Nhà ông bà nội có nuôi lợn trong khu chuồng được ông dựng trong vườn. Chuồng lợn được tạo thành bởi tường bao ba phía, riêng phía trước thì đóng cọc tạo thành một hàng rào thưa. Chuồng có cửa được đóng lại bằng các dóng lắp ngang. Thi thoảng nếu ai cho lợn ăn mà quên không đóng, lũ lợn sẽ phóng ra ngoài và không chịu đi vào. Khi đó phải “đuổi lợn vào chuồng”. Ôi thôi! Thật là ầm ĩ. Tiếng người thét, tiếng cho sủa, tiếng lợn kêu. Khi nào chúng bướng không chịu vào chuồng thì bố hoặc ông sẽ đổ lũ chó ra và thế là a lê hấp, lũ chó vừa sủa vừa bợp vào tai lũ lợn. Hoảng hốt chúng nhảy vọt vào chuồng ngay tức khắc.

Bây giờ người ta nuôi lợn hay trộn cám sống hay cho lợn ăn thức ăn đã được chế biến sẵn. Tuy nhiên, ngày xưa ông bà nội nuôi lợn bằng cám nấu chín. Trong nồi cám sẽ có đủ thứ: lá khoai lang (ở quê nội con hay gọi là rau củ), củ khoai lang nhỏ, khoai tây nhỏ (khoai bi), cám (thứ bột mịn sinh ra khi người ta xay hoặc xát thóc thành gạo)… Thi thoảng ông bà còn bỏ vào đó một vài quả trứng ung, một nhúm nhái hay vài con cua, con cá nhỏ… Khi nào có mấy món này, lũ lợn ăn như hóa rồ. Vừa ăn vừa hục hặc cắn nhau eng éc ầm ĩ. Chúng tợp cám mạnh đến nỗi cám bắn tứ tung lên mặt chúng và xung quanh. Có lần chúng làm bắn cả cám lên mặt bố.

Mà không chỉ là lợn ăn đâu nhé! Cũng có khi ông vừa bóp cám lợn vừa nhặt xem có quả trứng ung hay củ khoai nào ăn được thì lấy ra cho các con ăn. Bố đã ăn cả trứng ung và khoai lấy ra từ nồi cám đó!

Trứng ung ăn cũng ngon ra trò nhưng thấy người ta đồn “Ăn trứng ung thì học dốt” nên bố cũng chỉ dám ăn một, hai quả.

Các con thấy thế nào? Có “ghê” không? Bây giờ có cho thêm kẹo cũng chẳng trẻ nào dám ăn món này và bố mẹ nào cho con ăn món này nữa. Thậm chí kể lại chuyện này, nhiều người không có trải nghiệm còn bảo đó là chuyện bịa.

Muốn có cám trong nồi cho lợn ăn thì tất nhiên phải nấu và trước khi khi nấu thì phải băm rau lợn. Các loại rau như rau khoai lang, thân cây chuối, củ khoai lang… phải được băm nhỏ. Người băm dùng một khúc gỗ gọi là “đòn băm rau lợn” để băm rau. Đòn băm rau lợn phải đảm bảo chắc, ít rung lắc và mặt trên phẳng để kê rau lên. Thường nó làm từ gốc cây to hoặc các phiến gỗ. Băm nhiều mặt trên nó lõm xuống chi chít nhát dao. Người băm tay trái nắm chặt mớ rau, tay phải cầm dao chặt xuống. Nghệ thuật băm rau là vừa băm thật nhanh vừa đảm bảo rau được băm nhỏ và quan trọng nhất là không chặt vào tay mình. Nhìn người băm rau lợn làm việc ta có cảm giác thót tim khi họ vừa băm thoăn thoắt vừa nói chuyện thậm chí còn nhìn vào bếp trông chừng nồi gì đó đang nấu. Với những loại rau củ cứng thì băm còn mềm như cây chuối thì thái.

Bố cũng tập băm rau lợn từ nhỏ nhưng có một lần bố băm bị chặt vào tay chảy máu. Vết thương không sâu lắm nhưng từ đó bà không cho bố băm rau lợn nữa.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: