Tôi lần đầu tiên đọc cuốn “Cải cách giáo dục Việt Nam liệu có thực hiện được lấy học sinh làm trung tâm?” của tác giả Tanaka Yoshitaka cách đây khoảng hơn 10 năm. Tôi nhớ thời điểm tôi chạm tay vào cuốn sách này là khoảng tháng 9 năm 2009, khi đó tôi mới bắt đầu vào học cao học tại Đại học Shiga (Nhật Bản). Hồi đó, sau 3 năm học tiếng Nhật, khả năng đọc tiếng Nhật của tôi có khá lên chút ít và tôi có nhu cầu đọc bất cứ cuốn sách nào mình quan tâm trong thư viện của trường, nơi chứa không biết cơ man nào là sách vở. Ngoài những sách trực tiếp liên quan đến đề tài nghiên cứu phục vụ việc viết luận văn sau này và các bài tiểu luận cho mỗi môn học cụ thể, tôi khi đó “nung nấu” trong lòng một ý định là sẽ đọc xem người Nhật nghĩ như thế nào, nhìn nhận như thế nào, viết như thế nào về giáo dục Việt Nam. Ở nước ta lúc đó giáo dục đang là tâm điểm của truyền thông với bao nhiêu vấn đề được đưa ra mổ xẻ từ bạo lực học đường, thi cử, bệnh thành tích tới thay đổi chương trình, sách giáo khoa.

Ở thư viện của trường Đại học Shiga, tôi đã tìm thấy hàng chục cuốn sách viết về Việt Nam từ lịch sử, văn hóa tới giáo dục và đời sống. Cuốn sách của tác giả Tanaka Yoshitaka có hai bản nhưng khi tìm trên hệ thống điện tử của thư viện thì cả hai đều trong tình trạng “được mượn” và tôi đã phải chờ đợi khá lâu khi một trong hai người kia (một người là giảng viên, một người có lẽ là sinh viên) trả thư viện. Tôi ngồi trong căn phòng lớn lặng như tờ của thư viện và chậm rãi đọc. Cuốn sách đã dẫn tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Tôi đã đọc cuốn sách 2-3 lần và ghi chép lại bằng cả tiếng Nhật và tiếng Việt một số đoạn trích dẫn quan trọng để rồi sau đó, khi ở Việt Nam bùng lên chuyện bạo lực học đường tôi có viết một bài báo giới thiệu góc nhìn của Tanaka Yoshitaka về chuyện một số giáo viên ở Việt Nam lẫn lộn giữa “quyền lực”“quyền uy”. Bài viết ban đầu được đăng tải trên Facebook cá nhân của tôi và thật không ngờ nó nhận được lượt “like” “share” rất lớn.

Một nhà báo làm việc ở báo Vietnamnet nhắn tin gợi ý tôi nên gửi bài cho báo và kết quả là bài viết này xuất hiện trên Tuanvietnam – một chuyên san điện tử của báo Vietnamnet vào quãng tháng 2 năm 2010. Sau đó tôi có đưa bài viết có tựa đề “Khi người thầy nhầm lẫn ‘quyền lực’ với ‘quyền uy’” này vào cuốn sách “Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản” (NXB Phụ Nữ, 2016). Ngày 2/4/2018, chuyên san Tuanvietnam của báo Vietnamnet một lần nữa đăng tải lại bài viết này kèm theo lời dẫn tương đối dài trong bối cảnh dư luận quan tâm nhiều chiều đến các vấn đề giáo dục và cuộc cải cách giáo dục “căn bản, toàn diện” đang được đẩy mạnh .

Như vậy có thể thấy cái “duyên” giữa tôi và cuốn sách đã được khởi lên từ rất sớm và kéo dài nhiều năm. Ý định dịch cuốn sách này ra tiếng Việt có trong tôi ngay từ hồi năm 2009 tuy nhiên vì nhiều lý do công việc tôi thích thú này phải hoãn lại cho đến hiện tại.

Dịch cuốn sách này không dễ nhưng đối với tôi, đó là một công việc đem lại nhiều cảm hứng và suy ngẫm. Trong các cuộc cải cách giáo dục ở quy mô quốc gia thời hiện đại, nhất là các cuộc cải cách giáo dục ở các nước đang phát triển, sẽ không thể thiếu vai trò tư vấn, hỗ trợ của các chuyên gia đến từ các quốc gia tiên tiến. Tanaka Yoshitaka là thành viên của đoàn chuyên gia Nhật Bản hoạt động ở Việt Nam trong nhiều năm. Có thể coi những gì Tanaka Yoshitaka viết trong sách này là tập hợp những gì ông đã thu lượm được ở hiện trường giáo dục Việt Nam. Có thể khi đọc, chúng ta – những người làm giáo dục người Việt sẽ có chút gì đó “khó chịu” như một phản xạ tự nhiên khi bị một người ngoại quốc nhìn vào công việc mình đang làm và đưa ra nhận xét, đánh giá này kia. Tuy nhiên, hãy bình tĩnh và suy xét. Tanaka Yoshitaka viết cuốn sách công phu này không phải để “khen” hay để “chê” giáo dục Việt Nam. Ông là một chuyên gia phát triển giáo dục vì thế công việc thường ngày của ông là tiến hành khám xét, chẩn đoán, mổ xẻ bất cứ nền giáo dục nào người khác đặt hàng ông hay ông quan tâm để tìm ra giải pháp và tiến hành trợ giúp người nước đó giải quyết. Ông viết cuốn sách này bằng tiếng Nhật và xuất bản ở Nhật để trước tiên và chủ yếu cho người Nhật đọc. Hơn nữa, như ông viết rõ ở “Lời nói đầu”“Lời bạt”, ông muốn ngay cả Nhật Bản cũng có thể học được điều gì đó từ trường hợp của Việt Nam, cả thành công và thất bại vì trong con mắt ông (cũng như nhiều chuyên gia người Nhật khác), bản thân giáo dục Nhật Bản cũng đang gặp rất nhiều vấn đề cần phải cải cách.

Vì vậy, tính “khách quan” của cuốn sách là điểm đáng chú ý. Ban đầu, tác giả viết sách không nhằm để cho người Việt đọc. Điều đó một cách tất yếu, sẽ đem lại cho chúng ta những thông tin không bị chi phối bởi cảm tính. Chính vì vậy ở chương 1 (Giáo dục nào đang được tiến hành ở Việt Nam?), chương 2 (Những vấn đề giáo dục Việt Nam đang đối mặt), chương 3 (Cải cách giáo dục không nhìn thấy hiệu quả) ta sẽ thấy tác giả Tanaka Yoshitaka quan sát, phân tích tỉ mỉ cụ thể, thực chứng và vô cùng nghiêm khắc nhiều vấn đề trong đó có những chi tiết, vấn đề khiến chúng ta… giật mình choáng váng. Chúng ta giật mình đơn giản vì bình thường chúng ta đã quen với các vấn đề đó hoặc thậm chí không coi nó là vấn đề mà là đương nhiên, ví dụ như chuyện “quyền lực” của người giáo viên trong lớp học với những mệnh lệnh và tiếng thước nện chát chúa lên mặt bảng. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở chuyện mổ xẻ các vấn đề cùng các nguyên nhân sâu xa, trực tiếp tạo ra các vấn đề ấy, cuốn sách sẽ làm cho nhiều người thất vọng.

Không!

Không chỉ dừng lại ở đó, từ vị trí của một chuyên gia phát triển giáo dục có nhiều kinh nghiệm và trực tiếp có mặt ở Việt Nam, lăn lộn với giáo viên Việt Nam ở trường học nhiều năm, Tanaka Yoshitaka đã dành hẳn chương cuối cùng (chương 4 ) để “Đề xuất cách tiếp cận phát triển giáo dục mới” cho Việt Nam. Theo tôi, những đề xuất của ông đưa ra ở đây có tính khoa học và thực tiễn cao, nó thể hiện rõ tư tưởng xây dựng “trường học dân chủ” mà J. Dewey và nhiều nhà giáo dục học khác đã đề xướng từ đầu thế kỉ 20 đã và đang được thực hiện rộng rãi trên thế giới cũng như đường hướng của cuộc cải cách giáo dục “từ dưới lên” thông qua các thực tiễn giáo dục mà nước Nhật đã và đang trải qua. Những gì ông đề xuất ở đây, như chính ông đã viết trong cuốn sách, không phải là những đề xuất suông mà chính là những gì ông và các đồng nghiệp người Nhật và người Việt đã thực hiện nhiều năm qua ở Việt Nam.

Tất nhiên, khi đọc cuốn sách này các độc giả cũng cần lưu ý rằng, hiện trường giáo dục mà tác giả Tanaka Yoshitaka phân tích, mổ xẻ chủ yếu là giáo dục tiểu học và đó là hiện trạng giáo dục cách nay khoảng 10 năm. Trong 10 năm qua, giáo dục Việt Nam tất yếu có nhiều thay đổi. Có những vấn đề đã được giải quyết hoặc giải quyết ở mức độ nào đó và có cả những vấn đề đã trở nên trầm trọng hơn. Đương nhiên, những vấn đề mới cũng sẽ xuất hiện. Giáo dục Việt Nam, cho dù có tính “đồng nhất” cao như tác giả đã chỉ ra và phân tích vẫn có sự chênh lệch và khác biệt nhất định trong thực tế giữa các vùng miền. Những quan sát của tác giả Tanaka Yoshitaka có lẽ chủ yếu dành cho các trường ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc hoặc các tỉnh ngoại vi Hà Nội vì vậy có thể độc giả ở các khu vực khác khi đọc sẽ nhận ra những điểm khác biệt nhất định.

Trong khi dịch cuốn sách này, người dịch đã cố gắng dịch sao cho dễ hiểu, sát nguyên tác và không làm sai lệch thông tin tuy nhiên rất nhiều văn bản mà tác giả sử dụng để trích dẫn hoặc tham khảo là tài liệu tiếng Anh được dịch ra từ tiếng Việt vì thế khi dịch lại một lần nữa ra tiếng Việt (trong khi chưa có điều kiện tra cứu toàn bộ văn bản gốc) sẽ có độ vênh nhất định về câu từ rất mong bạn đọc thông cảm và chỉ dạy để người dịch sửa chữa, chỉnh lý. Trong bản tiếng Nhật, các tên đất, tên người ở Việt Nam được viết bằng chữ Katakana (thứ kí tự được người Nhật dùng để phiên âm các từ ngoại lai) vì thế việc dịch lại chính xác sang tiếng Việt trong nhiều trường hợp là bất khả. Do đó ở một số trường hợp sự chính xác của tên nhân vật là tương đối. Mặt khác, có một số tên người, tên địa danh được nêu cụ thể trong bản tiếng Nhật nhưng trong bản tiếng Việt chúng tôi ẩn đi để đảm bảo tính riêng tư khi công bố.

Cuối cùng, tôi hi vọng cuốn sách này sẽ đem lại cho đông đảo bạn đọc Việt Nam từ các nhà quản lý giáo dục cho đến giáo viên, phụ huynh, học sinh, sinh viên những thông tin bổ ích và lý thú.

Xin được cảm ơn Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, Công ty cổ phần sách và công nghệ giáo dục Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để cuốn sách được xuất bản ở Việt Nam. Đặc biệt ở đây, xin được bày tỏ lòng biết ơn từ đáy lòng mình tới cô Kawasaki Kayoko, giáo viên tình nguyện dạy tiếng Nhật tại Đại học Shiga, người đã dạy tiếng Nhật miễn phí cho tôi suốt gần 5 năm tôi học ở đây cũng như đã chỉ dạy, giúp đỡ tôi rất nhiều cả trong đời sống cá nhân và học thuật.

Nguyễn Quốc Vương
Bài đã in trong cuốn “Đọc sách thú vị hơn em tưởng”, NXB Lao Động 2023

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Mời liên hệ đặt mua sách

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: