Khi còn sống ở Nhật Bản, trải nghiệm cuộc sống và quan sát cộng đồng người Việt, tôi nhận ra một điều những người Việt sống ở đây cho dù có tài năng ngang ngửa người bản xứ vẫn ít cơ hội và khả năng thành công như người Nhật. Lý do không phải chỉ vì họ không có quốc tịch Nhật Bản. Chỉ cần visa vĩnh trú, về cơ bản quyền lợi của người nước ngoài sống ở Nhật Bản được bảo đảm, không gặp mấy khó khăn về điều kiện kinh doanh, làm việc, sinh sống, học tập…

Cái khó khăn lớn nhất của người nước ngoài nói chung và người Việt nói riêng khi sống và làm việc ở Nhật là thiếu “tư bản xã hội”. Đó là thiếu những gì thuộc về “người Nhật” như hiểu biết sâu sắc và thẩm thấu văn hóa, lối sống Nhật Bản. Một người sinh ra là người Nhật, lớn lên trong gia đình người Nhật, có họ hàng là người Nhật Bản, học từ mẫu giáo đến hết đại học bằng tiếng Nhật, cùng người Nhật sẽ rất khác người nước ngoài đến Nhật học rồi ở lại làm việc về mặt văn hóa. Sự thẩm thấu, tích lũy văn hóa, lối sống cần đến thời gian, môi trường và một thứ gì đó vô hình được “di truyền” qua các thế hệ. Xã hội Nhật phân biệt “trong”“ngoài” rất rõ và có tính đồng nhất cao về văn hóa vì vậy người nước ngoài đương nhiên sẽ gặp bất lợi lớn khi không có sự tích lũy về văn hóa.

Người Việt sống ở đây cũng gặp bất lợi khi không có sẵn các mối quan hệ sâu sắc, rộng lớn tạo thành mạng lưới để cộng sinh, nương tựa trong cuộc sống và công việc. Xây dựng quan hệ với người Nhật cho dù là trong công việc hay đời sống sẽ cần đến rất nhiều thời gian và trải qua nhiều thử thách. Chính vì vậy muốn thành công, khẳng định được bản thân, người Việt sẽ phải có tài năng lớn, phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba người bản xứ.

Hạn chế về giao tiếp, kết giao xã hội vì vướng phải bức tường ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tích lũy tư bản xã hội là một trở ngại lớn đối với người Việt sống ở Nhật. Người Việt sống ở các nước khác trên thế giới có lẽ cũng đối mặt với những vấn đề tương tự.

Cũng giống như vậy, xét ở trong cùng một nước, trẻ em, thanh thiếu niên sinh ra lớn lên trong các gia đình nghèo khó cũng gặp khó khăn trong giao tiếp, kết giao xã hội, hòa nhập vào các cộng đồng và thiết lập mạng lưới của mình.

Các bạn hãy quan sát lại một lần nữa trải nghiệm của bản thân khi sống trong gia đình nghèo khó và các gia đình có hoàn cảnh tương tự ở hiện tại xem mối quan hệ xã hội của họ và các đứa trẻ trong gia đình đó thế nào?

Họ có giao lưu, kết giao rộng rãi với nhiều tầng lớp trong xã hội?

Con cái trong các gia đình đó chơi với những nhóm bạn bè nào, có xuất thân, hoàn cảnh gia đình ra sao?

Các gia đình đó có mối quan hệ bền chặt với những ai?

Không phải cứ nghèo khó là không có tình yêu thương và thực chất tình yêu thương sẽ vượt qua mọi thứ, không kể sang hèn, giàu nghèo. Tuy nhiên, trong thực tế tình hình cũng không đúng như sự thi vị hóa cái nghèo, mĩ hóa cái nghèo kiểu “nghèo mà vui”, “nghèo mà yêu thương nhau”, “nghèo mà đoàn kết”, “nghèo mà bình yên”.

Trong rất nhiều trường hợp nghèo khó là nhân tố phá hủy các mối quan hệ trong gia đình, họ hàng và cộng đồng. Khi cuộc sống nghèo khó người ta dành toàn bộ năng lượng, sức lực, mối quan tâm cho sự sinh tồn vì vậy người ta không có thời gian, sức lực, mối quan tâm để đầu tư cho các mối quan hệ ở xung quanh.

Vì vậy rất khó có thể nói nghèo khó thúc đẩy các mối quan hệ trở nên sâu sắc, lâu dài. Hơn nữa, nghèo khó cũng ngăn cản cơ hội tiếp xúc với văn hóa, giáo dục vì vậy các cá nhân sống trong nghèo khó dễ rơi vào tình trạng thiếu các kĩ năng, kiến thức cơ bản và sự tinh tế cần thiết để xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với xung quanh. Tình trạng bạo lực, đánh chửi nhau, bất hòa… xảy ra trong các cộng đồng nghèo đói, các khu ổ chuột, các xóm lao động nghèo là một thực tế đau lòng khó có thể né tránh.

Do hoàn cảnh chi phối, trẻ em, thanh thiếu niên sinh ra, lớn lên trong các gia đình, cộng đồng nghèo khó rất khó xây dựng được mối quan hệ thân thiết, sâu sắc với các trẻ em, thanh thiếu niên ở các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, thượng lưu. Cơ hội để họ tiếp cận được các cộng đồng còn lại khi còn là học sinh rất khó. Cho dù chúng ta có lòng trắc ẩn, đồng cảm với người nghèo và theo đuổi lý tưởng nhân đạo, công bằng đi chăng nữa, chắc hẳn khi nhìn vào thực tế hiện tại chúng ta vẫn dễ dàng nhận ra sự phân hóa thành các nhóm phụ huynh, nhóm học sinh, cộng đồng học sinh ở các trường học, lớp học tương ứng với hoàn cảnh kinh tế – địa vị xã hội của các gia đình.

Tôi đã từng là một giáo viên dạy nhiều năm ở cả trường công và trường tư. Trong thời gian đó tôi đã lặng lẽ quan sát và thấy rằng khi một học sinh hay phụ huynh “rơi” và một cộng đồng có hoàn cảnh kinh tế quá khác biệt, họ sẽ lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong hòa nhập, giao tiếp, hợp tác.

Ngay khi đã trở thành sinh viên, với hoàn cảnh nghèo khó, sinh viên sẽ phải tập trung sức lực, thời gian cho việc học, việc mưu sinh (làm thêm) vì vậy họ không có thời gian đầu tư cho các mối quan hệ, giao tiếp xã hội để mở rộng mạng lưới của bản thân.

Phụ huynh ở nông thôn nhất là cha mẹ nghèo khó thường không có ý thức giáo dục con, hướng dẫn con xây dựng các mạng lưới quanh mình như một cách tạo ra các cộng đồng an toàn, tương trợ hiệu quả mà mình là thành viên. Họ không hề ý thức được rằng các mối quan hệ xã hội và các cộng đồng như vậy là một thứ tài sản quý giá, một chế độ an sinh xã hội linh động mà chắc chắn.

Không chỉ thiếu thời gian, tiền bạc để đầu tư cho các mối quan hệ, các thanh niên sinh ra, lớn lên trong gia đình nghèo khó còn gặp khó khăn nữa trong giao tiếp xã hội, thiết lập mạng lưới, cộng đồng của mình khi họ thiếu các kĩ năng giao tiếp cơ bản, thiếu hiểu biết về cuộc sống của các tầng lớp khác.

Các bạn có thấy lúng túng, thiếu tự tin khi mình sinh ra trong gia đình nghèo khó, lớn lên ở vùng quê xa xôi sau đó lại học đại học ở thành phố và khi đi làm lại phải kết giao, tiếp xúc với những người ở các tầng lớp xã hội trung lưu, thượng lưu không?

Tôi thì có. Rất đơn giản vì khi tiếp xúc với họ tôi thấy bản thân mình thiếu nhiều kĩ năng, kiến thức mà mình không được trang bị. Đơn giản nhất là cách sử dụng các dụng cụ trên bàn tiệc, cách dùng cà vạt, cách ăn mặc, cách đứng, cách ngồi sao cho phong nhã tới những thứ phức tạp và tinh tế hơn như chào hỏi, nói chuyện, tặng quà… Trong thiết lập các mối quan hệ và mạng lưới chắc chắn sẽ không thể thiếu các thể thức xã giao. Người xuất thân trong gia đình nghèo khó thường rất yếu kĩ năng này. Nếu có ai giỏi thì do người đó đã âm thầm tự học và thích nghi nhanh. Không kể một số trường hợp, tôi sẽ phân tích ở phần sau, là do học nhanh chỉ chú ý đến kết quả thuần túy mà thành ra giả dối hoặc phản cảm.

Trong văn chương từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim ta sẽ tìm thấy vô vàn các hình tượng văn học trong các tác phẩm nổi tiếng mô tả sự thích nghi, sự gia nhập đầy khó khăn thử thách của các thanh niên lớn lên ở nông thôn, trong các gia đình nghèo khó khi tiếp xúc với tầng lớp trung lưu, thượng lưu nơi thành thị. Họ đã phải rất nỗ lực để có thể trở thành một thành viên “không chính thức” trong xã hội thuộc về các giai tầng ấy. Thậm chí cho dù nỗ lực cả đời họ vẫn thất bại. Ở một thái cực khác, vì quá khó, họ đã dùng các tiểu xảo, thủ đoạn nhẫn tâm bao gồm cả lừa gạt trong hôn nhân, tình yêu để đạt được mục đích trở thành thành viên của xã hội đó. Các tác phẩm văn học Việt Nam ra đời vào đầu thế kỉ 20 cũng kể rất nhiều câu chuyện tương tự khi khắc họa các nhân vật bị giằng xé giữa xuất thân nghèo khó và khát vọng gia nhập vào xã hội trung lưu, thượng lưu đô thị.

Trong xã hội, ai có trí tuệ cũng đều hiểu người ta không thể sống và làm việc một mình. Muốn có được thành công, muốn sống bình yên, hạnh phúc, cá nhân con người phải biết hợp tác với người khác thông qua các mạng lưới, cộng đồng, tổ chức, các mối quan hệ đa chiều, phức tạp. Sự hợp tác đó chỉ có thể có và được thúc đẩy, gìn giữ thông qua giao tiếp xã hội.

Chính vì vậy, trẻ em, thanh thiếu niên sinh ra, lớn lên trong các gia đình nghèo khó sẽ phải nỗ lực cầu tiến, học hỏi thật nhiều trong giao tiếp, kết giao xã hội để hòa nhập và xây dựng nên mạng lưới bao quanh bản thân mình. Về cơ bản, để giàu có người ta có thể đạt được rất nhanh nếu may mắn hoặc gặp được sự thuận lợi nào đó (bao gồm cả các thủ đoạn bất chính). Tuy nhiên những gì thuộc về văn hóa như thói quen sinh hoạt, giá trị quan, cách thức tư duy, kĩ năng giao tiếp… thường không dễ hình thành hay biến mất trong thời gian ngắn. Nó đòi hỏi sự nỗ lực học tập, rèn luyện và tích lũy theo thời gian. Can đảm nhìn vào sự thiếu hụt kĩ năng, hiểu biết trong giao tiếp sẽ giúp các các thanh thiếu niên sinh ra trong gia đình nghèo khó với mối quan hệ hẹp, học hỏi và xây dựng được các cộng đồng, mạng lưới của bản thân.

Nguyễn Quốc Vương
Trích trong cuốn sách về nghèo đói của tác giả. Mời bạn đọc liên hệ đặt sách.

Đăng lại từ Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: