Trong cuộc sống, chúng ta thỉnh thoảng vẫn thấy những người thích mượn chuyện, bàn tán về nửa kia của mình để cảm thấy được quan tâm, chia sẻ. Tất nhiên trong câu chuyện ấy có nhiều lời oán thán và chỉ trích hơn là lời khen ngợi và biết ơn. Nhưng kỳ thực, nhiều người không biết rằng có một nét đẹp trong hôn nhân gọi là tu khẩu…

vợ chồng hạnh phúc, vợ chồng, hôn nhân
(Ảnh minh họa: Interstid, Shutterstock)

Hôn nhân là sự kết hợp giữa hai con người vốn khác biệt, do đó sẽ nảy sinh rất nhiều sự tình. Khi vừa mới lấy nhau, chẳng những thói sinh quen sinh hoạt khác biệt mà tính cách của hai người cũng không giống nhau. Chẳng hạn phụ nữ thì hay kỹ tính còn đàn ông thì hay qua loa, sẽ luôn xảy ra mâu thuẫn. Chỉ từ những việc nhỏ đó, người ta sẽ rất dễ phàn nàn, phàn nàn rồi sẽ trở thành “lải nhải”, lải nhải rồi thì sẽ dẫn đến cãi nhau.

Không chỉ thế, trong cuộc sống còn có một số người luôn luôn phàn nàn về nửa kia của mình, nói anh ta không tốt thế này, cô ta không được thế kia, rồi thậm chí đem cả cha mẹ ra mắng nhiếc. Lời nói sắc bén như dao kiếm, đôi khi còn làm tổn thương người khác hơn cả gươm đao, nói ra thì ắt là tổn đức.

Con người từ lúc bập bẹ đến khi bắt đầu biết nói chuyện thì chỉ mất có vài năm, nhưng để biết cách không nói ra lời ác ý thì phải cần trí tuệ của cả một đời. Làm người như thế, hôn nhân cũng là như vậy. Trong hôn nhân, đôi khi điều khiến nửa kia và bản thân lâm vào cảnh khó xử không phải là điều gì quá to tát, mà chính là một hai câu nói.

Người xưa nói: “Ngôn do tâm sinh”, lời nói là do tâm mà sinh ra. Người không cẩn thận lời nói trong hôn nhân thì ắt là trong tâm cũng có ý coi thường nửa kia ở một điểm nào đó rồi. Vợ chồng hễ mà coi nhẹ nửa kia thì sớm muộn cũng thể hiện ra, sớm muộn cũng khiến họ biết được. Do đó có thể nói rằng việc “tu khẩu” trong hôn nhân là nằm ở hai chữ bao dung.

Giữa vợ chồng với nhau, ngoài tình nghĩa thì còn có duyên nợ, có thiện duyên, cũng có ác duyên, vô duyên thì chẳng gặp. “Thiện duyên” của vợ chồng là thời khắc gìn giữ, không phóng túng dục vọng, không vì tình ái mà đánh mất chí hướng. Vợ chồng nên ôn hòa, thanh tâm quả dục, nam cương nữ nhu, cùng hỗ trợ để kế thừa cơ nghiệp tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ, chăm sóc con cái.

Còn khi phải giải quyết các “ác duyên”, vợ chồng nên nhìn nhận lại bản thân, không tranh đấu làm phương hại lẫn nhau, không vì sắc đẹp mà phản bội, không vì phú quý mà vứt bỏ chí khí, không vì gặp họa mà chia lìa, nhẫn nhịn thì có thể cải biến tất cả.

Đứng trước mỗi sự tình bất hòa trong hôn nhân, làm sao để có thể “tu khẩu”, làm sao để có thể giữ được sự bình tĩnh? Vẫn là phải hiểu rằng vợ chồng vốn là khác biệt, cần đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà suy nghĩ, thậm chí là bao dung cái không tốt của nửa kia.

Gặp mâu thuẫn thì nên trò chuyện một cách có lý trí. Nếu mỗi bên đều có thể thật sự nghĩ cho nửa kia, hy vọng đôi bên hòa hợp, thì phần thiện ý này sẽ giúp cả hai vượt qua mâu thuẫn. Khi phải đối diện với những bất công, oan ức, nếu có thể mở rộng lòng mình thì ác duyên sẽ được hóa giải. Ngược lại, nếu điều nghĩ đến chỉ là tức giận và oán thán, thì làm sao cuộc hôn nhân có thể như ý được đây? Nếu không biết kiềm chế tính tình, cứ nhất quyết phải trách móc đối phương, không ngừng bất bình oán thán, thì nội tâm sẽ như quả cầu lửa vậy, một khi đã bùng cháy thì khó mà có thể vãn hồi.

Nếu trong một gia đình, vợ chồng gặp chuyện là tranh cãi khắc khẩu, thậm chí nghiêm trọng hơn là thượng cẳng chân hạ cẳng tay, thì lâu dần không chỉ ảnh hưởng xấu đến tình cảm đôi bên mà còn ảnh hưởng đến việc giáo dục thế hệ sau. Con cái thường xuyên chứng kiến cảnh cha mẹ khắc khẩu, bạo lực trong gia đình thì rất khó để trở thành những người có đức hạnh tốt trong tương lai. Nếu trong một gia đình mà cha mẹ, anh em, con cái xảy ra tranh cãi lẫn nhau thì sự tan rã sẽ đến rất nhanh chóng. Chỉ khi các thành viên trong gia đình hòa thuận, vui vẻ thì mới có thể “đồng tâm hiệp lực”, “đồng cam cộng khổ”.

Trong cuộc sống hiện đại, còn có nhiều cặp vợ chồng kết hôn đã lâu nên dường như quên mất nguyên nhân ban đầu cả hai đến với nhau. Có người lại quen dùng kính lúp để soi mói cái sai của người khác, thậm chí dùng khuyết điểm của nửa kia để che dấu cho thiếu sót của bản thân mình. Đúng sai về mặt hình thức nhiều khi là không quan trọng. Nếu biết nhìn vào mặt tốt nhiều hơn, khen ngợi nhiều hơn, thì hôn nhân tự nhiên cũng hòa hợp và ấm áp.

Đời người không như ý, cuộc sống vốn luôn có những lúc thăng trầm. Điều cần phải học được khi gặp khó khăn chính là đừng than vãn. Nếu trong lòng thật sự tức giận, thì chí ít cũng nên học cách nhẫn nhịn, tu khẩu. Rất nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ chỉ vì những chuyện không đâu, những chuyện đáng nên nhẫn mà lại không được nhẫn.

Trong “Thi Kinh” có bài thơ “Kích Cổ” (Đánh trống) rất hay như thế này:

Tử sinh khiết thoát,
Dữ tử thành thuyết.
Chấp tử chi thủ,
Dữ tử giai lão.

Nghĩa là:

Lúc tử sinh hay khi cách biệt,
Chẳng bỏ nhau lời quyết thệ rồi.
Cầm tay nàng hẹn mấy lời:
“Sống bên nhau mãi đến hồi già nua”.

(Bản dịch của Tạ Quang Phát)

Dù là văn hóa phương Đông hay phương Tây, hôn nhân kỳ thực đều mang một ý nghĩa thiêng liêng vô cùng, vượt qua cả lời hẹn ước của lứa đôi. Ở phương Tây, khi vào nhà thờ làm lễ, người ta cầu xin Chúa trời chứng giám cho lứa đôi. Ở phương Đông, trong ba lần bái lạy nơi hôn lễ, thì bái đầu tiên chính là bái thiên địa, hàm ý xin trời đất chứng giám cho hôn nhân. Vậy nên hôn nhân còn mang ý nghĩa như một lời thề hẹn thiêng liêng, rằng cả hai sẽ luôn ở bên nhau, vượt qua gian nan không oán trách.

Bởi vậy hãy nhớ, trong hôn nhân có một nét đẹp gọi là tu khẩu.

Quang Minh biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: