Bố nhớ là “không”. Bố không nhớ được hình ảnh nào ông bà nội đọc sách cho bố nghe. Thật lạ các con nhỉ! Nhà ông bà có đầy sách kia mà. Ở nhà mình bây giờ có ngày nào mà bố, mẹ không đọc sách cho các con nghe. Ít nhất mỗi ngày trước khi đi ngủ bố đều đọc cho Típ và Gạo nghe 4-5 cuốn sách. Đấy là bố phải mặc cả kĩ trước khi đọc nếu không Típ sẽ bắt bố đọc hết cuốn này đến cuốn khác không cho bố đi ngủ.

Ông bà không đọc sách cho bố nghe khi bố chưa vào học lớp một có lẽ vì hồi đó chưa có nhiều loại sách như sách tranh, ehon dành riêng cho trẻ em từ 0-6 tuổi như bây giờ. Sách hồi đó cho dù là sách cho trẻ em cũng chủ yếu là in đen trắng trên giấy rất xấu. Nhìn mấy tập truyện tranh Tây Du ký bố vẫn giữ được từ ngày đó thì các con thấy rõ ngay. Hơn nữa bố nghĩ cho dù ông nội quan tâm tới việc đọc sách của các con từ rất sớm, ông cũng cho rằng muốn đọc sách thì các con phải biết chữ đã. Bởi thế hình ảnh đầu tiên mà bố nhớ được liên quan đến chuyện đọc sách hồi nhỏ là chuyện ông nội hướng dẫn bố tập viết chữ cái và đọc sách giáo khoa lớp một.

Bố vẫn nhớ như in giống như chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Ông nội đã nổi giận khi bố không thể nào viết được số 3. Chữ số 3 nào bố cũng viết nằm úp sấp xuống. Bù lại bố học đọc rất nhanh. Đọc rất to, lưu loát và sau đó đọc thầm với tốc độ rất nhanh. Ở lớp không có bạn nào đọc tốt bằng bố.

Tuy không đọc sách cho bố nghe lúc nhỏ nhưng bù lại ông bà hay ru. Bố vẫn nhớ cảnh được ông bà bế hay cho ngồi vào lòng để ru. Ông bà ru bố bằng dân ca, cao dao rồi truyện kiều, thơ của nhiều nhà thơ khác. Có lẽ vì thế chăng mà sau này bố thích đọc thơ và làm thơ? Cũng không rõ nữa. Trong nhà ông nội có 6 người thì có đến 4 người biết làm thơ. Kể ra đấy cũng là một sự lạ nếu so sánh với xung quanh nơi người dân xa lạ với văn sách vở, văn chương. Đó cũng là một trong những lý do sau này bố mẹ cũng ru con. Bố nghĩ là bây giờ không nhiều bố mẹ ở độ tuổi bố mẹ ru con nữa. Một số người sẽ bật điện thoại hay ipad để con nghe lời ru thu âm sẵn của nghệ sĩ. Bố nghĩ ru con cũng là một hình thức đọc sách cho con nghe.

Ở nhà ông bà có một bản truyện Kiều in đã lâu, giấy đen, bìa sờn nhìn rất cũ kĩ. Ông bà nội hay đọc cuốn đó. Bố đã từng đọc nó nhiều lần. Sách in cả phần chữ Nôm và vô vàn chú thích chi tiết. Cả ông nội và bà nội đều thích và thuộc lòng truyện Kiều. Bố thì chịu. Tuy đọc rất nhiều lần nhưng bố chỉ thuộc được những đoạn đặc biệt nào đó thôi. Bảo bố đọc thuộc lòng toàn bộ hay bất kì đoạn nào trong tác phẩm thì bố chịu.

Vì thuộc truyện Kiều nên ông bà hay ru bố bằng truyện Kiều. Bố không chắc là bố khi đó có hiểu gì không nhưng vẫn thích. Cảm giác ngồi trong lòng bố mẹ tai nghe ru và mắt nhắm lại lim dim ngủ thật thích. Các con cũng thế. Bố không chắc các con có hiểu lời bố mẹ ru không nhưng ai cũng thích được bố mẹ bế, cho ngồi vào lòng và ru. Đến như anh Cò học lớp một rồi vẫn thích bố ru. Chỉ đến khi lên lớp hai anh Cò mới bảo “Thôi bố không ru con nữa. Bố kể chuyện cổ tích cho con nghe đi”. Và thế là mỗi đêm bố lại phải kể cho anh Cò nghe một câu chuyện. Hoặc là bố kể lại chuyện bố đã đọc được ở đâu đó. Hoặc là bố phải… tự mình bịa ra.

Khi bố biết đọc sách rồi thì ông nội thi thoảng lại yêu cầu bố kể cho ông nghe những gì bố đọc được trong sách. Có thể khi đó ông đang chẻ lạt, đan rổ hay là băm rau lợn. Bố sẽ ngồi ở gần đó và kể cho ông nghe mình vừa đọc sách gì, câu chuyện thế nào. Bởi vì ông cũng là người rất chăm đọc sách nên khi nghe xong ông có thể đưa ra bình luận, đặt ra các câu hỏi. Bố rất thích quãng thời gian đó. Người đọc sách thường có nhu cầu chia sẻ niềm vui và những gì mình đã đọc được, mình đã suy ngẫm từ cuốn sách với người khác. Chuyện này cũng thấy rõ khi anh Cò đã ngồi vào bàn ăn cơm mà vẫn huyên thuyên kể với bố mẹ về đế quốc La Mã hay là cuộc chiến thành Troy.

Bố mẹ rất mong các con sẽ thích và chăm đọc sách. Bố sẵn sàng đọc sách cho các con nghe ngay cả khi các con đã biết chữ và đã vào học tiểu học. Và rồi, thi thoảng mình hãy đổi vai, các con hãy đọc sách cho bố mẹ nghe nhé. Trong nhà mình anh Cò, sắp vào lớp 3, đã đọc thạo rồi. Chị Gạo, sắp vào lớp 1 đang tập đọc bập bẹ. Em Típ thì tất nhiên còn nhỏ chưa cả nhớ được mặt chữ cái. Anh Cò hiện tại thi thoảng cũng đọc sách cho Gạo và Típ nghe. Khi chị Gạo đọc thạo rồi, chị Gạo cùng anh Cò nhớ đọc sách cho em Típ nghe với nhé.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: