Xưa nay trong dân gian có tục cúng ông Táo vào trước Tết để khẩn cầu phúc lộc đến nhà. Tuy nhiên trong sử sách thời xưa, có một người con hiếu thảo “thiên hạ vô song” lại không cúng ông Táo cầu ban phúc. Nhưng Hoàng Hương vẫn có thể từ một người nghèo khó trở thành một vị quan nổi danh, được Hoàng đế tôn trọng, được tuyên dương là một tấm gương trong “Nhị thập tứ hiếu” (24 tấm gương hiếu thảo thời xưa). Vậy những phúc lành mà Hoàng Hương được hưởng ấy đến từ đâu?

7 gia huấn của cổ nhân giúp tạo lập gia đình hưng vượng
(Tranh minh họa: Vương Thì Mẫn, Minneapolis Institute of Art, Public Domain)

Hoàng Hương, tự là Văn Cường, là người Giang Hạ, Hồ Bắc, sinh ra trong gia cảnh nghèo khó thời Đông Hán. Khi Hoàng Hương lên 9 tuổi thì mất mẹ, ông đã vô cùng thương tâm và luôn túc trực bên linh cữu của mẹ. Sau này, Hoàng Hương bé nhỏ đem hết hiếu tâm chăm sóc phụng dưỡng cha mình. Gia đình Hoàng Hương bần cùng, ông phải làm hết mọi việc nhà, dân làng ai cũng khen ngợi là người con hiếu thảo. Vị quan triều Nguyễn, Lý Văn Phức, có bài thờ diễn giải sự hiếu thảo của Hoàng Hương như sau:

Ðời Ðông Hán, Hoàng Hương chín tuổi,
Khuất bóng từ dòi dõi nhớ thương,
Hạt châu khôn ráo hai hàng,
Tiếng đồn vang dậy trong làng đều khen.
Thờ nghiêm phụ cần chuyên, khuya sớm,
Ðạo làm con chẳng dám chút khuây,
Trời khi nắng hạ chầy chầy,
Quạt trong màn gối, hơi bay mát rầm.
Trời đông buổi sương đầm, tuyết thắm,
Ấp hơi mình cho ấm chiếu chăn,
Vì con, cha đưọc yên thân,
Bốn mùa không biết có phần hạ, đông,
Tiếng hiếu hạnh cảm lòng quận thú
Biển nên treo chói đỏ vàng son,
Cho hay tuổi trẻ mà khôn,
Nghìn thu biết đạo làm con mấy người?

Thái thú Lưu Hộ nghe được đức hạnh của Hoàng Hương đã cho gọi Hoàng Hương vào phủ và tặng cho 4 chữ “môn hạ hiếu tử”. Lúc ấy, Hoàng Hương mới 12 tuổi. Ở trong phủ thái thú, Hoàng Hương học rất nhiều các tác phẩm kinh điển, nghiên cứu đạo thuật, tài năng văn chương cũng rất cao. Người dân ca ngợi ông là “Thiên hạ vô song, Giang Hạ Hoàng đồng”.

Danh tiếng của Hoàng Hương cũng truyền đến tai Hoàng đế. Hán Chương Đế đã triệu Hoàng Hương đến Trung Sơn và giới thiệu với các vương hầu: “Đây là thiên hạ vô song, Giang Hạ Hoàng đồng!” Bởi vậy mọi người đều kính trọng Hoàng Hương.

Hoàng Hương không chỉ là người con có hiếu mà còn là một vị Thượng Thư Lệnh được Hoàng đế yêu mến và nể trọng. Khi Hán Hòa Đế tại vị, ông đã vô cùng ngưỡng mộ Hoàng Hương, nhiều lần thăng chức cho Hoàng Hương, từ Lang Trung Lũy đến Thượng Thư Lệnh.

Về sau, Hoàng Hương chuyển đến giữ chức Thái Thú Ngụy Quận, ông đã giúp thay đổi phong khí của quan lại. Trước đây, khi có người mới nhậm chức thì địa phương sẽ mua sắm vật dụng mới để thay thế vật dụng cũ và khoản chi phí này lên tới hàng ngàn vạn tiền. Khi Hoàng Hương tiếp nhận chức Thái Thú, ngay khi còn chưa đến Ngụy Châu, ông ra lệnh bãi bỏ việc chuẩn bị các loại đồ dùng mới. Đồng thời, thay vì theo tục lệ xưa là cúng ông Táo để cầu phúc thì ông lại đóng cửa không tiếp ai.

Hoàng Hương không cúng tế ông Táo, nói là mình không “mị Thần” (nịnh bợ Thần). “Kính Thần” “mị Thần” là hai việc hoàn toàn khác nhau. Trong dân gian, người ta cúng ông Táo, lấy cúng tế để cầu phúc. Hơn nữa, có những nơi còn có tục lệ là dùng những món điểm tâm ngọt để tế với ngụ ý để ông Táo ngọt miệng, sẽ nói những lời hay lời tốt khi báo cáo với Thượng đế. Hoàng Hương cho rằng đó là “mị Thần”. Ông không muốn cúng tế để nịnh nọt Thần linh, cũng không tuân theo tục lệ. Đến ngày ông không cúng cũng không cầu phúc cho mình mà đóng cửa kín để tránh mọi người đến chúc mừng, chào hỏi.

Theo Hậu Hán Thư ghi lại, khi Hoàng Hương nhậm chức Thượng Thư Lệnh, ông luôn chuyên cần với công việc, xem việc công như việc nhà mình. Năm Vĩnh Nguyên thứ 12 thời Hán Hòa Đế, một vụ án xảy ra trên sông Thanh Hà ở Đông Bình, hàng nghìn người bị liên lụy, có rất nhiều người có thể chịu án tử hình. Sau khi Hoàng Hương tiếp nhận vụ án này, ông đã dốc lòng không để oan uổng xảy ra, nhờ đó mà nhiều người được giải oan, cứu sống được rất nhiều người.

Hoàng Hương khi chấp pháp luận tội thường cân nhắc áp dụng mức hình phạt nhẹ có thể. Ông quý trọng mạng người, đối với những người làm việc sai, ông đều thương xót, lo lắng cho hoàn cảnh khốn khổ của họ. Đồng thời ông cũng giúp đỡ gia đình họ, vì họ mà xin giảm nhẹ hình phạt.

Vào năm Diên Bình thứ nhất, khi giữ chức Thái Thú Ngụy quận, Hoàng Hương đã vì dân mà nói lời công đạo, ngăn cản quan lại và thương nhân làm hại nông dân. Bấy giờ trong và ngoài thành Ngụy quận đều có ruộng vườn của quan phủ, phân cho mọi người trồng trọt. Bởi vì là đất tốt nên hàng năm thu hoạch rất nhiều, đều về tay quan viên và thương nhân. Hoàng Hương nói: “Điền lệnh quy định thương nhân không canh nông. Vương chế quy định quan viên không canh tác. Khanh đại phu và quan lại ăn bổng lộc của triều đình không tranh giành lợi ích với dân chúng”. Hoàng Hương liền lấy lại đất giao cho nông dân.

Khi lũ lụt và nạn đói xảy ra trong vùng, Hoàng Hương đã dành dụm tiền lương của mình và lấy ra số tiền thưởng mà Hoàng đế ban cho trước đây để giúp đỡ những người nghèo không có cơm ăn. Bị ảnh hưởng bởi việc làm thiện của Hoàng Hương, những gia đình trong huyện có kho dự trữ ngũ cốc lớn cũng quyên góp ngũ cốc cho người dân gặp nạn.

Tục ngữ nói: “Cứu một mạng người còn hơn xây tòa tháp bảy tầng”, tấm lòng từ bi và nhân ái của Hoàng Hương thể hiện trong tất cả mọi việc ông làm. Ông làm việc công bằng, hiểu rõ chân tướng, cân nhắc hình phạt nhẹ, cứu giúp được rất nhiều người, tích được vô lượng âm đức. Những việc làm đại thiện ấy chính là một cách tốt nhất để cầu phúc cho mình.

Trong “Luận Ngữ. Bát dật” viết:

Vương Tôn Cổ hỏi Khổng Tử: “Mị thần Áo không bằng mị thần Táo, là chuyện gì?”. Thời đó có người cho rằng Thần Áo được coi là vị Thần coi việc sống chết phúc họa, còn Thần Táo là vị Thần quản việc phúc lộc cơm áo. Vương Tôn Cổ dùng chữ “mị”, chính là nịnh nọt.

Khổng Tử trả lời: “Không đúng. Có tội với Trời, không có chỗ cầu xin”.

Con người phải làm được ngay chính, cho dù ở chỗ không có người thì ăn ở làm việc cũng phải thản đãng, đoan chính quang minh, không lừa gạt, không hổ thẹn với Thần linh, không hổ thẹn với lương tâm đạo đức của mình.

Hoàng Hương dù không tuân theo tục lệ, không cúng ông Táo nhưng lại làm được những điều hợp đạo Trời. Cho nên, người như Hoàng Hương dù không cúng tế mà vẫn được hưởng phúc là điều dễ hiểu.

Theo Epoch Times tiếng Trung
Tác giả: Vương Du Duyệt
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: