Hôm 8/4, tờ Foreign Affairs của Mỹ có bài khá ấn tượng, tựa là “Hành vi khó lường của những kẻ độc tài: Tại sao dự báo xâm lược của chế độ độc tài lại khó khăn” (The Unpredictable Dictators, Why It’s So Hard to Projectoritarian Aggression). Tác giả bài viết là hai học giả từ Đại học Columbia, Keren Yarhi-Milo và Laura Resnick Samotin. Một số quan điểm trong bài viết trùng lặp với một số suy nghĩ gần đây của tôi.

GettyImages 803736208
Lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình tại Hồng Kông năm 2017. (Nguồn ảnh: DALE DE LA REY / AFP qua Getty Images)

Đầu bài viết chỉ ra rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào đầu tháng 2 năm ngoái đã nhiều lần đưa ra cảnh báo Nga sẽ tấn công Ukraine, đưa ra một lượng lớn bằng chứng cho thấy quân đội Moscow đang tập trung ở biên giới Ukraine, nhưng nhiều nước bao gồm cả Pháp và Đức đều không tin việc ông Putin sẽ phát động chiến tranh, ngay cả Tổng thống Zelensky của Ukraine cũng nghĩ rằng tuyên bố đó là hoang đường.

Bài viết chỉ ra, đây không phải là lần đầu tiên nhiều chính trị gia không tin vào cảnh báo chiến tranh xâm lược như vậy. Ví dụ năm 1973 giới chính trị gia Israel bác bỏ cảnh báo rằng Tổng thống Ai Cập Anwar Al-Sadad lên kế hoạch tấn công Bán đảo Sinai, lý do cho rằng lực lượng không quân của ông ta không có khả năng thâm nhập vào phía sau phòng tuyến của kẻ thù; vào năm 1979, Tổng thống Mỹ Carter đã bác bỏ lời cảnh báo rằng lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Đặng Tiểu Bình sẽ xâm lược Việt Nam; trước khi Iraq xâm lược Kuwait năm 1991, Mỹ luôn tin rằng Tổng thống Saddam Hussein của Iraq sẽ không phát động tấn công. 

Nhưng thực tế cho thấy mọi chuyện đã xảy ra đúng như cảnh báo.

Theo hai tác giả, lý do khiến nhiều chính trị gia không tin vào dự đoán, đó là vì họ dựa vào “mô hình hành vi có lý trí”, họ phân tích mọi thông tin một cách tỉ mỉ và nhận thấy cái giá phải trả của hành vi gây chiến là không phù hợp với một người có lý trí bình thường. Nhưng suy luận đó hoàn toàn có thể mắc sai lầm, vì mô hình này là hạn chế trong dự đoán hành vi của một chính phủ, đặc biệt là chính phủ độc tài do một nhà độc tài thao túng, vì họ có thể theo đuổi những ý tưởng phi lý mà không có gì chế ước kiểm soát.

Cái nhìn sâu sắc của các tác giả có ý nghĩa quan trọng đối với cách Mỹ và các nền dân chủ khác suy nghĩ về cách đối đầu với địch thủ của họ.

Điều đó cho thấy hành vi của những kẻ độc tài rất khó lường và ông Tập Cận Bình hiện nay không ngoại lệ, vì thế sẽ rất dễ sai lầm nếu sử dụng “mô hình hành vi có lý trí” để dự đoán những gì lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình sẽ làm.

Tôi nhận thấy có một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, Tập Cận Bình [là nhà độc tài] nên không thể bao quát cân nhắc một cách kỹ lưỡng hết mọi thông tin, vì xung quanh ông ta chỉ là những thân tín nịnh hót, chỉ nói lời ông muốn nghe, chỉ làm việc ông muốn họ làm, họ sẽ không dám tiết lộ những tin tức không tốt. Quan điểm “phương Đông trỗi dậy, phương Tây suy thoái” của ông Tập rất có thể chỉ là ảo tưởng do thông tin không đầy đủ gây ra. Vấn đề này cũng tương tự đối với Putin. Việc ông Putin xâm lược Ukraine chỉ một số quan chức thân tín cấp cao biết về kế hoạch, và họ đều chia sẻ niềm tin của Putin vào cơ hội chiến thắng của Nga. Putin và các tướng lĩnh của ông ta rất tự tin về một chiến thắng nhanh chóng của Nga, đến nỗi các binh sĩ ngay khi xâm lược đã được yêu cầu đóng gói đồng phục để sẵn sàng diễu hành mừng chiến thắng ở Kiev của Ukraine.

Thứ hai, vấn đề kiểm soát quyền lực độc tài đối với Tập Cận Bình trong ĐCSTQ đã trở nên hạn chế rất nhiều [so với những người tiền nhiệm]. Ông ta là kẻ ngoan cố và độc đoán không khác gì Mao Trạch Đông, thậm chí có thể còn hơn cả Mao. Trong bối cảnh Tập độc chiếm quyền lực, thì tính chế ước kiểm soát quyền lực trong ĐCSTQ đối với ông ta trở nên gần như không còn. Tháng 3/2018, tờ New York Times đã có bài bình luận về việc ông Tập bãi bỏ hệ thống nhiệm kỳ, theo đó chỉ ra việc ông ngày càng thao túng quyền lực mạnh mẽ hơn cho thấy ĐCSTQ ngày càng suy yếu hơn, vì hiệu quả kiềm chế tham vọng của ông ta cũng theo đó ngày càng suy yếu. Đó là lý do khiến việc suy đoán hành vi của nhà lãnh đạo ĐCSTQ này trở nên ngày càng bất định, không nên dùng “mô hình hành vi của người có lý trí”. Hai tác giả cảnh báo, các chính trị gia [dân chủ] phải nhớ rằng không có gì chắc chắn khi đối phó với các nhà độc tài, vì họ không phải lúc nào cũng được hướng dẫn bởi chủ nghĩa duy lý lạnh lùng.

Thứ ba, Tập Cận Bình có cách tính toán lợi ích khác với tư duy lợi ích thông thường [theo logic hợp lý của giới chính trị gia dân chủ]. Những ai suy nghĩ theo lý trí hợp lý luôn cân nhắc toàn diện chi phí và lợi ích của hành động [đối với toàn bộ xã hội], theo đó nếu chi phí lớn hơn nhiều so với lợi ích thì người có lý trí có thể từ bỏ các hành động đã lên kế hoạch. Nhưng đối với Tập Cận Bình chỉ có một tính toán: chỉ cần có lợi cho việc củng cố quyền lực của cá nhân thì dù phải trả giá thế nào cũng làm. Điều này có thể thấy rõ trong việc ông ta phá hủy Hồng Kông – hòn ngọc Phương Đông, đàn áp các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, đó là những hành vi phải trả giá đắt giống như tự hủy hoại bản thân mà tư duy duy lý khó có thể hiểu được. Nhưng đó là điều Tập Cận Bình đã làm, khiến cho sự tự do và thịnh vượng của Hồng Kông vĩnh viễn biến mất, trong khi đông đảo doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc hấp hối, khiến xu thế suy thoái nền kinh tế nước này khó cải thiện. Ấy vậy mà ông ta vẫn tin chắc quyết định mà mình đưa ra là đúng đắn, là có lợi cho quyền lực của ĐCSTQ – thực ra là của cá nhân Tập Cận Bình.

Đối với hành vi của Tập Cận Bình, những người theo mô hình suy nghĩ có lý trí hợp lý sẽ nhận thấy đó là hành động phi logic.

Vị Phổ
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Đài RFA.)