến nay nhiều gia đình vẫn đang ngồi chờ đợi những ngôi nhà dự án trên giấy có thể không bao giờ được xây dựng.

Đồng thời, bị ảnh hưởng bởi chính sách phòng chống dịch bệnh ‘Zero COVID’ nghiêm ngặt trước đây của ĐCSTQ và việc chính phủ chấn chỉnh ngành công nghệ Internet và giáo dục đào tạo, ngành dịch vụ vốn là nguồn tạo việc làm chính đã trở nên trì trệ.

Các công ty công nghệ tư nhân từng thành công ở Trung Quốc như ‘gã khổng lồ’ Internet Alibaba, Ant Group, Tencent… đã bị nhà cầm quyền thẳng tay đàn áp nghiêm trọng; việc ông Tập Cận Bình đưa ra “Luật chống gián điệp” đã khiến các doanh nhân nước ngoài lo lắng. Tuần báo kinh tế Wirtschaftswoche của Đức có bài nhận định, vụ việc cho thấy rõ nhà cầm quyền ĐCSTQ không xem trọng bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, vì vậy bất cứ ai tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc chỉ có thể tự trách mình.

Hệ quả là dòng vốn ngoại (FDI) rút khỏi Trung Quốc trong Quý 2 năm nay đang suy thoái mạnh hơn. Theo thống kê của Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước của ĐCSTQ, sụt giảm đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp nước ngoài vào ngành công nghiệp của Trung Quốc đạt mức cao mới là 87% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong 25 năm qua.

Chuyên gia: Kiểu quản trị của ông Tập Cận Bình sẽ làm suy bại nền kinh tế

Về vấn đề khủng hoảng này, tờ Neue Zürcher Zeitung của Thụy Sĩ đưa tin rằng ban lãnh đạo ĐCSTQ đã không làm gì cả, có vẻ như họ bình chân như vại hơn là nỗ lực thực hiện các chính sách kinh tế nghiêm ngặt để cải thiện.

Ông Tập Cận Bình đã không xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 31/7. Chương trình tiếp sóng thời sự của CCTV tối ngày 17/8 đã đề cập đến việc ông Tập chủ trì họp Bộ Chính trị, nhưng không có bất cứ hình ảnh nào và ông Tập cũng không xuất hiện.

Tờ WSJ cũng cho rằng kế hoạch kích thích tiêu dùng quy mô lớn của ĐCSTQ có thể là cách để thuyết phục người dân rằng ĐCSTQ đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu thay vì tập trung chủ yếu vào các chính sách công nghiệp lớn và địa chính trị.

Tuy nhiên, gần đây chuyên gia Willy Wo-Lap Lam của Jamestown Foundation – tổ chức think tank ở Washington, cho biết rằng nhóm thân cận của ông Tập Cận Bình toàn các quan hoạt động Đảng, họ thiếu kiến ​​thức về kinh tế tài chính và thương mại toàn cầu.

Ông nói với Nikkei Asia: “Tập Cận Bình và các cố vấn thân cận nhất của ông ta không biết nhiều về kinh tế…. Sau Đại hội 20 hầu hết những người mà ông Tập đề bạt không phải là các nhà kỹ trị….  Họ đa số là cán bộ Đảng chuyên tuyên truyền tư tưởng, không hiểu mấy về thương mại và tài chính quốc tế”.

Nhưng chính phủ khóa trước chủ yếu là các nhà kỹ trị, cựu Thống đốc Dị Cương (Yi Gang) của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là một ví dụ. Ông Dị Cương có bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Illinois: “Họ hiểu cách thức hoạt động của nền kinh tế phương Tây và họ có mối quan hệ khá tốt với các quan chức Mỹ cũng như người đứng đầu các công ty Mỹ như Goldman Sachs”.

Ngược lại, Thống đốc mới của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là ông Phạm Công Thắng (Pan Gongsheng) đã không thể hiện là một thống đốc ngân hàng trung ương có năng lực với những ý tưởng mới. Ông Phạm Công Thắng phải báo cáo với Phó Thủ tướng Hà Lập Phong (He Lifeng) về mọi vấn đề, rồi báo cáo với Tập Cận Bình, trong khi ông Hà Lập Phong chỉ là một quan chức xưa nay phụ trách công tác Đảng.

Có thể châm ngòi cho bất ổn chính trị

Tờ WSJ cảnh báo rằng nếu ĐCSTQ tiếp tục để nền kinh tế Trung Quốc chìm vào thời kỳ đình trệ kéo dài thì sẽ tiềm ẩn nguy hiểm bất ổn chính trị.

Về quan điểm này, có thể nhìn lại bài luận đăng trên Facebook của nhà bình luận Nghiêm Thuần Câu (Yan Chungou) tại Hồng Kông, “Cuộc khủng hoảng tài chính đã gây ra khủng hoảng kinh tế và chính trị, đó là những gì đang xảy ra hiện nay. Câu hỏi đặt ra là liệu ĐCSTQ có khả năng kiểm soát tình trạng bất ổn xã hội hay không”.

Ông Nghiêm Thuần Câu cho rằng hiện tại ĐCSTQ áp dụng cách là trì hoãn cuộc khủng hoảng xã hội. Ông cho biết, khi vỡ bong bóng bất động sản, ĐCSTQ không cho các nhà phát triển bất động sản phá sản vì lo ngại hiệu ứng domino, nhưng với nhiều “gã khổng lồ” bất động sản phá sản như vậy thì nguồn vốn nhà nước làm sao đủ để giải cứu? Còn cứ trì hoãn thì làm sao các nhà phát triển bất động sản có thể tiếp tục tồn tại? Họ nuôi bao nhiêu con người như vậy lại ôm khối nợ và trả lãi nhiều như vậy thì làm sao? Điều khủng khiếp là domino, càng trì hoãn thì quy mô nổ bong bóng càng lớn và càng khó xử lý.

Nhà văn Nghiêm Thuần Câu lưu ý:

“Sụp đổ ĐCSTQ đã là nhận thức chung của nhiều người, vấn đề chỉ là thời gian và hình thức, những ‘gã khổng lồ’ ở Phố Wall luôn ca ngợi những điều tốt đẹp về Trung Quốc, nhưng gần đây họ đã đồng loạt thay đổi giọng điệu, nhiều cơ quan truyền thông quốc tế ngày càng xem việc bàn về suy thoái của Trung Quốc là thời thượng, gần đây ngay cả Tổng thống Mỹ Biden cũng đã lên tiếng rằng Trung Quốc là ‘bom hẹn giờ’, nghĩa là nhất định sẽ nổ, chỉ là nổ khi nào thì vẫn chưa chắc chắn.”

“Các phương tiện truyền thông và chính trị gia phương Tây đang dõi theo sự sụp đổ của ĐCSTQ, còn người Trung Quốc cứ mở miệng là nhắc về sụp đổ. Ngay cả ông Tập Cận Bình cũng có linh cảm về sụp đổ. Điều đó cho thấy chắc chắn ĐCSTQ đang đứng trước nguy cơ sụp đổ, vấn đề chỉ là khi nào và sẽ xảy ra dưới hình thức nào.”