Trải qua 8 đời chúa Nguyễn, đến năm 1758, toàn bộ vùng đất Nam bộ mới được sáp nhập vào Đại Việt. Tuy nhiên ngay sau đó, những năm tháng bình yên ở Đàng Trong cũng không còn. Quyền thần Trương Phúc Loan lũng đoạn Triều đình, vơ vét của dân chúng khiến muôn dân ca thán. Phong trào Tây Sơn nổ ra dẫn đến các cuộc chiến liên miên. Vùng đất Nam bộ dù trù phú và giàu có nhưng không hề có được một trường học nào của Triều đình được mở. Mãi đến khi vua Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn mới cho mở trường Hương Gia Định.

Vẫn là đất học

Dù không có trường học công được mở, các trường tư vẫn có nhiều, người Nam bộ vốn thật thà, học chữ Thánh Hiền cũng vì để trở thành bậc chính nhân quân tử chứ không phải vì để làm quan. Nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần nhận xét trong sách “Trường Hương Gia Định xưa” như sau: “Có một thời gian tương đối dài, người Việt ở đây theo học chỉ là để học phép đối nhân xử thế, học làm người chứ không phải học làm quan”. Những nhân tài Đàng Trong phải kể đến như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Tùng Châu, v.v..

Trong “Gia Định thành thông chí”, Trịnh Hoài Đức có nhận xét về đất học Gia Định như sau:

“Đất thuộc Dương Châu gần với mặt trời, thiên khí phấn phát, ngay thẳng, văn vẻ, nên con người hay chuộng tiết nghĩa, họ học Ngũ kinh, Tứ thư Thông giám, tinh thông nghĩa lý, lúc mới Trung hưng đã đặt chức Đốc học, ban bố quy chế học tập, mở khoa thi, lối học khoa cử thạnh hành, từ đó lý học và văn chương đều cùng tốt đẹp, nên văn phong mới phấn chấn.”

Là người hàng chục năm ở Gia Định, sống trong sự đùm bọc của dân chúng, vua Gia Long rất hiểu người Nam bộ. Sau khi đánh bại Tây Sơn thống nhất Giang Sơn, nhà Vua nhận xét rằng: “Người Gia Định tánh vốn trung nghĩa, nhưng ít học, nên hay ưa khích khí, nếu được kẻ học giỏi làm thầy, đem lễ nhượng mà dạy, thời dễ hóa làm thiện, mà thành tài được nhiều.”

Trường Hương Gia Định

Năm 1813, vua Gia Long ra sắc chỉ thành lập trường Hương Gia Định, giành cho các sĩ tử từ Binh Thuận trở vào nam dự kỳ thi Hương.

Đến năm 1848, trường Hương Gia Định quy mô lớn mới được xây dựng ở vị trí Nhà Văn hóa Thanh niên số 4 Phạm Ngọc Thạch ngày nay. Cuốn “Đại Nam nhất thống chí” mô ta trường này như sau: “Chu vi 193 trượng 6 thước (khoảng 850 m), tường cao 4 thước 5 tấc (gần 2 m), ở địa phận thôn Nghĩa Hòa, phía tây tỉnh thành, dựng từ năm Tự Đức thứ nhất (1848), xây gạch.”

Từ năm 1813 đến 1864, trường Gia Định đã tổ chức 20 kỳ thi Hương, lấy đỗ 269 người. Sau khi đỗ kỳ thi Hương, sĩ tử phải đến Kinh thành để dự kỳ thi Hội. Tuy nhiên số người đỗ đại khoa ở Gia Định thấp hơn các khu vực khác. Trong “Trường Hương Gia Định xưa” viết: “Đất Gia Định xưa có tất cả năm người đỗ từ Phó bảng đến Tiến sĩ, nhưng chỉ có Phan Thanh Giản là người duy nhất đỗ Tiến sĩ, sau khi thi đỗ tại trường Hương Gia Định. Số còn lại đều đã thi đỗ ở trường Hương Thừa Thiên.”

Lãnh đạo người dân chống Pháp

Dù không có nhiều người đỗ cao như các khu vực khác, nhưng trong số 269 người đỗ thi Hương lại có đến 94 ngươi làm quan lớn, giữ những chức vụ quan trọng.

Năm 1859, quân Pháp tiến đánh Gia Định và Nam bộ. Trong khi Triều đình không sao chống được Pháp, rồi phải nghị hòa nhượng cả vùng Nam bộ cho Pháp, thì chính những nhà Nho ở Nam bộ là những người đầu tiên lãnh đạo dân chúng chống Pháp. Những nhà Nho này đều có tiếng trong dân chúng, từng đỗ các kỳ thi Hương tại Gia Định.

Người đầu tiên phải nói tới là Trần Thiện Chánh, đỗ cử nhân trong kỳ thi Hương tại Gia Định năm 1842. Vào tháng 2/1859, quân Pháp đánh chiếm được thành Gia Định, ông chẳng cần chờ lệnh Triều đình, cùng Lê Huy chiêu mộ 5.800 dân binh khởi nghĩa chống Pháp, và trở thành người đầu tiên lãnh đạo nhân dân Gia Định chống Pháp.

Tiếp theo Trần Thiện Chánh là Đỗ Trình Thoại, đỗ cử nhân kỳ thi Hương ở Gia Định năm 1843. Ông làm Tri huyện Long Thành. Ngay sau khi quân Pháp đánh chiếm được thành Gia Định, ông chiêu mộ trai tráng chống Pháp ở vùng Tân Hòa (nay là Gò Công, Tiền Giang).

Tiếp theo là Phan Văn Đạt người ở tỉnh Long An, đỗ cử nhân kỳ thi Hương ở Gia Định năm 1860. Năm 18619, Đại đồn Chí Hòa thất thủ, quân Pháp chiếm Tân An, Gò Công, Triều đình bất lực cầu hòa. Phạn Văn Đạt đã lãnh đạo dân chúng nổi lên chống Pháp và là người đầu tiên chống Pháp ở vùng Tân An. Ông sinh ra trong gia đình nghèo khó nhưng ham học, vì thế mà mau chóng thuộc lòng kinh sử. Khi ra Kinh thành nhận chức quan, bạn bè phải góp tiền giúp ông, nhưng đến Kinh thành ông lại quyết định từ quan về nhà phụng dưỡng song thân.

Tiếp nữa là Trần Xuân Hòa, đậu cử nhân khoa thi năm 1841. Khi quân Pháp chiếm dược Gia Định và mở rộng đánh chiến các tỉnh miền Đông và miền Tây, ông chiêu mộ nghĩa quân, lập căn cứ thuộc vùng Cai Lậy, Tiền Giang ngày nay. Ông lãnh đạo nghĩa quân tiến hành nhiều cuộc tấn công khiến quân Pháp gặp tổn thất lớn. Năm 1862, quân Pháp tập trung quân tiến đánh nghĩa quân, ông bị bắt nhưng đã cắn lưỡi tự sát giữ tròn khí tiết.

Một trong những tên tuổi lớn của danh sĩ Nam bộ là Nguyễn Hữu Huân, có tiếng học giỏi, đỗ thủ khoa kỳ thi năm 1852 nên dân chúng quen gọi là Thủ Khoa Huân. Ông được cử làm Đốc học huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường.

Năm 1861 khi Pháp tiến đánh Định Tường (Mỹ Tho, Tiền Giang ngày nay) quê ông, Thủ Khoa Huân phát động khởi nghĩa Tân An, dân chúng hưởng ứng rất đông, nghĩa quân có nhiền trận đánh khiến quân Pháp thiệt hại nặng nề.

Những bậc danh Nho từ trường thi Hương Gia Định xưa
Tượng đài Thủ Khoa Huân tại thành phố Mỹ Tho. (Ảnh: Wikipedia, CC BY 2.0)

Cuộc khỏi nghĩa kéo dài mãi đến năm 1875 thì Thủ Khoa Huân bị bắt, quân Pháp chiêu hàng ông không được nên đã tử hình ông. Thủ Khoa Huân trở thành người anh hùng trong lòng người dân Tiền Giang, tượng đài của ông vẫn nằm trang trọng tại thành phố Mỹ Tho.

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: