Các cháu đã thi xong môn văn!

Nhiều cháu ấm ức.

Một số cháu luyến tiếc.

Nhiều phụ huynh cay đắng.

Một số khác thở phào.

Người ta không thể học để trở thành nhà văn cho dù muốn là nhà văn lớn thì học vấn rất quan trọng.

Nhưng người ta có thể học để có thể diễn đạt tốt tình cảm, ý nghĩ, tư tưởng của thân, trình bày mạch lạc kiến thức mình có bằng tiếng mẹ đẻ để phục vụ cuộc sống và công việc.

Để có thể làm như vậy thì mấy việc sau rất quan trọng (dù không phải là tất cả).

1. Quan sát, trải nghiệm, suy ngẫm về thiên nhiên, cuộc sống, bản thân mình.

2. Đọc sách (đủ thể loại trong đó quan trọng có văn chương, lịch sử, địa lý, xã hội học, triết học, nghệ thuật)

3. Tập biểu đạt ý nghĩ, tư tưởng, kiến thức, cảm xúc của bản thân bằng ngôn ngữ: nói, kể, viết trong mọi tình huống, mọi cơ hội, mọi hình thức có thể. Phổ biến và hiệu quả nhất là sinh hoạt trong câu lạc bộ đọc sách, viết nhật kí, viết sổ tay đọc sách, viết blog, viết trên mạng xã hội, tập viết bài cho báo, tạp chí, tập làm thơ, viết văn.

Thế nhưng trên thực tế ta thấy rất đông đảo phụ huynh lo lắng cho con mình học văn viết văn bằng cách chi tiền cho con đi học thêm tối ngày để luyện các kĩ thuật viết văn (mở bài ra sao, kết bài thế nào, trích dẫn ra sao) và nghe, chép các bài văn mẫu.

Cách làm trên vừa không hữu ích cho việc biểu đạt bằng tiếng mẹ đẻ mà lâu dần làm cho học sinh thui chột luôn phản xạ tự nhiên là suy nghĩ và cảm thấy hạnh phúc khi nói ra suy nghĩ của mình. Đó là lý do càng lớn lên, càng học lắm càng lười nghĩ, lười đọc, lười nói, lười viết và quan trọng hơn nữa là KHÔNG NÓI RA SUY NGHĨ, CẢM XÚC THẬT!

Muốn luyện các kĩ thuật viết kiểu khoa cử đó để phục vụ thi thì chỉ cần dăm bữa, nửa tháng đọc tài liệu hướng dẫn hay nghe cô giáo có tâm giảng vài buổi là nắm được hết. Mà không! Chỉ cần trên lớp nghe giảng, học chăm bình thường là đủ.

Ở ta, phụ huynh không tiếc tiền đầu tư cho giáo dục. Tiếc thay trong rất nhiều “thương vụ giáo dục” việc đầu tư không trúng!

Trong hàng chục vạn gia đình giàu có chỉ lác đác vài nhà có thư viện.

Trong hàng ngàn ngôi trường hoành tráng có lẽ chỉ vài chục trường có thư viện, phòng thí nghiệm đúng nghĩa.

Trong hàng triệu bài văn được viết ra mỗi kì thi chỉ có rất ít bài văn viết ra từ sự thổn thức và chân thật.

Người Việt thường thích sự “bình yên” trong tâm trí hoặc sự “thư nhàn” nơi đầu óc. Tuy nhiên rất tiếc người đạt đến trạng thái đó chỉ có các bậc tu hành như Phật tổ, Lão Tử mà thôi. Những bậc đó đạt đến sự bình an nhờ dùng trí tuệ nhìn thấu rõ sự thật, sự vận hành thế giới chứ không phải bịt mắt trước thế giới để cái đầu lười nghĩ.

Tư duy sai lầm sẽ dẫn đến hành động sai lầm.

Đó là lý do giải thích tại sao trong khi không gian học văn, thực hành môn văn ngày một rộng mở hơn bao giờ hết thì các gia đình vẫn cứ loay hoay với sách giáo khoa, với chuyện học thêm – dạy thêm, với các đề văn mà nhìn xong chỉ biết thở dài.

Nguyễn Quốc Vương

Theo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm:

Mời xem video: