Nhà Hậu Trần binh lực không còn nhiều, muốn lật ngược thế cờ chỉ còn trông chờ vào kỳ binh. Bấy giờ Quân Minh dựng trại nghỉ ngơi sau 1 ngày giao tranh với quân Nguyễn Súy, nhưng không biết rằng vẫn còn một cánh quân Hậu Trần nữa của Đặng Dung đang áp sát.

Sông Sái Già thành biển lửa

Tối hôm ấy trong lúc quân Minh mệt mỏi ngủ say trong các doanh trại thì Đặng Dung cho quân áp sát tấn công. Quân Minh không ứng phó kịp nên bị tiêu diệt rất nhiều.

Nhà Hậu Trần - P3: Cuộc chiến khốc liệt với quân Minh
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online)

Dưới sông các thuyền nhỏ của Đặng Dung cũng phóng hỏa thiêu cháy các chiến thuyền quân Minh trên sông Sái Già.

Nguyễn Súy sau một ngày giao tranh vất vả với quân Minh đang cho quân nghỉ ngơi ở phòng tuyến, bỗng thấy bên kia có biến, đoán quân của Đặng Dung đã tiến đánh, nhưng không rõ tình hình thực hư thế nào, phân vân không biết nên tiến quân hay không, lại lo trúng kế của Trương Phụ, nên cuối cùng quyết định không cho quân phối hợp.

Quân Hậu Trần dù ít nhưng đánh rất mãnh liệt, không cho quân Minh có cơ hội lập thành thế trận phản kích.

Đặng Dung dẫn quân tấn công soái hạm của Trương Phụ thành công, nhưng trong đám loạn quân, Đặng Dung không biết mặt và cũng không nhìn rõ nên Trương Phụ nhảy thuyền thoát được.

Trời sáng dần, Trương Phụ nhận thấy quân Hậu Trần đuổi theo đánh ít hơn so với quân Minh, nên chỉ huy quân quay trở lại đánh.

Nếu lúc này Nguyễn Súy đưa quân đến có thể tình hình đã khác, nhưng cánh quân này vẫn án binh bất động. Quân của Đặng Dung đơn độc đối mặt với đội quân đông đảo hơn, nên phải rút chạy.

Trận đánh này sử thần Ngô Sĩ Liên nhận xét trong Đại Việt sử ký toàn thư:

“Trận đánh ở Sái Già, Đặng Dung, Nguyễn Súy, đem tàn quân trơ trọi chống lại bọn giặc mạnh, quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp doanh trại giặc làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè, khí giới của chúng, không phải người thực sự có tài làm tướng, thì có làm được như thế hay không? Thế nhưng cuối cùng vẫn bại vong, đó là do trời. Tuy thất bại, cũng vẫn vinh quang.”

Quân Minh thoát hiểm ra sức đánh vào chiến lũy của cánh quân Nguyễn Súy, lúc này Nguyễn Súy biết chuyện ân hận vì đã không xuất quân phối hợp với Đặng Dung. Nguyễn Súy liền phái 3 tráng sĩ có tài bơi lội lặn xuống sông đột nhập lên soái hạm để ám sát Trương Phụ.

Sự việc này Đại Việt Sử ký Toàn thư có ghi chép lại rằng:

“Nguyễn Súy sai ba thích khách, đội cỏ xuôi dòng đến thuyền của Phụ. Một người trèo lên mũi thuyền, hai người trèo lên đuôi thuyền. Phụ biết, bắt được hai người, giết một người, thả một người, lại còn cho tiền bạc. Hôm sau Phụ hội họp các tướng nghị bàn, Hoàng Trung nói không hợp ý Phụ, Phụ nổi giận kể tội Trung phòng giữ không nghiêm, để đến nỗi có chuyện khích thách, rồi chém Trung. Các tướng đều tái mặt đi.”

Không chịu nhục, vua tôi nhà Hậu Trần cùng tuẫn tiết

Trước sức mạnh của quân Minh, biết không thể giữ phòng tuyến được lâu dài, Nguyễn Súy cho quân rút về vùng núi. Quân Minh chiếm toàn Thuận Châu.

Các cánh quân Hậu Trần phải ẩn náu trong rừng núi. Quân Minh truy lùng quân Hậu Trần ráo riết.

Bấy giờ các nhóm quân Hậu Trận bị lạc nhau, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đóng quân ở núi Côn Truyền tập hợp lực lượng. Quân Minh biết được cho quân tiến đánh. Quân Hậu Trần tan vỡ, nhiều tướng lĩnh tử trận, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị cùng 700 quân chạy thoát.

Quân Minh truy đuổi đến cùng, dù cố gắng nhưng sức cùng lực kiệt, cả Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đều bị bắt.

Nguyễn Cảnh Dị gặp Trương Phụ thì buông lời chửi rủa thậm tệ khiến Trương Phụ tức giận sai giết chết.

Nguyễn Súy sau khi cho quân của mình ẩn náu trên núi liền chạy về hướng nam đến châu Minh Linh của Chiêm Thành. Thế nhưng quân Minh vẫn truy đuổi đến tận Chiêm Thành và bắt được Nguyễn Súy.

Vua Trùng Quang chạy sang Ai Lao trước sự truy đuổi ráo riết của quân Minh. Dù vua đã đến được Khăm Muội (thuộc Lào ngày nay) nhưng quân Minh vẫn đuổi đến và bắt được.

Vua Trùng Quang và các tướng bị đưa sang Yên Kinh để hoàng đế nhà Minh xử lý. Ngồi trên thuyền, vua Trùng Quang nhảy xuống biển tự vẫn, Đặng Dung và Nguyễn Súy cũng nhảy xuống biển theo vua.

Thay lời kết

Nhà Hậu Trần bắt đầu từ thời Giản Định Đế năm 1407 đến khi kết thúc là năm 1414, suốt 7 năm trời chống quân Minh, hy vọng khôi phục Vương Triều, dù cơ hội rất nhiều nhưng lại lần lượt bỏ lỡ, có lẽ cũng bởi khí số nhà Trần đã tận.

Sử thần Ngô Sĩ Liên đánh giá về nhà Hậu Trần như sau:

Trùng Quang Đế lấy quân một lữ để mưu khôi phục đất nước trong lúc loạn lạc lưu ly, ví như dùng một cây gỗ để chống giữ ngôi nhà lớn đã đổ, chả lẽ không biết rằng thế không thể cứu vãn được nữa hay sao? Nhưng hãy làm hết bổn phận nên làm, ngõ hầu có thể vãn hồi được thiên mệnh!

Còn như khi bị giặc bắt đem về, giữ nghĩa không chịu nhục, cam lòng nhảy xuống biển mà chết, để cùng mất với nước, thực đúng là “quốc quân chết vì xã tắc”, mà các bề tôi của ngài như Cảnh Dị chửi giặc mong cho chúng giết ngay mình, Nguyễn Biểu kể tội ác của giặc rồi chết, đều là những người đáng ca ngợi cả. Chỉ có Hồ Ngạn Thần đi sứ làm nhục mệnh vua, đã bị giết rồi, Phan Liêu đem tình hình mạnh yếu trong nước đi báo cho giặc, tuy được thoát chết trong một thời, nhưng sau lại bị Thái Tổ Cao Hoàng Đế ta giết chết. Than ôi, người làm tôi trung với nước tuy chết vì nghĩa không có tội gì, mà để lại tiếng thơm mãi mãi, còn bọn bất trung phản quốc, không khỏi tránh khỏi chết, lại còn để tiếng xấu ngàn năm, thực đúng như thế.

Dù đánh bại được nhà Hậu Trần, nhưng sau đó quân Minh vấp phải sự phản kháng của toàn dân tộc, từ bắc đến nam các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi khiến quân Minh phải đàn áp không ngừng nghỉ.

Năm 1418 diễn ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đến năm 1427 thì đánh bại hoàn toàn quân Minh, 10 vạn quân Minh phải đầu hàng và được tha chết. Lê Lợi đã cho sửa sang đường xá, chu cấp ngựa, thuyền và lương thực đưa tiễn 10 vạn hàng binh về nước. Thể hiện tấm lòng đại nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn.

Hoàng đế nhà Minh lúc này là Minh Tuyên Tông triệu tập đại thần nghị sự, ngỏ ý bỏ Giao Chỉ vì những thất bại nặng nề, Trương Phụ phản đối nhưng không thành.

Đến đời Minh Anh Tông, do can ngăn hoàng đế không được, Trương Phụ phải phò tá theo cùng 50 vạn quân tiến đánh 2 vạn quân của bộ lạc Ngõa Lạt (người Mông Cổ).

Dù có 50 vạn quân trong tay đánh với 2 vạn kỵ binh, nhưng do không nghe lời Trương Phụ cùng các tướng, Minh Anh Tông để thua trận và bị bắt, bản thân Trương Phụ cũng chết trong đám loạn quân.

(Hết)

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: