Đế quốc Mông Cổ là một trong những đế quốc hùng mạnh nhất thế giới, những cuộc chinh phục của họ khiến khắp thế giới run sợ. Năm 1279, đại quân Mông Cổ đánh bại nhà Tống, đánh dấu thời kỳ hùng mạnh nhất với phần lãnh thổ trải dài đến 24 triệu km2. Tuy nhiên đế quốc nào rồi cũng có lúc phải lùi vào dòng chảy lịch sử.

Nhà Nguyên cùng ba Hãn Quốc lớn

Do lãnh thổ quá rộng lớn rất khó quản lý, vì thế mà Đế quốc Mông Cổ chia làm 4 Hãn Quốc lớn là:

Hãn Quốc Kim Trướng: Bao gồm các nước như Nga, Ukraina, Moldova, Kazakhstan và hầu hết các nước thuộc Đông âu ngày nay. Khả Hãn đầu tiên là Bạt Đô (con trưởng của Truật Xích, cháu nội của Thành cát Tư Hãn).

Người Nga hay gọi Hãn Quốc này là “Kim Trướng” bởi những người Mông Cổ đến đây thích ở trong lều bạt, chỉ có lều của Khả Hãn mang màu vàng. “Kim Trướng” nghĩa là lều vàng. Người Nga phải đóng thuế cho Kim Trướng Hãn Quốc để nhờ họ chống lại các cuộc cướp phá từ phía tây.

han quoc kim truong
Bản đồ Hãn Quốc Kim Trướng. (Ảnh: Gabagool, Wikipedia, CC BY 3.0)

Hãn Quốc Sát Hợp Đài: Đây là Hãn Quốc của Sát Hợp Đài – con trai thứ hai của Thành Cát Tư Hãn.

ban do han quoc sat hop dai
Bản đồ Hãn Quốc Sát Hợp Đài. (Ảnh: Gabagool, Wikipedia, CC BY 3.0)

Hãn Quốc Oa Khoát Đài: Oa Khoát Đài là con trai thứ 3 và cũng là người kế vị Thành Cát Tư Hãn. Sau này người cháu của ông là Hải Đô thành lập được Hãn Quốc Oa Khoát Đài.

Hãn Quốc Y Nhi: Hãn Quốc này bao gồm các nước Mông Cổ, Iran, Iraq, Afghanistan, Turkmenistan, Armenia, Azerbaijan, Gruzia, Thổ Nhĩ Kỳ, và Pakistan ngày nay.

han quoc y nhi lon
Bản đồ Hãn Quốc Y Nhi. (Ảnh: Arab League, Wikipedia, Public Domain)

Sau này Hãn Quốc Oa Khoát Đài sáp nhập vào Hãn Quốc Sát Hợp Đài, Hải Đô dù không làm Khả Hãn nhưng lại chọn người làm Khả Hãn và cai quản Hãn Quốc này. Lúc này chỉ còn lại 3 Hãn Quốc.

Năm 1271, Đại Hãn Hốt Tất Liệt lập ra triều Nguyên, lấy hiệu là Nguyên Thế Tổ, chuyển Kinh đô đến đóng ở Đại Đô (Bắc Kinh ngày nay).

Năm 1279, đại quân Mông Cổ diệt xong nhà Tống, lãnh thổ rộng đến đỉnh điểm 24 triệu km2, đặt dưới sự quản lý của nhà Nguyên cùng 3 Hãn Quốc lớn.

Tuy nhiên nhà Nguyên cùng 3 Hãn Quốc thường hay mâu thuẫn và đánh lẫn nhau. Trên danh nghĩa thì Nguyên Thế Tổ Hiết Tất Liệt là người nắm quyền lực tối cao, nhưng 3 Hãn Quốc đều không phục.

Cuộc nội chiến

Năm 1285, nhà Nguyên tập trung lương thực và quân đội nhằm tiến đánh Đại Việt Việt ở phía nam, khiến dân chúng phải cống nạp lương thực và làm phu dịch rất vất vả. Cuối năm 1287, quân Nguyên bắt đầu tiến quân, nhưng đến năm 1288 thì đại quân thất trận trở về. Cuộc chiến này khiến nhà Nguyên suy yếu, dân chúng nổi lên, các Hãn Quốc nhân cơ hội cũng tiến quân.

Cháu nội của Đại Hãn Oa Khoát Đài là Hải Đô là người ảnh hưởng đến Hãn Quốc Sát Hợp Đài tấn công nhà Nguyên. Tình thế cấp bách khiến Hốt Tất Liệt phải đích thân cầm quân ra phía bắc cầm cự, cuộc chiến diễn ra nhiều năm khiến Đế quốc Mông Cổ suy yếu.

Hải Đô đưa Đô Oa lên làm Khả Hãn của Sát Hợp Đài, rồi thường đưa quân tiến đánh Hãn Quốc Y Nhi.

hot tat liet
Bức họa Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt vào năm 1294. (Ảnh: Araniko, Wikipedia, Public Domain)

Năm 1294, Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt mất, Hải Đô nhân cơ hội này đem quân Hãn Quốc Sát Hợp Đài tấn công. Nguyên Thành Tông nối ngôi đưa quân chống lại, cuộc chiến diễn ra nhiều năm. Đến năm 1300, Nguyên Thành Tông đưa quân tấn cống. Năm 1301, quân Nguyên tiến vào Cáp Lạp Hòa Lâm (Kinh đỗ cũ của Mông Cổ), Hải Đô thua trận và qua đời sau đó. Đô Oa phải đầu hàng, xin quy thuận và triều cống cho nhà Nguyên.

Năm 1304, con trai của Hải Đô, Hãn Quốc của Sát Hợp Đài là Đô Oa cùng các Hãn Quốc Kim Trướng và Y Nhi đồng lòng dâng thư lên Nguyên Thành Tông, dẹp bỏ hết mọi mâu thuẫn cùng hiềm khích trước đây, cùng tôn Nguyên Thành Tông là Chúa tể tối cao, cùng chung hưởng hòa bình và thiết lập bang giao.

nguyen thanh tong
Nguyên Thành Tông. (Ảnh: Anonymous, Wikipedia, Public Domain)

Đáp lại, Nguyên Thành Tông cho rằng tất cả đều là hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn và là huynh đệ của nhau, tránh đánh phá lẫn nhau vì sẽ tự làm suy yếu, đồng ý quan hệ giao hảo.

Bị đồng hóa theo người bản địa

Dù Đế quốc Mông Cổ không còn mâu thuẫn đánh nhau, nhưng vẫn dần suy yếu do văn hóa. Các dân tộc bản địa bị xâm chiếm vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình, khiến người Mông Cổ nơi đây dần bị đồng hóa theo dân tộc của người bản địa.

Nhà Nguyên ở Trung Hoa bị Hán hóa, Hãn Quốc Y Nhi bị Hồi giáo hóa, Hãn Quốc Sát Hợp Đài bị dân bản địa Turk (bao gồm người Kazakh, Uzbek, Kyrgyz, Uyghur, Azerbaijan, Turkmen, Tatar, Qashkai, Bashkir, Chuvash, Afshar và Thổ Nhĩ Kỳ) đồng hóa.

Từ năm 1295, những người cai trị ở Hãn Quốc Y Nhi đều theo tín ngưỡng Hồi giáo. Người Mông Cổ ở Hãn Quốc Sát Hợp Đài dần bị Turk hóa, quân đội có hàng chục vạn nhưng toàn người bản địa. Hãn Quốc Kim Trướng sang thế kỷ 14 thì công nhận Hồi giáo là quốc giáo.

Sự thay đổi rất nhanh về văn hóa dẫn đến các mâu thuẫn và xung đột về kinh tế và chính trị, các Hãn cai trị vì xung đột lợi ích nên thường đánh lẫn nhau khiến suy yếu. Quyền lực của tầng lớp cai trị Mông Cổ suy giảm cũng là lúc người bản địa nổi lên, họ lợi dụng sự mẫu thuẫn giữa các Hãn để làm giảm dần thế lực của người Mông Cổ.

Người bản địa giành quyền tự trị

Tại Hãn Quốc Sát Hợp Đài, năm 1346, một Tù trưởng địa phương đã nổi dậy giết chết Đại hãn Hợp Tán. Các Bộ lạc bản địa nắm quyền quản lý đất nước mình ở phía tây Hãn Quốc là Transoxiana (thuộc Uzbekistan, Tajikistan, miền nam Kyrgyzstan và tây nam Kazakhstan ngày nay). Tuy nhiên các bộ lạc có mối liên minh lỏng lẻo nên đã quyết định để hậu duệ của Thành Cát Tư Hãn ngồi trên ngai vàng nhưng chỉ là bù nhìn.

Năm 1358, Thốc Hốt Lỗ từ phía đông tấn công sang phía tây Hãn Quốc nhằm duy trì lại trật tự như cũ. Các thủ lĩnh người Turk run sợ vội cử Thiếp Mộc Nhi (Timur) đến gặp Thốc Hốt Lỗ bang giao để tránh cuộc chiến. Thiếp Mộc Nhi là Tộc trưởng Barlas, được chọn vì ông xưng là hậu duệ Thành Cát Tư Hãn, nhưng trong gia phả cho thấy ông xuất thân gần với dân Thổ (Turk) hơn.

Thiếp Mộc Nhi đến gặp Thốc Hốt Lỗ rồi kết đồng minh, cùng đưa quân tấn công vào miền tây. Nhờ được lòng dân chúng và giới quý tộc, dần dần quân của Thiếp Mộc Nhi ngày càng mạnh và làm chủ được vùng đất phía tây Transoxiana của Hãn Quốc Sát Hợp Đài.

Một bộ phận người Mông Cổ chạy sang phía đông lập ra Hãn quốc Đông Sát Hợp Đài (Mughalistan), đưa quân giáo chiến với quân ở phía tây Transoxiana nhưng đều bị đánh bại.

Năm 1340 thì dịch bệnh “cái chết đen” bắt đầu xuất hiện, sau đó bao phủ khắp Hãn Quốc Kim Trướng. Việc giao thương bị đình trệ, người Nga không kham nổi các khoản thuế liền liên kết cùng chống lại Mông Cổ. Cùng lúc đó hãn Jani Beg bị ám sát khiến Hãn Quốc này rơi vào cuộc chiến quyền lực kéo dài, đỉnh cao có thời kỳ mỗi năm có một vị xưng Hãn.

Các Công quốc Nga cùng liên minh chống lại Mông Cổ, không chịu đóng thuế như trước. Quân Mông Cổ liền tiến đánh, trận đánh lớn nhất là trận Kulikovo năm 1380 giữa 5 vạn quân Nga và 10 vạn quân Mông Cổ cùng chư hầu. Ban đầu quân Mông Cổ ở thế chủ động tấn công và khả năng vượt qua được quân Nga. Tuy nhiên quân Nga đã chuẩn bị từ trước đội quân bổ sung vào phút cuối, khiến quân Mông Cổ bị bất ngờ.

Kết quả quân Mông Cổ thảm bại, gần như bị tiêu diệt hoàn toàn, phía Nga có 2 vạn quân tử trận. Đây là chiến thắng lớn đầu tiên của người Nga trước sự cai trị của Mông Cổ, là một trong những chiến thắng quan trọng nhất của nước Nga và được xem là trận đánh “khai sinh nước Nga”.

(Còn nữa)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: