Học giỏi, đỗ Thám hoa, làm quan không màng công danh, lại hay chữ khiến quan nhà Thanh kính phục, nhưng thói xấu không bỏ được khiến Nguyễn Đăng Cảo lỡ mất cơ duyên tu Đạo.

den tho
Đền thờ họ Nguyễn Đăng tại Bắc Ninh. (Ảnh: Báo Giáo dục & Thời đại)

Thám hoa Nguyễn Đăng Cảo

Nguyễn Đăng Cảo sinh năm 1619 ở xã Hoài Bão, huyện Tiên Du (nay thuộc thôn Hoài Bão, xã Liên Bão, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh). Ông nổi tiếng thông minh từ tấm bé, được ví là thần đồng.

Đến khoa thi năm 1646 dưới thời vua Lê Chân Tông, ông cùng em trai là Nguyễn Đăng Minh đi tham dự kỳ thi Hội và thi Đình. Kết quả thi Hội hai anh em đều đỗ, riêng Đăng Cảo đỗ đầu tức Hội nguyên.

Vào đến thi Đình, thi tại Điện của nhà Vua, Đăng Cảo sức học uyên thâm, văn lý hùng hồn đáng bậc Trạng nguyên. Nhưng vì triều thần thấy ông là người ương ngạnh, ngang tàng nên dù đỗ đầu nhưng chỉ chấm đỗ đến Thám hoa. Khoa thi năm này không có Trạng nguyên và Bảng nhãn. Còn Nguyễn Đăng Minh đỗ thứ 3 tức Đệ tam giáp Tiến sĩ.

Nguyễn Đăng Cảo xem nhẹ công danh chốn quan trường nên làm quan không lấy lòng người, nhưng ông lại có thú vui khó bỏ là rượu ngon và thịt chó. Đỗ Thám hoa, ngay trước khi vinh quy bái tổ ông còn rủ bạn bè đi ăn cầy tơ.

Nguyễn Đăng Cảo làm quan thanh liêm, lại thẳng thắn cương trực nên không được lòng Triều đình. Sau 3 năm làm quan ông bị bãi chức. Tuy nhiên việc bang giao với nhà Thanh rất khó khăn, mỗi khi như thế Triều đình lại phải nhờ đến ông. Có nhiều giai thoại về ông được dân gian truyền tụng.

Khiến quan nhà Thanh kính nể

Như một lần Sứ nhà Thanh sang Đại Việt nhưng khi đến Xương Giang thì Sứ thần dừng lại, sai người đưa đến Triều đình một vuông gấm trên vẽ ba nét ngang rất lớn (三) và nói: “Nếu Đại Việt không giải được, sứ đoàn sẽ không vào Thăng Long”.

Triều đình xem không hiểu ý Sứ thần nhà Thanh muốn nói gì, chịu không sao giải được. Không còn cách nào khác, Triều đình đành cho người về Tiên Du quê của Đăng Cảo mời ông lên Kinh thành. Đăng Cảo không muốn đi, khi biết chuyện thì nói: “Cái trò đánh đố chữ nhỏ nhặt ấy có gì ghê gớm đâu”, rồi lấy bút gạch một nét sổ xuống rồi bảo cứ đưa cho Sứ thần.

Sứ nhà Thanh khi nhận được quả nhiên chịu vào Kinh thành Thăng Long. Nhà Vua không hiểu vì sao chỉ cần gạch một nét sổ xuống là Sứ thần nhà Thanh vào Kinh thành nên lại cho người đến hỏi.

Đăng Cảo liền đáp rằng: “Ở trong sách kinh dịch tượng có quẻ ‘Càn’ là ba nét ngang (三), thêm một nét sổ thì thành chữ ‘Vương’ (王). Họ muốn sang phong vương cho vua ta đó thôi”. Cả triều đình nghe ra, vô cùng nể phục Nguyễn Đăng Cảo.

Một lần Nguyễn Đăng Cảo được cử làm chánh sứ sang thương thuyết với nhà Thanh, tài năng của ông khiến quan nhà Thanh rất nể.

Xong việc ông được các quan nhà Thanh đưa đi du ngoạn, đến một tửu lâu nổi tiếng, phong cảnh núi non rất hữu tình. Biết ông là sứ thần nước nam, chủ quán liền đem lụa mực ra xin chữ, Đăng Cảo bèn viết hai chữ “trùng nhị” (虫二). Không ai hiểu “trùng nhị” nghĩa là gì, ông giải thích nghĩa là “phong nguyệt vô biên” thì các quan nhà Thanh mới hiểu ra. Chữ “phong nguyệt” (渢月) mà bỏ đi nét biên ở ngoài tức “vô biên” thì thành chữ “trùng nhị” (虫二).

Bỏ lỡ cơ duyên tu Đạo

Sau chuyến đi sứ này Nguyễn Đăng Cảo về hẳn ở nhà nghỉ hưu, ngoài thú vui rượu ngon thịt chó, ông lại có thêm thú vui ngắm cảnh sông núi.

Sách “Tang thương ngẫu lục” có câu chuyện ở quê nhà của Nguyễn Đăng Cảo như sau:

Một lần Nguyễn Đăng Cảo lên núi Lạn Kha, đến nơi không có ai, nhưng có một người cắm hai cây gậy hai bên, ở giữa căng sợi dây nhỏ đang ngủ, cốt cách của người tu Đạo. Nguyễn Đăng Cảo bèn đợi đạo nhân thức dậy để đàm Đạo.

Khi đạo nhân tỉnh dậy thấy ông thì hỏi: “Ông có phải là ông Thám hoa người làng Hoài Bão không”?

Nguyễn Đăng Cảo xác nhận đúng vậy, rồi ngỏ ý muốn được theo đạo nhân tu tiên. Đạo nhân nói rằng ông có số nhưng không có mệnh tu tiên, nên không cần tự làm khổ mình. Không muốn lỡ mất cơ duyên, Nguyễn Đăng Cảo cố nài nỉ cho mình đi theo để học thuật tu tiên, sẵn sàng bỏ mọi vui thú nơi cõi đời để đi theo đạo nhân.

Vị đạo nhân nói rằng: “Tu tiên chẳng dễ, cũng chẳng khó. Khó hay dễ là tùy ở lòng người. Tu tiên phải kiêng ăn nhiều thứ, chẳng hạn thịt chó, ông có thể bỏ thịt chó được không”? Nguyễn Đăng Cảo đáp rằng mình kiêng được.

Hai người đi qua các nơi với rất nhiều cảnh đẹp khiến Đăng Cảo say mê. Khi đi qua chợ, mùi thịt chó trong hàng cơm khiến Nguyễn Đăng Cảo thèm quá, không kìm được, liền xin vị đạo nhân cho ăn một bữa rồi sẽ bỏ hẳn.

Đợi Đăng Cảo ăn xong, vị đạo nhân nói rằng: “Ta là Trần Đồ Nam đây. Ông có số không mệnh, thôi đừng nên tự khổ nữa”. Trần Đồ Nam là một người tu đạo nổi tiếng, được coi là một trong những ông tổ của tử vi.

Nói rồi vị đạo nhân đưa cho ông phương thuốc chữa bệnh dịch cho trâu bò giúp dân, rồi vụt biến mất, không còn nhìn thấy đâu. Lúc này Nguyễn Đăng Cảo chỉ có thể tiếc ngẩn người khi mà cơ duyên đã vụt mất.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: