Ngày xưa bố có ăn quà vặt không?

Có chứ!

Là trẻ con, ai lại không ăn quà vặt?

Ngoan như anh Cò – người gần như không bao giờ năn nỉ ỉ ôi đòi bố mẹ quà vặt cũng thích khi được bố mẹ mua quà cho kia mà! Em Típ thì ngược lại thấy gì cũng đòi… mua vì em nhỏ lại rất háu ăn. Chị Gạo thì tùy lúc, có lúc không đòi gì cả, có lúc thì khóc lóc đòi mẹ mua cho kẹo mút hay kẹo cầu vồng bằng được.

Hồi bé chú Đôn cũng hay kiểu khóc lóc đòi quà như thế. Hôm nào bà đi chợ về mà không có quà thì chú sẽ khóc lóc rồi bốc gạo của bà vãi ra sân cho gà ăn. Bố thì tất nhiên chỉ níu tay, níu chân bà đòi quà miệng kêu “Đi! đi!” thôi chứ không khóc.

Hôm nào bà nội không mua quà, tức là hôm đó bà đã ngồi ở chợ cả buổi sáng mà không bán được món hàng nào. Bà thương con nhưng không có tiền để mua. Bây giờ các con sinh ra và lớn lên ở thành phố, cuộc sống cũng đủ đầy hơn, nên các con không có được trải nghiệm “mong mẹ đi chợ về cho quà” như bố ngày xưa.

Ngày xưa mỗi khi bà cất gánh lên vai đi chợ là bố lại phập phồng chờ bà đi chợ về cho quà. Có hôm không kịp chờ bà đưa, bố và chú Đôn tự lật tìm quà trong đôi thúng đi chợ của bà.

Bà thường mua những món quà như bánh đa, bánh rán, bánh dợm (bánh nếp), bánh tẻ… Thi thoảng bà mua kẹo bột. Thứ kẹo này bây giờ bố không thấy người ta bán nữa và có lẽ các con cũng không biết nó thế nào. Kẹo các con ăn bây giờ được đóng gói trong túi, hộp đẹp đẽ và được làm trong các nhà máy có sử dụng máy móc. Tuy nhiên, kẹo bột ngày xưa bố ăn lại hoàn toàn được làm thủ công tức là bằng tay. Người ta trực tiếp làm chúng bằng các nguyên liệu như đường, bột gạo, gừng… Họ nấu chảy đường trên chảo rồi sau đó trộn với bột, gừng, khuấy đều, đổ ra cho nguội, vắt thành khối rồi cắt thành các miếng, viên nhỏ. Các viên này lại được trộn với bột gạo được chế biến từ bỏng. Kẹo bột được đặt trên các mẹt bày bán ở chợ. Ai mua thì gói trong lá chuối khô hoặc cho vào túi bóng.

Mỗi lần bà nội đi chợ bà sẽ mua một gói nhỏ, mỗi chị em sẽ được một vài viên. Bố và chú Đôn sẽ vừa ăn vừa thi ngậm kẹo trong miệng xem thằng nào ngậm lâu hơn. Việc ấy rất khó! Khi ngậm viên kẹo sẽ nhanh chóng tan chảy ngọt ngào trong miệng hòa trộn với vị gừng vừa cay cay vừa thơm. Nó thúc giục mình nhai và nuốt. Thế nên hiếm khi bố kiên nhẫn ngậm viên kẹo cho tới khi nó tan hết hoàn toàn. Cố gắng thế nào đi nữa thì cuối cùng bố cũng bị vị ngon, ngọt, thơm của viên kẹo cám dỗ và bố sẽ nhai rồi nuốt. Khi đó, lúc đã ăn hết kẹo của mình, bố rất thèm thuồng khi nhìn thấy viên kẹo của chú Đôn còn nằm trong tay. Nhưng không bao giờ xin mà chú cho cả dù thi thoảng chú lại xòe bàn tay ra khoe viên kẹo bột còn nằm nguyên ở đó với nhúm bột màu trắng.

Ngoài bánh rán, bánh đa, kẹo, các loại bánh… bà cũng mua cả các loại quả làm quà. Những loại quả bà hay mua làm quà cho các con là sim, ổi, thị… Ở chợ người ta thường bán sim đựng trong các thúng. Ai mua thì họ dùng cái bơ hoặc cái đấu sắt để đong. Sim thì rẻ lắm. Bố nhớ có lần bà mua một đấu sim mà chỉ có 500 đồng. 500 đồng hồi đó mua được một cái bánh rán. Thi thoảng bà cũng mua cả quả chay. Quả này cũng rẻ nhưng bố không thích lắm vì nó chua. Ngay cả quả to, chín mềm ra rồi cũng vẫn rất chua. Bố đảm bảo rằng ai ăn từ hai quả trở lên cũng có cảm giác răng mình mềm ra hoặc sắp tuột khỏi hàm. Cảm giác răng mềm đi khi ăn chay gọi là “ghê răng”. Tức là sau khi ăn chay rồi mà người ta ăn thứ gì đó cứng một chút ví dụ nhai kẹo hay ăn mía thì răng sẽ bị ê, buốt như sắp bị gãy hoặc rụng. Lúc nào kiếm được quả chay bố sẽ cho các con ăn thử. Ngay lúc này đi, khi viết nhắc đến quả chay, tự nhiên nước bọt bố tứa ra trong miệng. Đó là vì bố đã từng ăn quả chay. Mùi vị của nó đã trở thành hình ảnh lưu giữ trong não bố nên khi nhắc đến nó thì não và các giác quan được đánh thức. Nếu các con chưa từng ăn quả này thì khi đọc các con sẽ chỉ tò mò “quả chay là quả gì” mà thôi. Sẽ không có nước bọt tứa ra trong miệng giống bố đâu!

Ngoài lúc bà đi chợ về, thi thoảng bố cũng được ăn quà vặt khi trong làng, xã có lễ hội và bố được đi xem. Khi đó bà sẽ cho bố 500 đồng hay một hai nghìn để mua đồ chơi, ăn quà vặt. Số tiền đó không nhiều đâu. Nó chỉ đủ để mua một, hai cái bánh rán hoặc vài cái kẹo bột, đôi khi là một cái súng nước nhưng bố rất thích. Cũng có khi bố để dành tiền đó để mua kem hoặc kẹo kéo người ta bán rong. Ở làng xưa vào buổi trưa thường có các hàng kem, hàng kẹo kéo đi bán rong. Người bán kem thì vừa đi xe đạp vừa cầm cái còi nhựa mềm, đầu bịt sắt bóp. Cái kèn phát ra tiếng kêu “Kem mút! Kem mút”. Với bọn trẻ thì đấy là tiếng kêu cám dỗ mê hồn. Thường thì chỉ cần bóp để còi phát ra tiếng kêu thế là đủ, người ta không cần rao “Kem đây! Kem mút đây!”. Bọn trẻ nghe tiếng “Kem mút! Kem mút!” thì chạy túa ra cổng ngóng. Thùng kem được người bán đèo ở sau xe. Thường là thùng có vỏ gỗ bên ngoài, trong là xốp, trên nắp hộp phủ một lớp vải… bẩn! Thật! Rất bẩn là khác. Bố vẫn nhớ vải phủ trên đó cũ kĩ, nhăn nheo và loang bổ bẩn. Nhưng có hề gì! Bọn trẻ chỉ quan tâm đến que kem mát lạnh với cái que tre thò lên phía trên mà thôi. Chúng thò tiền ra và sung sướng nhận que kem từ bàn tay cáu bẩn, thô ráp của người bán. Cũng có khi chúng dùng các vật dụng đã hỏng, cũ như lưỡi cày, cuốc, dao, dép rách, lông gà, lông vịt nhặt được trong nhà ra đổi. Người bán kẹo kéo thì rao “kẹo kéo đê êê!”. Khi bọn trẻ chìa tiền hay các loại lông là, lông vịt ra thì họ dùng que ngoáy vào nồi kẹo để vê thành một cục ở đầu que đưa cho lũ trẻ. Giờ nghĩ lại thì thấy tay họ cực bẩn. Đôi bàn tay ấy cầm đủ thứ lông gà, lông vịt, dép, xích xe xong lại mó luôn vào que kẹo. Thậm chí họ còn dùng luôn tay đó véo cho kẹo trong nồi vồng lên để dễ cuốn vào que.

Mặc! Bọn trẻ nhà quê chẳng quan tâm, chúng chỉ nghĩ đến vị ngọt của kẹo. Kẹo đó bọn trẻ con gọi là “kẹo kéo”. Bố đọc sách thì thấy trong đó họ gọi là “kẹo mạch nha”. Sách viết rằng người ta làm kẹo mạch nha từ gạo nếp hoặc lúa mạch có sử dụng men từ mầm thóc để tạo ra vị ngọt. Những người bán “kẹo kéo” đều là người lạ từ đâu đó đến. Bố chưa từng thấy một người nào ở làng biết làm thứ kẹo này. Cả ông nội, bà nội cũng không biết làm. Bởi thế bọn trẻ con như bố thích chúng một phần vì chúng có vị ngọt bí ẩn.

Vào mùa hè, ngoài hàng kem và hàng kẹo mút còn có hàng “bánh đa quế”. Người này thường đèo sau xe hai cái sọt và treo trước ghi đông xe đạp một cái túi to. Hai cái sọt là để đựng những thứ bọn trẻ con mang đổi như sắt vụn, lông gà, lông vịt, chai nhựa… Cái túi to treo ở ghi đông là túi đựng “bánh đa quế”. Gọi là bánh đa nhưng nó không phải là bánh đa gạo mà bà hay mẹ vẫn đi chợ mua về đâu. Bánh đa này nhỏ xíu và rất nhẹ. Nó chỉ nhỏ bằng cái đĩa nhỏ dùng đựng lá trầu khi cúng của cụ nội tức là to hơn cái bát ăn cơm một chút. Cầm trên tay có cảm giác nó nhẹ bẫng như chiếc lông gà. Không rõ nó được làm bằng thứ bột gì vì vị của nó rất khác bánh đa gạo. Mùi thơm của nó thoảng vị quế. Bánh đa quế có đủ thứ màu: trắng, vàng, xanh, đỏ. Người bán xếp thành từng chồng.

Đón chiếc bánh đa từ tay người bán bố bẻ nhỏ đưa vào miệng và tận hưởng cảm giác miếng bánh tan chảy trên lưỡi. Vị quế thanh mát lan tỏa khắp cơ thể. Bánh quế có ngọt nhưng ngọt rất thanh. Bọn trẻ như bố có thể ăn hết cả 10-20 cái là thường. Nhưng hiếm khi có được nhiều bánh như thế. Không có một tiêu chuẩn nào nên khi đổi đồ cho người bán họ đưa bao nhiêu bánh thì đưa. Họ tự định ra giá trị của món đồ bọn trẻ đem tới. Cũng có khi vừa đổi bánh đa quế họ còn đổi luôn cả vòng chun hay bi ve cho trẻ. Toàn những thứ bọn trẻ nhà quê thích mê nên có khi mới thấy họ ở đầu làng bọn trẻ đã xô ra xem rồi chạy theo thành một đám ở phía sau.

Một cảnh tượng mà bây giờ có lẽ chỉ còn thấy trên phim ảnh.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả: