Trước khi trả lời câu hỏi này, bố hỏi các con một câu nhé! Các con ăn cơm bố nấu thấy thế nào? À chính xác ra thì phải hỏi là “Các con ăn thức ăn bố nấu thấy thế nào?” bởi vì cơm bây giờ nấu bằng nồi cơm điện. Tức là nồi nấu chứ không phải là bố nấu.

Ngon đúng không? Chưa lần nào bố nấu, các con ăn mà các con chê bố nấu không ngon cả. Chỉ có mẹ vừa cười vừa chê thôi.

Bố cũng thấy kì lạ là khi mẹ con nấu cơm, mẹ nấu rất lâu, rất cầu kì với bao nhiêu là món. Nấu xong mẹ hì hụi dọn ra mâm bày biện đẹp mắt. Nhưng rồi có khi các con cứ ngồi chống đũa chán chê rồi mới ăn. Có khi chị Gạo khủng khỉnh chê chẳng ăn rồi mẹ nịnh mãi thì kết luận “Con chỉ ăn cơm trắng với canh thôi! Hứ!”. Thế là mẹ nổi cáu.

Bố mà nấu thì thế nào nhỉ? A lê hấp! Rất đơn giản và cực nhanh. Cắm cơm trong chớp mắt này. Sau đó thì bố luộc rau. Cuối cùng bố nấu một món nào đó. Ví dụ như là rán trứng hay là thịt lợn xào cà chua. Dễ ợt. Thức ăn bố nấu cực ngon luôn. Đảm bảo 100%. Bằng chứng là bố vừa dọn ra các con đã sà vào đánh chén ầm ầm. Có khi còn quên luôn cả mời bố mẹ.

Ơ, sao thế nhỉ? Bố nấu đơn giản thế mà các con lại khen ngon và ăn lấy ăn để.

Mẹ thì giải thích là bố ít nấu hơn mẹ nên khi bố nấu thì các con thấy háo hức, mới lạ nên ăn ngon lành.

Các bá thì bảo “Cậu mải việc nấu muộn bọn trẻ đói mềm cả người ra rồi thì chúng nó lại chả thấy ngon!”. Các bá nói thế làm bố nhớ tới chuyện Trạng Quỳnh cho nhà chúa ăn mầm đá.

Nhưng mà ai nói đúng nhỉ?

Chẳng biết ai đúng nhưng bản thân bố cũng thấy lạ vì thật ra bố biết là bố nấu ăn rất tồi. Thức ăn bố nấu người ăn thấy ngon và khen ngon thật lòng chắc chỉ có các con.

Ngày xưa bố lên lớp một là đã phải nấu cơm giúp ông bà rồi. Bếp nhà ông bà ngày xưa không có cả bếp ga lẫn bếp điện (bếp từ) như nhà mình đang dùng đâu. Ngày thường ông bà sẽ nấu bằng củi, lá, trấu. Những khi có việc gì đó cần làm cỗ như có giỗ, tết thì ông đắp bếp lò và nấu bằng than. Nấu bằng củi thì còn dễ vì chỉ khó lúc ban đầu khi nhóm lửa lên cho củi cháy thôi nhưng nấu bằng lá thì khác, khó hơn rất nhiều. Lá, nhất là lá tre, cháy rất nhanh. Vèo một cái lửa đã liếm sạch lá. Cần phải ngồi ngay bếp để đưa lá vào liên tục sao cho lửa không tắt giữa chừng. Nếu nấu mà để lửa gián đoạn liên tục thì kiểu gì cơm cũng chín không đều. Khi cho lá vào cũng phải cho một lượng vừa phải. Cho nhiều quá bếp bị bí sẽ khói mù mịt. Người nấu sẽ chảy nước mắt giàn giụa. Hơn nữa thi thoảng phải biết dùng que cời để nâng lá lên hoặc gạt tro, than ra phía sau bếp để không khí vào nhiều hơn, lửa cháy tốt hơn.

Ghét nhất là nấu bằng lá tre, sau là đến rơm rạ. Chúng vừa tạo ra nhiều tàn tro bay tứ tung, rơi khắp đầu, khắp người vừa dễ tắt. Khi tắt phải thổi rất mệt. Hồi đó diêm hay dầu rất quý nên không có chuyện cứ mỗi lần tắt lại châm một que diêm hay có đèn dầu thắp cả ngày để lấy lửa đâu các con. Bật lửa (ở quê ông nội gọi là máy lửa) khi đó không dùng ga mà dùng dầu hoặc xăng. Đánh cực khó. Bật máu ngón tay cái chưa chắc đã cháy. Nhiều khi máy lửa còn bị kẹt đá hay sặc xăng. Lúc đó thì ức phát khóc chỉ muốn lấy chày giã cho nó mấy cái. Ông nội đã từng làm thế đấy! Nhiều khi đánh chảy máu tay mà không được bố cũng quay ngược máy lửa xuống miết bánh xe của nó xuống ghế hay mặt viên gạch nào đó. Làm thế mới sửa được kẹt đá! Những viên đá lửa hồi đó bố vẫn nhớ thường có màu xanh, đỏ nho nhỏ như ruột bút chì. Đá ấy bà nội thường mua ngoài chợ Hòa Bình.

Mới tập nấu cơm thì bố chỉ nấu nước uống. Không có bình siêu tốc hay ấm điện các con nhé! Nhà ông bà nội khi đó nấu nước uống bằng siêu. Ở nhà ông bà bây giờ vẫn còn dùng đó các con. Lần tới về quê các con hãy quan sát kĩ nó nhé. Nó làm từ nhôm, có cái quai để cầm và có vòi dài để rót. Bố cứ đun sôi nước thì gọi ông bà “Bố/mẹ ơi rót nước cho con”. Ông bà sẽ tạm ngưng việc đang làm chạy vào xách siêu nước lên nhà rót vào phích. Ông bà chưa dám cho bố tự làm việc này vì sợ bố bị bỏng. Việc này nguy hiểm thật mà. Muốn rót được nước từ siêu vào phích thì phải dùng tay nâng siêu nước cao hơn miệng phích và rót thật khéo cho nước chảy vào trong không bắn ra ngoài. Bố còn nhỏ chưa đủ sức nâng siêu bằng một tay và chưa đủ khéo để không làm nước bắn ra ngoài. Ở quê các con biết không, rất nhiều trẻ đã bị bỏng vì nước sôi trong phích đó. Có trẻ phải nhập viện điều trị. Đấy là lý do bây giờ ở nhà ông bà nội phích nước được cất rất kĩ.

Hồi đầu bố rất thích đun nước. Không phải bố thích giúp ông bà mà là vì khi đun nước bố được nghịch. Kiểu này hệt anh Cò hay em Típ bây giờ. Khi làm việc gì cũng tranh thủ nghịch một tí. Em Típ đi rửa tay có khi mất 10 phút vì thấy xà phòng thú vị lại quay ra nghịch. Anh Cò thì vào phòng gấp chăn, thấy cuốn sách hay miếng lego hay hay lại ngồi đó đọc hoặc nghịch cho đến khi bố mẹ thấy “mất tích” gọi ầm lên mới ra. Khi đun nước để biết nước sôi hay chưa cũng phải học. Ông bà dặn là lúc nào vung của siêu nước nảy lên lập bập và vòi, miệng siêu phì khói thì là sôi. Đúng thế thật. Nếu đun quá thì nước sẽ trào ra cả ở hai nơi đó, thậm chí nước đẩy bật vung siêu rơi xuống bãi tro. Mặc dù biết thế nhưng bố vẫn nghịch vì tò mò. Có khi đun lâu lâu bố lại mở nắp vung siêu xem nó sôi chưa. Mở nhiều như vậy nước rất dễ “oi khói”. Hôm nào nước bị oi khói, các bá uống kêu ầm ĩ rồi tố cáo với ông bà là “Thằng Quốc nấu nước bị oi khói rồi”. Hồi bé ở nhà bố được mọi người gọi là “Quốc” chứ không gọi là “Vương”. Đến giờ ở làng vẫn nhiều người gọi bố như vậy.

Sau khi đã nấu nước thành thạo rồi thì bố được nấu cơm. Nấu cơm khó nhất là ghế cơm. Tức là khi cơm sôi phải mở vung ra và dùng đũa cả “ghế”. Thực chất là dùng đũa quấy cho gạo trong nồi được trộn đều, nhận nhiệt cân bằng tránh chỗ chín chỗ không. Ghế cho đến khi nước cạn thì đậy vung bắc xuống đống tro và dùng lá hay rơm đốt xung quanh nồi. Làm thế thì cơm mới chín đều, mới ngon. Bố biết thừa là như thế nhưng mà khi nấu bố lại hay phân tâm bởi những việc khác như nướng khoai, nghịch lửa hay đọc sách nên tỉ lệ cơm bị khê, sống nhiều hơn là cơm chín. Thế nên lúc ăn cơm hai bá hay tố cáo là “cơm bị tám rưỡi” (tức là chưa chín hẳn). Ố la la. Bố biết nhưng lờ đi. Thi thoảng bố cũng nấu thức ăn. Trứng rán và thịt lợn xào cà chua là hai món tủ của bố bởi vì ngày xưa bố hay nấu hai món này. Mẹ các con hay kể hồi mẹ mang bầu anh Cò ở Nhật mẹ được bố nấu cho ăn món thịt lợn nấu cà chua suốt cả tháng là vì thế!

Nói chung bố không thích nấu ăn. Bởi thế khi nấu ăn bố thường không tập trung vào việc đó. Trong thời gian mà bố thấy nhàm chán đó bố sẽ làm việc gì đó để giải trí cho vui như dùng que cời nghịch lửa, nướng khoai, đọc sách. Các con thấy nấu ăn bằng lá khó như trên rồi ngày hè bếp chật hẹp, nóng bức như vậy mà bố vẫn đọc sách được có kì quái không? Rất nhiều cuốn sách bị nhọ nhem cả ở bìa và bên trong là vì bố đã đọc chúng khi nấu ăn như thế. Nếu các con xem mấy cuốn truyện tranh Tây Du Ký bố còn giữ được đến giờ thì sẽ thấy vẫn còn cả vết tay nhọ của bố ở đó.

Không biết nấu ăn hay đúng hơn là nấu ăn dở là một điểm yếu của bố. Khi sống một mình lúc học đại học và đi du học, nếu nấu ăn giỏi bố có thể tự chăm sóc mình tốt hơn. Hơn nữa khi nấu ăn mà vui với việc đó thì bố hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Khi lấy vợ, có con mà mình biết nấu ăn hay nấu ăn giỏi thì bố có thể nấu cho gia đình ăn các món ngon. Có thể nhờ thế gia đình mình sẽ còn vui hơn nữa. Cứ nhìn vẻ mặt và tiếng reo của các con khi được mẹ nấu cho ăn món gì đó mới là biết. Có lẽ mẹ cũng biết thế nên bây giờ mẹ đang tập dần cho anh Cò, chị Gạo rửa bát, nhặt rau, cắm cơm và… rán trứng. Bố thấy anh Cò và chị Gạo rất thích rán trứng hay làm bánh. Em Típ thì cũng thích nhưng em còn bé quá nên em toàn nghịch là chính.

Nếu chăm chỉ học theo hướng dẫn của mẹ, bố tin đến lúc nào đó các con sẽ nấu ăn giỏi. Tất nhiên là sẽ giỏi hơn cả bố ngày xưa và hiện tại.

Nguyễn Quốc Vương

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả: