Lão Tử giảng: “Đại trượng phu xử kì hậu bất cư kì bạc, xử kì thật bất cư kì hoa”, đại ý là bậc quân tử chân chính lấy khoan hậu đối đãi với người, tâm địa thiện lương, không hà khắc với người mà cũng không bị trầm mê vào những thứ xa hoa trống rỗng. Người khoan hậu sẽ dễ được lòng người, đạt được thành công, bậc quân vương khoan hậu cũng sẽ duy trì được vương vị lâu dài. 

Đạo trị quốc: Khoan hậu đối đãi mọi người
(Tranh: History.com, Public Domain)

Trong cuốn chính sử Tam Quốc Chí có ghi chép lại một sự việc về Tào Tháo. Khi Tào Tháo đánh bại Viên Thiệu, thu được sách, bảo vật, xe ngựa và các chiến lợi phẩm, đồng thời cũng tìm thấy thư từ trao đổi giữa thuộc hạ của mình với Viên Thiệu. Tào Tháo đã hạ lệnh cho đốt hết những bức thư này. Những người tùy tùng của Tào Tháo hỏi tại sao không xử lý những người đó, Tào Tháo nói: Lúc đó Viên Thiệu quá mạnh, ta còn không bảo vệ được chính mình huống gì là những người khác.”

Vì Tào Tháo bao dung, không truy cứu nên mọi người rất cảm động. Biết chuyện, người dân ở các thành của các quận ở Ký Châu đều chấp nhận đầu hàng Tào Tháo.

Vào thời Xuân Thu Chiến Quốc, nước Lương có một vụ án chưa đủ chứng cứ rất khó phán xử, một nửa quan cai ngục cho rằng tội ác phải bị trừng phạt, nửa còn lại cho rằng nên được đặc xá. Lương vương do dự chưa quyết được. Nghe nói Đào Chu Công Phạm Lãi là người rất có trí tuệ nên Lương vương đã triệu Chu Công đến hỏi:Ông nghĩ vụ án này nên xử lý như thế nào?”

Chu Công nói: “Ở nhà tôi có hai miếng ngọc màu trắng, màu sắc giống nhau, đường kính giống nhau và độ sáng cũng giống nhau. Nhưng một miếng có trị giá ngàn vàng, một miếng có trị giá năm trăm vàng”.

Lương vương hỏi:Đường kính và màu sắc không có gì khác biệt. Một miếng trị giá một ngàn vàng và một miếng trị giá năm trăm vàng. Tại sao lại như vậy?”

Chu Công đáp: “Nếu nhìn nghiêng thì một miếng dày gấp đôi miếng kia cho nên nó đáng giá ngàn vàng.”

Lương vương chợt hiểu ra, nói: “Đúng vậy!” 

Thế là Lương vương biết khoan hậu đối đãi với dân chúng, đối với những vụ án kết tội cũng được mà không cũng được, thì đều sẽ không kết tội, đối với những người có thể được khen thưởng hay không cũng được thì đều sẽ khen thưởng. Nước Lương từ trên xuống dưới ai nấy đều rất vui vẻ cao hứng.

Trong Tân Tự Tạp Sự Tứ của Lưu Hướng thời nhà Hán còn ghi chép một chuyện. Nước Lương có một người tên là Tống Tựu, từng làm quan huyện ở biên cương. Huyện này tiếp giáp với nước Sở. Người ở biên giới nước Lương và nước Sở đều trồng dưa, nhưng cách trồng lại khác nhau. Người nước Lương cần cù, thường xuyên chăm sóc cho ruộng dưa, nên dưa phát triển rất tốt. Ngược lại, người nước Sở lười biếng, ít khi chăm sóc ruộng dưa nên dưa chậm phát triển.

Người nước Sở trong lòng ghen tỵ vì dưa nước Lương tốt hơn nên đêm đến liền lén phá hoại ruộng dưa của nước Lương. Sau khi người nước Lương phát hiện ra sự việc này đã báo lên huyện lệnh, đồng thời họ cũng muốn phải phá hoại ruộng dưa nước Sở để trả thù.

Tống Tựu nghe trình báo vậy bèn hàng đêm sai quân lính nước Lương qua tưới ruộng dưa cho nước Sở. Người nước Sở sáng sớm đi thăm ruộng dưa, phát hiện dưa đều đã được tưới nước, ngày qua ngày sinh trưởng rất tốt. Người Sở thấy kỳ lạ liền chú ý theo dõi mới phát hiện ra là quân lính nước Lương tưới giúp. Huyện lệnh nước Sở nghe được chuyện này liền báo cáo cho vua nước Sở.

Vua nước Sở nghe xong cảm thấy xấu hổ, liền nói với các quan chủ quản: “Đây là người nước Lương thầm trách cứ chúng ta đó”.

Sau đó vua nước Sở cho mang lễ vật đến tạ lỗi với Tống Tựu, đồng thời xin được kết giao với vua nước Lương. Vua nước Sở thường tán dương vua nước Lương, cho rằng vua Lương giữ chữ tín. Vậy nên mới nói mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Lương Sở là bắt nguồn từ Tống Tựu.

Ba câu chuyện xưa đều nhắc nhở chúng ta rằng, đối xử khoan hậu với người thì tác dụng thu được sẽ gấp bội, và chỉ khi đối đãi tốt với người thì mới được lâu dài.

Theo MHWindow.org
An Hòa biên tập

Xem thêm:

Mời xem video: