Đế quốc Mông Cổ là một trong những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, những cuộc chinh phục của họ khiến khắp thế giới run sợ. Năm 1279, đại quân Mông Cổ đánh bại nhà Tống, đánh dấu thời kỳ hùng mạnh nhất với phần lãnh thổ trải dài đến 24 triệu km2. Tuy nhiên đế quốc nào rồi cũng có lúc phải lùi vào dòng chảy lịch sử.

lang 1
Lăng Thành Cát Tư Hãn ở Nội Mông. (Ảnh: Fanghong, Wikipedia, Creative Commons)

Dã Tiên thống nhất Bắc Nguyên

Nhà Bắc Nguyên tại Mông Cổ cũng không thể đoàn kết, chia làm 3, gọi là người Mông Cổ Đông, người Mông Cổ Tây (Oirat hay Vệ Lạp Đặc), và nhóm Uriyangkhai.

Người Vệ Lạp Đặc cho rằng mình là hậu duệ của A Lý Bất Ca và các hoàng tử khác, có xu hướng chống lại người Mông Cổ Đông.

Các Hãn quốc cùng Mông Cổ Đông, Mông Cổ Tây (Vệ Lạp Đặc), nhóm Uriyangkhai nội chiến liên miên.

Đầu thế kỳ 15, thủ lĩnh Vệ Lạp Đặc là Dã Tiên đã có các chiến dịch tiến đánh các Hãn khác và thành công vang dội, đưa Vệ Lạp Đặc lên đến đỉnh cao.

Nắm 1449, Dã Tiên đưa 2 vạn kỵ binh tấn công nhà Minh và liên tiếp giành chiến thắng. Vua Minh Anh Tông cùng 50 vạn quân đến đánh nhưng bị thảm bại, toàn quân bị diệt, vua Minh Anh Tông bị bắt làm tù binh. (Xem bài: 2 vạn quân Mông Cổ tiêu diệt 50 vạn quân Minh như thế nào?)

Sau khi đánh bại các đối thủ, năm 1453 Dã Tiên lên ngôi Đại Hãn của Bắc Nguyên. Tuy nhiên đến năm 1455 thì Dã Tiên bị sát hại, nội chiến giành ngôi Đại Hãn ở Bắc Nguyên lại nổ ra.

Đổi tên thành Đại Nguyên, suy yếu rồi bị tiêu diệt

Phải đến thời điểm khoảng năm 1510 thì có Đại Hãn lên cầm quyền ổn định được tình thế, đổi tên Bắc Nguyên thành Đại Nguyên.

Đến nửa cuối thế kỷ 16 thì Đại Nguyên ngày càng suy yếu sau các cuộc nội chiến, lại bị thêm đợt dịch bệnh cùng việc không phát triển ngoại thương khiến người Mông Cổ thường vượt biên giới vào Trung Quốc cướp phá.

Sang thế kỷ 17, Đại Kim của người Nữ Chân uy hiếp tấn công Đại Nguyên. Năm 1635, Mông Cổ đầu hàng Đại Kim, các quý tộc Mông Cổ cũng tôn Hoàng Thái Cực làm Đại Hãn của họ.

Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ

Lúc này tại Hãn quốc Sát Hợp Đài, các Hãn vẫn tranh giành nhau với nhiều tiểu quốc. Các Hãn yếu thế phải nhờ người Mông Cổ Tây (Vệ Lạp Đặc) giúp đỡ. Đến đầu thế kỷ 17, người Vệ Lạp Đặc tiến đánh Hãn quốc Sát Hợp Đài, giam cầm các Hãn, làm chủ Hãn quốc Sát Hợp Đài.

Năm 1680, người Vệ Lạp Đặc tiến quân chiếm được lòng chảo Tarim (khu vực Tân Cương ngày nay). Họ thành lập Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ hùng mạnh. Lãnh thổ Hãn quốc này nằm ở phía tây Vạn Lý Trường Thành đến phía đông Kazakhstan ngày nay, phần lớn lãnh thổ nằm ở khu vực Tân Cương.

Từ năm 1688, Vệ Lạp Đặc có cuộc chiến kéo dài với nhà Thanh.

Năm 1745, Đại Hãn Galdan Tseren của Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ mất, các con cháu có cuộc chiến tranh giành ngôi vị khiến Hãn quốc suy yếu. Những người yếu thế phải nương nhờ nhà Thanh.

Nhà Thanh nhân cơ hội này tiến quân vào đánh chiếm Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ. Đến năm 1758 thì Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ hoàn toàn thuộc về nhà Thanh.

Triều đại Mogul

Nhà Đại Nguyên và Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ bị nhà Thanh tiêu diệt, Đế quốc Mông Cổ rộng lớn khi xưa chỉ còn lại Triều đại Mogul ở Ấn Độ.

Như kỳ trước đã nói, cháu 6 đời của Thiếp Mộc Nhi là Babur không thể giữ được đất đai của mình ở Hãn quốc Sát Hợp Đài nên đến Ấn Độ. Năm 1524, ông thành lập Triều Mogul (Mogul cách nói chệnh đi từ Mongol – nghĩa là Mông Cổ), năm 1526 thì lên ngôi Vua.

Triều đại Mogul ngày càng hùng mạnh, đỉnh cao là năm 1700 có biên giới từ Ấn Độ, phía đông đến Bangladesh, phía tây đến Ba Tư (Iran ngày nay), lãnh thổ rộng đến 4 triệu km2.

Nhưng từ năm 1725, Mogul bắt đầu bất ổn với những cuộc nội chiến giành ngôi vị. Lãnh thổ rộng lớn nhưng không dung hòa được giữa các tôn giáo. Mâu thuẫn ruộng đất khiến dân chúng nổi lên chống lại.

Dù thế Triều đại Mogul vẫn tồn tại và phải đến khi quân Anh xâm chiếm Ấn Độ giành thuộc địa, Triều đại Mogul mới chấm dứt vào năm 1857.

Đến đây Đế quốc Mông Cổ hùng mạnh khiến khắp thế giới run sợ, lãnh thổ trải dài mênh mông đến 24 triệu km2 cũng chấm dứt.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: